(HBĐT) - Nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ, đồng thời ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Báo Hòa Bình mở chuyên mục Hướng tới kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018).

                   

Giữa lúc Tây Nguyên đang hoàn tất công tác chuẩn bị bước vào chiến dịch Xuân 1975 theo nhiệm vụ trên giao thì quân giải phóng miền Đông Nam Bộ giải phóng thị xã Phước Long; Mỹ - ngụy phản ứng quyết liệt nhưng cuối cùng phải "lờ đi” sự kiện Phước Long vì quân chủ lực ngụy không đủ sức phản kích, Mỹ thì không trực tiếp can thiệp bằng quân bộ. Thời cơ mới xuất hiện. Đồng chí Lê Ngọc Hiền - Phó tổng Tham mưu trưởng từ Hà Nội cấp tốc vào Tây Nguyên, phổ biến chỉ thị của Thường vụ Quân ủy T.ư về nhiệm vụ Chiến dịch Nam Tây Nguyên: Đánh quỵ hoặc tiêu diệt 1 sư đoàn, đánh thiệt hại Quân đoàn 2 ngụy, giải phóng phần lớn hoặc hoàn toàn các tỉnh Đăk Lăk, Phú Bổn, Quảng Đức gồm ba thị xã Buôn Ma Thuột, Cheo Reo, Gia Nghĩa. Trọng điểm là tỉnh Đăk Lăk, mục tiêu quan trọng là ba quận lỵ Đức Lập, Thuần Mẫn, Kiến Đức… Như vậy so với hai lần trước, nhiệm vụ trên giao cho bộ đội Tây Nguyên lần thứ ba này có sự phát triển mới.

Đảng ủy và BTL mặt trận Tây Nguyên họp liên tục trong 5 ngày đêm liền, có sự tham gia của Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk tập trung quán triệt nhiệm vụ và bàn phương án tác chiến chiến dịch. Kế hoạch tác chiến được dự kiến theo hai phương án: Một, đánh địch khi chúng chưa tăng cường phòng ngự dự phòng. Hai, đánh địch đã tăng cường phòng ngự dự phòng. Hội nghị cũng thống nhất, trong công tác chuẩn bị lấy phương án hai làm cơ bản nhưng trong thực hiện phải hết sức tạo thời cơ để đánh địch theo phương án một. Phương châm và tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến dịch là: Mạnh bạo-Chắc thắng-Chủ động-Linh hoạt-Bí mật-Bất ngờ.

 


Bộ đội ta làm chủ sân bay Hòa Bình ngày 11/3/1975.ảnh: T.L

 

Đêm mùng 3 rạng ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng loạt trận tiến công địch trên đường 19 phía đông TX Pleiku. Trung đoàn 95A bất ngờ nổ súng tiến công tiêu diệt một loạt vị trí địch từ Plei Bông đến ấp Phú Yên, làm chủ đoạn đường 20 km. Sư đoàn 3 (Quân khu 5) cũng đồng loạt tiến công tiêu diệt các vị trí địch làm chủ đường 19 từ An Khê đến Bình Khê. Đường 19 bị cắt đứt, địch càng tin sự phán đoán của chúng là chính xác nên tập trung lực lượng phản kích trên đường 19 và phòng giữ Kon Tum, Pleiku. Buôn Ma Thuột chỉ có Trung đoàn 53 (thiếu), Liên đoàn 21 biệt động quân, 1 tiểu đoàn thiết giáp và 1 tiểu đoàn pháo.

8 giờ ngày 4/3, Thường vụ Đảng ủy chiến dịch họp nhận định, ta đã điều khiển địch theo đúng ý đồ của ta và hạ quyết tâm: Đánh địch chưa tăng cường phòng ngự dự phòng. Để thực hiện quyết tâm của Thường vụ Đảng ủy, Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 968 tăng cường bắn pháo vào Kon Tum, Pleiku, Trung đoàn 149 - Sư đoàn 316 nhanh chóng vượt đường 14 ém quân vào nam Buôn Ma Thuột, Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 chuẩn bị đánh Mê Van; Trung đoàn 95B cho 1 tiểu đoàn chặn địch ở Bản Đôn; pháo hỏa tiễn sẵn sàng đánh sân bay Hòa Bình nếu địch đổ quân tăng cường cho Buôn Ma Thuột.

Ngày 5/3, Trung đoàn 25 cắt đường 21, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 320) cắt đường 14 ở Nam EaH’leo. Ngày 8/3, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) tiến công chi khu quân sự Thuần Mẫn ở phía nam Pleiku 60 km, diệt 1 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội cảnh sát dã chiến và cơ quan chi khu. Ngày 9/3, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) tiến công làm chủ quận lỵ Buôn Hồ, cách Buôn Ma Thuột về phía bắc 50 km. Cùng ngày, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) tiến công làm chủ chi khu Đức Lập, tiêu diệt căn cứ 23 và Núi Lửa.

Như vậy, đến hết ngày 9/3, ta đã cài xong thế trận chiến dịch, cô lập Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt Kon Tum, Pleiku với Buôn Ma Thuột. Nhận thấy thời cơ nổ súng thuận lợi bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, Tư lệnh chiến dịch Hoàng Minh Thảo ra lệnh tiến công.

Đúng 1h55 ngày 10/3, cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu. Các chiến sỹ Trung đoàn đặc công 198 đánh chiếm sân bay lên thẳng Ngã Sáu, khu kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, mở toang cửa ngõ phía đông bắc và tây bắc vào Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 95B tiến công tiêu diệt địch ở Ngã Sáu. Các đơn vị của Sư đoàn 316 đánh chiếm cứ điểm Chư Duê, Chư Bua, điểm cao 149, quét sạch địch án ngữ vòng ngoài. Lợi dụng tiếng súng của đặc công và tiếng nổ của đạn hỏa tiễn, các trung đoàn xe tăng 273, pháo mặt đất 40, 675, pháo phòng không 232 và 234 cùng các đơn vị bộ binh từ vị trí tạm dừng tiến vào chiếm lĩnh trận địa tiến công.

Từ hướng tây, các chiến sỹ Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) lần lượt đánh chiếm khu pháo binh, thiết giáp, hậu cứ Tiểu đoàn 1-Trung đoàn 53 ngụy rồi cùng xe tăng Trung đoàn 273 theo đường Phan Bội Châu đánh địch co cụm ở trường Bồ Đề, phát triển sang Ngã Sáu hợp điểm với Trung đoàn 95B. ở hướng tây bắc, các chiến sỹ Trung đoàn 174 (Sư doàn 316) sau khi cùng đặc công đánh bại địch phản kích ở khu kho Mai Hắc Đế, tiến công vào khu tiếp liệu. ở hướng tây, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành do Tiểu đoàn 4-Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) đảm nhiệm tiến công làm chủ khu truyền tin, khu vận tải, Tiểu đoàn 23 quân y, áp sát căn cứ Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy. ở hướng nam, Trung đoàn 149 (Sư đoàn 316) đánh vào khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá sỹ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình. Quá trình tiến công, Trung đoàn cao xạ 232 và 234 luôn theo sát bảo vệ đội hình bộ binh, bắn rơi 6 máy bay A37, buộc địch phải bay cao ném bom chệch ra ngoài. Kết thúc ngày đầu tiến công, ta làm chủ phần lớn các mục tiêu quan trọng trong thị xã.

Sáng ngày 11/3, dưới sự chi viện của pháo binh, từ bốn hướng, các mũi binh chủng hợp thành của ta đồng loạt tiến công đánh chiếm căn cứ Sư đoàn 23 ngụy. Đến 11g, cuộc tấn công đã toàn thắng, ta tiêu diệt, làm tan rã, bắt sống toàn bộ quân địch trong đó có đại tá Vũ Thế Quang-Tư lệnh phó Sư đoàn 23 ngụy và đại tá Nguyễn Trọng Luật- Tiểu khu trưởng Đăk Lăk, làm chủ TX Buôn Ma Thuột.

Mất thị xã, nhưng các căn cứ 45, Chư Nga, Bản Đôn, Hòa Bình vẫn còn. Vì vậy, ngày 12/3, địch vội vã đổ Trung đoàn 45 xuống cao điểm 581, đổ Trung đoàn 44 và Sư bộ Sư đoàn 23 xuống Phước An với ý đồ liên kết với Liên đoàn 21 biệt động quân tái chiếm Buôn Ma Thuột. Thời cơ mới xuất hiện, BTL chiến dịch liền lệnh cho Sư đoàn 10 đã ém sẵn ở đông Buôn Ma Thuột có xe tăng, pháo binh chi viện tiêu diệt Sư đoàn 23. Ngày 14/3, Sư đoàn 10 bắt đầu tiến công, đến ngày 18 tiêu diệt xong Sư đoàn 23 ngụy, giải phóng Phước An, Chư Cúc và vùng đông bắc Đăk Lăk.

Buôn Ma Thuột bị đánh chiếm, Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 biệt động quân bị tiêu diệt, Kon Tum, Pleiku bị bao vây uy hiếp nghiêm trọng, Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung, chủ yếu từ Nha Trang trở vào và trận then chốt thứ ba của chiến dịch Tây Nguyên đã diễn ra bằng cuộc truy kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 2 ngụy tháo chạy trên đường 7-Cheo Reo của Sư đoàn 320- Cuộc truy kích đuổi địch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương tính đến lúc đó.

Thừa thắng, bộ đội Tây Nguyên đã ào ạt tấn công theo các trục đường 7, 21, tiêu diệt Lữ dù 3, xuống giải phóng các tỉnh Phú Yên, TP Nha Trang, quân cảng Cam Ranh và toàn tỉnh Khánh Hòa. Có thể nói, đến ngày 3/4/1975 - ngày giải phóng Cam Ranh, chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975 mới thực sự kết thúc.

Thắng lợi to lớn của chiến dịch Tây Nguyên đã đẩy nhanh sự suy sụp mới, toàn diện, không gượng dậy được của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, góp phần tạo ra thời cơ có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước anh dũng của nhân dân ta.

 

Theo nguồn Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh.vn

Các tin khác


Dưới "mái nhà chung" của người làm báo

LTS: Có niềm vui, sự hứng khởi, có lòng say mê, nhiệt huyết và cả sự can trường, sẵn sàng dấn thân của người làm báo… để xây dựng nên những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống đến với độc giả, khán thính giả. Đó là những điều đang có, đang tồn tại dưới "mái nhà chung” của người làm báo Hòa Bình - Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình. Kết quả này được kiến tạo bởi tâm huyết của những người làm công tác Hội và sự góp sức tích cực của các hội viên nhà báo vì mục tiêu xây dựng HNB tỉnh Hòa Bình ngày càng vững mạnh. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập HNB Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2024), Người làm báo Hòa Bình (NLBHB) có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH HNB Việt Nam, Chủ tịch HNB tỉnh Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ huyện Tân Lạc

Việc triển khai thực hiện Quy định số 31-QĐi/TU của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) tại Đảng bộ huyện Tân Lạc đã góp phần đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chất lượng SHCB đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của đảng ủy cơ sở từng bước được đổi mới.

Kỳ họp thứ 7 dự kiến tổ chức thành hai đợt với nhiều nội dung quan trọng

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Dự kiến kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra trong hai đợt vào tháng 5, tháng 6/2024.

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Chiều 17/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Huyện Cao Phong: Thống nhất thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của các chỉ thị, nghị quyết

Sáng 17/4, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Cao Phong khóa XXVIII tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam (NQ 33); tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (CT 38); sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/4/2021 của BCH Đảng bộ huyện về cải thiện môi trường thu hút đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2025 (NQ 02).

Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục