(HBĐT) - Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên (từ ngày 5 - 26/3/1975) là một trong những thắng lợi to lớn nhất, triệt để nhất của quân và dân ta ở Trị Thiên, có ý nghĩa chiến lược và ý nghĩa chính trị rất quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của toàn chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

 

Trị Thiên gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, chạy dài từ sông Bến Hải - giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc, vào đến đèo Hải Vân. Trong tỉnh Thừa Thiên có TP Huế. Trị Thiên ở vào vị trí là cầu nối hai miền của đất nước nên mạng lưới giao thông ở đây có tầm quan trọng không chỉ đối với chiến trường Trị Thiên mà còn có ý nghĩa chiến lược liên quan đến chiến trường Lào và chiến trường phía trong của miền Nam.

 

Thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, ngày 5/3/1975, Quân ủy T.ư, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở chiến dịch Trị Thiên nhằm tiến công tiêu diệt các mục tiêu của địch trên tuyến phòng thủ Trị Thiên; phối hợp với chiến trường chủ yếu nam Tây Nguyên và sẵn sàng phát triển khi thời cơ đến. Với quyết tâm chiến đấu cao, công tác tổ chức chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, xác định cách đánh sáng tạo, ngay từ đầu, chiến dịch đã tiến công địch đồng loạt cả ở mặt trận giáp ranh và đồng bằng, cùng một lúc đánh cả vào hệ thống phòng ngự vững chắc vòng ngoài và hệ thống kìm kẹp bên trong, buộc chúng phải bị động đối phó và nhanh chóng tan rã. Trước sức tiến công của ta, ngày 18/3, lực lượng địch ở Quảng Trị buộc phải rút chạy, lui về củng cố tuyến phòng thủ ở Nam sông Mỹ Chánh. Trước thời cơ này, quân ta đã kịp thời chuyển sang tiến công và truy kích địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị vào ngày 19/3.

 

Ngày 21/3, chiến dịch tiến công Huế bắt đầu. Phát triển thế tiến công đã tạo được trước đó. Từ các hướng bắc, tây, nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch trong thành phố. Đến ngày 24/3, quân ta đã bao vây chặt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế. Cũng trong ngày 24/3, quân ta đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Tam Kỳ, xóa sổ Sư đoàn 2, Liên đoàn 12 biệt động quân ngụy, giải phóng hoàn toàn TX Tam Kỳ (Quảng Nam).

 

Sáng 25/3/1975, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, các đơn vị của quân khu Trị Thiên và các cánh quân của Quân đoàn 2 từ các hướng tiến về Huế. Quân ta vây kín cả bốn phía và thần tốc tiến vào trung tâm TP Huế. Đến 10h30 ngày 25/3/1975, quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phù Văn Lâu, TP Huế được giải phóng.

 

Như vậy, đến này 25/3, quân ta đã giải phóng TP Huế; ngày 26/3, giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch gồm Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, hai liên đoàn biệt động quân (14 và 15), Lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp và các tiểu đoàn pháo binh, các tiểu đoàn bảo an, lực lượng phòng vệ dân sự và toàn bộ máy bay ngụy quyền tỉnh, quận, xã bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn.

 

Giải phóng Trị Thiên và TP Huế là một thắng lợi lớn, có ý nghĩa chiến lược và chính trị quan trọng. Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, quân ta đã đập tan hệ thống căn cứ quân sự trọng yếu, một bộ phận chỉ huy đầu não của quân ngụy Sài Gòn. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn một bộ máy quân sự lớn gồm nhiều đơn vị, kể cả một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược cùng toàn bộ vũ khí trang bị, căn cứ quân sự, hệ thống kho tàng, sân bay, hải cảng lớn và hiện đại của địch. Hệ thống ngụy quyền, bộ máy kìm kẹp to lớn và tàn bạo của chúng đã xây dựng trong 20 năm bị quét sạch.

 

Chiến dịch Trị Thiên kết thúc thắng lợi đã để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự đặc sắc, trong đó có việc nắm bắt, tận dụng thời cơ, hành động táo bạo, kịp thời. Thắng lợi đó là một đòn phủ đầu giáng vào kế hoạch phòng thủ co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Mỹ - ngụy chủ trương lấy Trị Thiên - Huế làm một trong những trung tâm phòng ngự cố thủ, án ngữ ở phía Bắc hệ thống, bố trí chiến lược quân sự mới, che chở bảo vệ cho trung tâm phòng ngự Quảng Nam - Đà Nẵng. Thắng lợi của chiến dịch đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch, mở toang cánh cửa án ngữ dày đặc của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của ta phát triển tiến công vào phía Nam.

 

Thắng lợi to lớn của ta, thất bại thảm hại của địch ở Trị Thiên - Huế đã góp phần gây ra phản ứng dây chuyền, giáng một đòn mạnh vào tinh thần và sức chiến đấu của quân ngụy, càng đẩy quân đội Sài Gòn lao nhanh hơn nữa đến suy sụp lớn về tinh thần và tổ chức; uy hiếp trực tiếp tới tập đoàn phòng ngự của chúng ở Quảng Nam - Đà Nẵng; thế trận của địch đã bị co hẹp, rối loạn nay càng bị co hẹp rối loạn thêm. Kết quả của chiến dịch đã làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng địch - ta trên hướng tiến công chiến lược phía Bắc, góp phần để ta củng cố quyết tâm tiếp tục mở chiến dịch tiến công vào Đà Nẵng và giành thắng lợi.

 

 

                                                            (Theo Báo Tin tức)

Các tin khác


Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2024): Hội Nhà báo Việt Nam- Dấu ấn hướng về cơ sở

Có thể nói những chuyến công tác "Hướng về cơ sở" đã là dấu ấn đặc biệt cho một năm 2023 đầy sôi động cũng như chặng đường hoạt động vừa qua của Hội nhà báo Việt Nam, là sự cụ thể hóa thành công tinh thần "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả”, hướng về hội viên, nhà báo.

Khiển trách Đảng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Dân Chủ

Ngày 16/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hòa Bình tổ chức kỳ họp thứ 15, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tỉnh Hoà Bình tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada

Từ ngày 20/4 đến ngày 28/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn sẽ đi tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada do Bộ Ngoại giao tổ chức. Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh; Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT; Ban quản lý các KCN tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh; huyện uỷ huyện Lạc Thuỷ và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục