Kể từ khi Báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, ra số đầu ngày 21-6-1925, đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 92 năm đồng hành với dân tộc. Cùng với sự phát triển, lớn mạnh của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, loại hình, công nghệ, phương tiện kỹ thuật làm báo và đội ngũ những người làm công tác báo chí.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 857 cơ quan báo, tạp chí in; 105 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh-truyền hình, trong đó có hai đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; một hãng thông tấn quốc gia; hơn 35.000 người làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Hiện nay, ở nước ta có đủ loại hình báo chí, gồm: Báo in, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình), báo điện tử. Trong những năm qua, báo chí đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng giúp Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, thời gian qua, báo chí nước ta cũng còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Một trong những hạn chế đó là do sự bất cập trong quy hoạch báo chí dẫn đến một số cơ quan báo chí trùng lặp về nội dung, phân tán, lãng phí về nhân lực, tài chính. Nhiều tờ báo na ná nhau về nội dung, hình thức thể hiện và không rõ về đối tượng phục vụ. Số lượng báo chí quá tải cũng dẫn tới sự cạnh tranh thông tin không lành mạnh, khiến cho thông tin sai sự thật, thông tin không có nguồn gốc, không được kiểm chứng có xu hướng gia tăng, gây dư luận không tốt trong xã hội.

 

  Ảnh minh họa: TTXVN

Hướng tới xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ, nhân văn, Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: "Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, tuy chưa dùng từ "quy hoạch báo chí”, nhưng Bác đã có lời huấn thị sâu sắc: "Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ”.

Có thể khẳng định rằng, việc quy hoạch báo chí trong tình hình hiện nay là khách quan, cần thiết. Việc quy hoạch này không đơn thuần là xem xét, giảm số lượng các tờ báo, tạp chí trùng lặp về tôn chỉ, mục đích và nội dung, mà điều quan trọng hơn là đưa ra hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi để xây dựng các cơ quan báo chí có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm báo hiện đại trong kỷ nguyên công nghệ số; đồng thời, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm báo có số lượng hợp lý, chất lượng cao, thực sự là lực lượng mũi nhọn xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng.

Quán triệt các quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển hệ thống báo chí phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Đề án "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Mục đích của đề án này là nhằm sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống báo chí bảo đảm đủ số lượng gắn với đổi mới mô hình hoạt động, phát triển các loại hình báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin lành mạnh, đa dạng, phong phú của các tầng lớp nhân dân. Một số ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại quy hoạch này sẽ hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân. Nhưng sự lo ngại đó là không có cơ sở. Bởi vì, ngay tên đề án đã rõ, từ "phát triển” đặt trước từ "quản lý”, nghĩa là quy hoạch trước hết nhằm hướng đến, tập trung ưu tiên để tạo điều kiện cho báo chí phát triển thuận lợi, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, cũng như bất cứ lĩnh vực nào muốn phát triển đúng hướng, lành mạnh phải gắn liền với công tác quản lý. Báo chí là lĩnh vực đặc thù, hệ trọng, nhạy cảm nên không thể không gắn liền với sự quản lý của Nhà nước. Sự quản lý này thực chất là tạo hành lang pháp lý để báo chí thể hiện sứ mệnh, trách nhiệm cao cả của mình đối với sự phát triển văn minh của đất nước, xã hội. 

Để góp phần thực hiện quan điểm Đại hội XII của Đảng "Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả”, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn xã hội nhận thức sâu sắc, hiểu đúng bản chất vấn đề quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho công dân là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; là một trong những quyền căn bản của con người đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và những luật liên quan khác. Để có cơ sở phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thì nhất thiết phải quy hoạch, xây dựng hệ thống báo chí có đủ nguồn lực, sức mạnh để thể hiện tốt vai trò bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho nhân dân. 

Hai là: Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng nguồn lực tài chính để phủ rộng diện tích thông tin tuyên truyền, bảo đảm thông tin tuyên truyền được lan tỏa sâu rộng, đều khắp trên tất cả các vùng, miền, địa bàn, khu vực, địa phương trong cả nước, trong đó tập trung ưu tiên cho khu vực biên giới, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Ba là: Quan tâm phát triển các cơ quan báo chí bao quát đến mọi đối tượng trong xã hội. Theo đó, tất cả các giai cấp, tầng lớp, thành phần, giới tính trong xã hội (công nhân, nông dân, trí thức, cựu chiến binh, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, người cao tuổi, phụ nữ, các tôn giáo hoạt động hợp pháp…) đều có ít nhất một cơ quan báo chí (báo chí in hoặc báo chí điện tử). Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 19-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.  

Bốn là: Cùng với khai thác, phát huy hiệu quả của các cơ quan báo chí của tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực để xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an thành những tổ hợp truyền thông đa phương tiện, định hướng dư luận xã hội, góp phần xây dựng nền tảng, môi trường thông tin lành mạnh cho đất nước và xã hội.

Năm là: Tiếp tục coi trọng các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), trong đó sắp xếp, tinh giản một số cơ quan báo chí in gặp nhiều khó khăn trong hoạt động; đồng thời chú ý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho báo chí điện tử hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy của công chúng trong thời đại kỷ nguyên số. Cách làm này là phù hợp với xu thế phát triển của báo chí thế giới hiện nay.

Có thể nói rằng, làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí theo quan điểm Đại hội XII của Đảng nhằm vừa tránh tình trạng "khoảng trống thông tin” hoặc thông tin "chỗ thừa, nơi thiếu”, vừa bảo đảm cho thông tin đến được với tất cả mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước, từ đó tạo cơ hội cho nhân dân được quyền tiếp cận, hưởng thụ những giá trị thông tin bổ ích, lành mạnh trên báo chí.

                                         TheoQĐND

Các tin khác


Tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành

Sáng 29/3, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng chí Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Đại hội Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029

Ngày 28/3, Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Tiếp tục chương trình công tác tại Điện Biên, ngày 28/3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên.

Huyện Lạc Thủy: Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Trong những năm qua, UBND huyện Lạc Thuỷ ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV

Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024 tổ chức họp triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Xã Vĩnh Đồng đổi mới, nêu cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân

Thân thiện, tận tâm, trách nhiệm là cảm nhận của chị Hà Thị Hoa (Mai Châu) khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hay còn gọi là bộ phận "một cửa” của UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục