Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 26-5, tại hội trường, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.


Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.Ảnh: DUY LINH

Rà soát các điều luật liên quan quy hoạch

Báo cáo nêu rõ, hiện tại, qua rà soát có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan quy hoạch để phù hợp dự án Luật Quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ QH chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo luật theo hướng Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Tham gia ý kiến thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu tán thành nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Các đại biểu QH Trần Thị Dung (Điện Biên), Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cùng một số đại biểu QH đưa ý kiến tranh luận về việc sẽ có nhiều luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến quy hoạch. Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, về số lượng, các luật cần sửa đổi theo danh mục là 32 luật, nhưng qua rà soát số lượng không chỉ dừng ở con số 32 luật, mà có khoảng 50 dự án luật cần sửa liên quan. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, qua rà soát, ngoài 32 luật theo danh mục nêu, vẫn còn một số luật, pháp lệnh như Luật Xuất bản, Luật Dược, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng... cũng có quy định về quy hoạch. Nếu theo quy định tại Điều 69 của dự thảo luật thì những quy hoạch này vẫn tồn tại, việc không sửa đổi các luật, pháp lệnh này sẽ không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về những nội dung của dự thảo luật, các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) và một số đại biểu bày tỏ quan điểm dự án luật lần này cần có quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ có thể xảy ra trong công tác quy hoạch. Đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuân thủ theo quy định của luật này, quy định của pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt có ý kiến, nên bổ sung nội dung quy định để hạn chế tình trạng lộ, lọt ý định quy hoạch trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt và trước khi hình thành dự thảo quy hoạch dẫn đến hiện tượng đầu cơ, trục lợi.

Bên cạnh đó, các đại biểu QH đưa ý kiến tranh luận về tính khả thi của luật, theo đó Điều 69 dự thảo quy định hiệu lực thi hành luật từ ngày 1-1-2019. Thời gian từ khi luật được thông qua cho đến luật thi hành còn hơn 16 tháng. Theo quy định trong Phụ lục 2 của dự thảo phải sửa đổi 32 luật mà phần lớn các nội dung luật này chưa có trong dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018. Các đại biểu kiến nghị QH và Chính phủ cần chỉ đạo và xem xét kỹ về thời gian để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phản biện về quy hoạch, vì đây là một kênh quan trọng trong quá trình quy hoạch. Nên nghiên cứu quy định thêm vấn đề phản biện khoa học và việc tổ chức phản biện khoa học trong dự thảo luật. Một số đại biểu đề nghị làm rõ việc lãng phí trong quy hoạch, lãng phí do để quy hoạch treo hay nguồn tiền lập quy hoạch để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Sáng qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Xử lý nợ xấu đáp ứng yêu cầu cấp bách

Buổi chiều, QH thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, các đại biểu đồng tình với chủ trương và tinh thần QH ra nghị quyết này, qua đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu, giúp khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay, tăng mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành nghị quyết của QH là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết của QH, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn...

Về nội dung Điều 5 trong dự thảo Nghị quyết về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường nêu: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Một số đại biểu cho rằng, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm thì nợ gắn liền với tài sản bảo đảm, khi nợ thì tài sản bảo đảm không được cho phép bán tài sản bảo đảm dưới giá thị trường. Quan trọng hơn làm sao tránh sự lạm dụng trong đấu giá định giá mua bán tài sản, nếu không dễ xảy ra tình trạng trục lợi, cố tình định giá thấp để "ăn” chênh lệch. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, việc mua bán nợ xấu phải tiến hành đấu giá công khai, minh bạch, theo thị trường, trong một số trường hợp cần có tổ chức định giá độc lập. Vì thế, Chính phủ cần báo cáo QH các tình huống có thể xảy ra để ngăn chặn tình trạng nêu trên, không vì xử lý nợ xấu mà gây thiệt hại cho cả chủ nợ...

Một số ý kiến khẳng định nghị quyết này ban hành không phải để hợp pháp hóa tất cả những hoạt động trái pháp luật tạo ra nợ xấu; và về nguyên tắc phải xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tổ chức tín dụng. Cho ý kiến về phạm vi đối tượng điều chỉnh, Chủ tịch QH nêu nghị quyết này quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, như thế thể hiện sự công bằng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần được nêu rõ trong nghị quyết theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ QH, đó là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Về phạm vi, nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nêu trong dự thảo nghị quyết, Chủ tịch QH cho rằng như thế là chưa phù hợp, cần được xác định rõ ràng, làm rõ, cụ thể hơn ngay trong nghị quyết.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) và một số đại biểu cho rằng, trên thực tế, trong quá trình xử lý chủ yếu vướng trong cách giải quyết tài sản thế chấp và thu giữ tài sản thế chấp. Do đó vấn đề xem xét áp dụng thủ tục rút gọn nêu trong dự thảo nghị quyết là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như trong nghị quyết là chưa đầy đủ, chưa đáp ứng các điều kiện được nêu ở Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hơn nữa, những quy định nêu trong nghị quyết mặc dù không mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự năm 2015, tuy nhiên nội dung ở Điều 7 dự thảo nghị quyết không mang tính khả thi trong thực tiễn, có thể vi phạm quyền và lợi ích của một số cá nhân và tổ chức cùng có giao dịch bảo đảm bằng tài sản. Vì thế, cần tiếp tục rà soát thật kỹ lưỡng những quy định, bảo đảm tính bình đẳng trước pháp luật của các bên tham gia giao dịch dân sự.

Chiều qua, các đại biểu QH đã thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là giải pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện. Qua đó, tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 đáp ứng nhu cầu thực tiễn của sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, hạn chế của việc cơ cấu lại các TCTD trong các giai đoạn trước một cách hiệu quả, qua đó góp phần bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tổ chức tín dụng cũng như nền kinh tế.

Một điều được bàn nhiều là tài sản bảo đảm, nhưng tài sản đó ở nợ xấu liệu có còn không? Nếu còn thì là một điều rất mừng để chúng ta xử lý. Qua tham khảo với các ngân hàng thì tài sản bảo đảm hiện nay nằm chủ yếu ở các dự án bất động sản.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)

Về các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch, đề nghị cần xem xét, minh định rõ hơn về các hành vi bị cấm nhằm chống lợi ích nhóm, gây thiệt hại đến lợi ích của địa phương, quốc gia.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An)

Về phân công trách nhiệm trong quản lý quy hoạch, hiện chưa đề cập việc phân công trách nhiệm trong hoạt động quy hoạch cho chính quyền cấp huyện và cấp xã, trong khi hai cấp này giữ vai trò quyết định trong việc quản lý quy hoạch tại địa phương.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)

Hiệu quả của công tác thi hành án dân sự liên quan đến thu hồi nợ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án dân sự tính đến ngày 31-3-2017 là 17.184 việc, với số tiền còn phải thi hành án khoảng 65.489 tỷ đồng.

(Nguồn: Báo cáo của Chính phủ)

 

                                                         TheoNhandan

Các tin khác


Xã Vĩnh Đồng đổi mới, nêu cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân

Thân thiện, tận tâm, trách nhiệm là cảm nhận của chị Hà Thị Hoa (Mai Châu) khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hay còn gọi là bộ phận "một cửa” của UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).

Phát huy những kết quả, truyền thống đoàn kết, tạo khí thế mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ (*)

Ngày 26/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu bế mạc hội nghị. Báo Hòa Bình trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Phong trào thanh niên tình nguyện lan tỏa và thiết thực

Thời gian qua, phong trào thanh niên tình nguyện được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tham gia. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thanh niên. Bên cạnh đó là cơ hội để đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi, trao đổi kỹ năng sống, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng.

Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm đồng chí Lê Hải Bình giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Chiều 25/3, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và trao Quyết định.

Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ

Ngày 25/3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ tổ chức Hội nghị lần thứ 30, khóa XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ

Sáng 25/3, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục