Bài 2 - Nhiều khó khăn, vấn đề phát sinh trong quá trình thí điểm

(HBĐT) - Việc nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố là yêu cầu tất yếu không chỉ phù hợp với các quy định của pháp luật mà còn thiết thực tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất ở cơ sở... Tuy nhiên, việc thí điểm nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã vấp phải nhiều khó khăn từ sự khác biệt về dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán, địa hình chia cắt cho đến nhận thức chưa đầy đủ của đội ngũ cán bộ, đảng viên về vấn đề này.

Khó khăn đến từ sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán

Tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc chính, trong đó 5 dân tộc thiểu số là Mường, Thái, Mông, Tày, Dao. Các dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số toàn tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong thẳng thắn cho biết: Xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có 5 xóm người dân tộc Dao. Mỗi xóm chỉ có từ 30 - 58 hộ. Tuy nhiên, có thể chỉ nhập được xóm Tiến Lâm 1 và Tiến Lâm 2 đều là xóm người Dao thành 1 xóm. Ba xóm còn lại khó nhập vào với các xóm liền kề là xóm người dân tộc Mường vì những khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt. Đây là thực tế cần nghiên cứu, xem xét thấu đáo để tìm giải pháp.


Sau nhập, kiện toàn xóm, nhà văn hóa xóm Bai Vớn (xóm đặc biệt khó khăn của xã Định Cư, huyện Lạc Sơn)  trở nên quá tải, không đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân. 

Giữa các dân tộc thiểu số có sự khác biệt, thậm chí ngay trong cùng một dân tộc, giữa các dòng họ cũng có nhiều nét sinh hoạt không tương đồng, cản trở việc nhập, kiện toàn xóm. Đồng chí Lò Văn Thẩm, Chủ tịch Hội CCB huyện Mai Châu trăn trở: Thực tế nắm tình hình tại cơ sở cho thấy, Mai Châu có gần 74% xóm dưới 100 hộ, chủ yếu là dưới 70 hộ /xóm. Tuy nhiên, các dân tộc Thái, Mường, Mông... sinh sống đan xen với xóm người Kinh từ các tỉnh đồng bằng lên khai hoang nên rất khó nhập lại. Đó chưa kể cùng là đồng bào dân tộc Thái nhưng mỗi dòng họ như Hà, Khà, Lò... lại sống thành từng cụm dân cư và cũng có nét riêng về văn hóa, đời sống, phong tục tập quán.

Thực tế cho thấy, mỗi dân tộc thiểu số có phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, phương thức canh tác riêng, tạo nên sự khác biệt từ nhà ở, trang phục, tiếng nói, lễ hội, đám ma, đám cưới... và đặc biệt là "luật lệ làng”. Không chỉ là bản sắc, đó còn là niềm tự hào, tình yêu, tự tôn của mỗi cá nhân về văn hóa dân tộc thiểu số của dân tộc mình. Bà con các dân tộc thiểu số sống đan xem làm nên sự phong phú cho văn hóa mỗi địa phương nhưng đồng thời cũng có sự định hình rất rõ ràng bản sắc từng dân tộc. Đây là đặc điểm rất riêng của tỉnh Hòa Bình, là "nút thắt” đầu tiên cần phải tháo gỡ. Điều này khiến cho việc nhập, kiện toàn xóm khó có thể thực hiện một cách khiên cưỡng mà cần sự linh hoạt và đồng thuận của nhân dân.

Địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt khiến cán bộ, nhân dân "ngại” nhập xóm

Trong quá trình triển khai thí điểm việc nhập, kiện toàn xóm trên địa bàn tỉnh từ tháng 9 - 12/2017, trong 22 đơn vị cấp xã, phường lựa chọn làm điểm đã "lọt” lại 2 xã không thực hiện được, đó là xã Giáp Đắt (huyện Đà Bắc) và xã Vạn Mai (huyện Mai Châu). Riêng xã Vạn Mai chưa thực hiện được là do người dân chưa đồng thuận. Theo dự kiến, xã Vạn Mai sẽ tiến hành nhập xóm Dồn và xóm Nam Điền. Song, đồng chí Hoàng Thị Cầu, Trưởng xóm Dồn cho biết: Bên cạnh sự khác biệt về quê hương, bản quán người dân 2 xóm, vấn đề nhà văn hóa... một trong những lý do khiến người dân chưa đồng tình là nếu nhập lại thì xóm mới sẽ kéo dài đến 3 km, nhân dân lại sống thưa thớt, rải rác. Đơn giản như việc mời dân đi họp xóm cán bộ cũng rất vất vả. Bà con đi họp xóm phải lội suối thì lại càng "ngại” hơn. Bình thường muốn huy động được trên 50% hộ dân đi họp dân đã khó!

Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt bởi sông, suối, đồi, núi nên những thực tế trên đây đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện vùng cao, vùng núi như Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Sơn... cản trở quá trình nhập, kiện toàn xóm.

Một bộ phận cán bộ, nhân dân nhận thức chưa đầy đủ

Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả triển khai, thực hiện Đề án "Thí điểm nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” đã chỉ rõ khó khăn, vướng mắc đầu tiên cũng là quan trọng nhất trong việc nhập, kiện toàn xóm. Đó là: Một số ít địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố nên nhận thức chưa đầy đủ, có biểu hiện vận động lôi kéo không đồng thuận chấp hành chủ trương nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn cục bộ, chỉ lo nghĩ đến quyền lợi cá nhân, chưa vì chủ trương của Đảng, Nhà nước, chưa vì lợi ích chung của cộng đồng. Có địa phương còn lúng túng, chưa sâu sát trong việc triển khai thực hiện. Từ đó dẫn đến việc lấy ý kiến cử tri trong quá trình làm điểm còn phải tổ chức nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian thực hiện; thậm chí còn có khu vực lấy ý kiến cử tri không đáp ứng tỷ lệ đồng thuận theo quy định nên không đủ điều kiện để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực tế quá trình kiểm tra việc thực hiện điểm công tác nhập, kiện toàn xóm của BCĐ thực hiện Đề án 1084 tại các địa phương như Mai Châu, Lạc Thủy... đã cho thấy sự nhận thức không đầy đủ, hạn chế của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tại huyện Lạc Thủy đã có đồng chí đứng đầu cấp ủy của một xã làm điểm phát biểu ý kiến rằng: Việc nhập, kiện toàn xóm là "việc phát sinh”. Tại huyện Mai Châu, phát biểu ý kiến với đoàn kiểm tra của tỉnh đã có đồng chí kiến nghị rằng "khó quá thì không làm hoặc để lại làm sau, các địa phương khác làm trước”...

Ngoài ra, một số xóm, tổ dân phố có quy mô nhỏ, không đủ điều kiện lại không liền kề nhau nên không thể nhập xóm được. Một số xóm, tổ dân phố phải chia ra nhập vào nhiều xóm, tổ dân phố khác nên khó khăn trong việc lấy ý kiến cử tri. Các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời, dẫn đến việc tuyên truyền đến người dân còn tâm lý ngại khi nhập sẽ khó khăn, xáo trộn trong việc thay đổi giấy tờ, liên quan đến sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh buôn bán như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân… Có địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình, thủ tục giải thể, sáp nhập, kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể. Đa số các xã, xóm đều nêu khó khăn về quản lý, kinh phí cải tạo, xây dựng mới, bố trí địa điểm quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi, các thiết chế văn hóa… ở xóm, tổ dân phố mới sau khi nhập.

"Nóng” câu chuyện nhà văn hóa và các giấy tờ liên quan sau sáp nhập

Nhà văn hóa là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất sau sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố. Sau sáp nhập, quy mô số hộ, số dân tăng lên, nhà văn hóa cũ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hội họp.

Đồng chí Bùi Văn Chiến, Bí thư chi bộ lâm thời xóm Bai Vớn, xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Sau khi sáp nhập xóm Bai Vớn và xóm Bai Lòng, xóm mới có tên là Bai Vớn. Hiện nay, xóm mới phải sinh hoạt tập trung ở nhà văn hóa xóm Bai Vớn cũ. Tuy nhiên, như chi hội Phụ nữ có hơn 100 hội viên, chi hội Nông dân có 120 hội viên, chi Hội Người cao tuổi cũng có 74 hội viên… nên việc hội họp diễn ra khó khăn. Từ khi nhập xóm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 3 - 4 cuộc họp dân để triển khai công tác đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chuẩn bị sản xuất, tiêm phòng trâu, bò… Do nhà văn hóa xóm quá chật lại là nhà sàn cũ nên bà con đành ngồi tạm dưới sân, gầm sàn. Mong muốn của chúng tôi là có cơ chế hỗ trợ hợp lý, xây dựng nhà văn hóa mới để thuận tiện sinh hoạt cộng đồng.

Đây cũng là thực tế chung đang diễn ra tại các địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của xóm, tổ dân phố sau sáp nhập. Vấn đề các giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là băn khoăn của người dân. Đồng chí Bùi Thị Như Quỳnh, Phó Đội trưởng Đội chứng minh nhân dân, Phòng PC06 (Công an tỉnh) cho biết: Hiện nay, việc xác nhận số chứng minh nhân dân và nội dung thay đổi trên giấy để phục vụ các yêu cầu giao dịch của công dân với ngân hàng, các tổ chức tín dụng… phải được thực hiện ở cơ quan Công an có thẩm quyền. Cụ thể là Trưởng phòng PC06 và Trưởng Công an huyện, thành phố. Điều này khiến bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa khá vất vả trong việc đi lại. Thậm chí một số người dân đến đây xin xác nhận đã kêu phiền phức liên quan đến thủ tục giấy tờ phát sinh sau nhập xóm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình về những khó khăn phát sinh trong nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 1084 tỉnh khẳng định: Cần xác định rõ việc nhập, kiện toàn xóm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và có thời hạn thực hiện cụ thể, chứ không phải là nhiệm vụ ghép hay phát sinh. Tỉnh ta tự hào khi chủ động thực hiện chủ trương sáp nhập này trước khi T.ư ban hành NQT.ư 6 (khóa XII), trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Hiện, cả nước đang triển khai Nghị quyết quan trọng này. Những khó khăn, vướng mắc khác đã và đang phát sinh như: lấy ý kiến cử tri, văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, quy trình giải thể và sắp xếp kiện toàn các tổ chức Đảng đoàn thể, điều chỉnh thông tin trên giấy tờ cá nhân và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng nhà văn hóa... cần được tập trung tìm giải pháp tháo gỡ, quyết tâm không để tỉnh ta "đi trước, về sau” trong việc thực hiện NQT.ư 6 (khóa XII).

                                                          Dương Liễu - Cẩm Lệ 

(Còn nữa)

 


 


Các tin khác


Thành lập Hội Cựu Công an nhân dân huyện Cao Phong

Hội Cựu Công an nhân dân (CAND) huyện Cao Phong vừa tổ chức Đại hội thành lập Hội nhiệm kỳ 2024 - 2029.

MTTQ huyện Lạc Sơn: Đổi mới nội dung các phong trào thi đua

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp huyện Lạc Sơn đã triển khai thực hiện rộng khắp các cuộc vận động, phong trào thi đua hướng về cơ sở với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tạo sự lan tỏa thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dưới "mái nhà chung" của người làm báo

LTS: Có niềm vui, sự hứng khởi, có lòng say mê, nhiệt huyết và cả sự can trường, sẵn sàng dấn thân của người làm báo… để xây dựng nên những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống đến với độc giả, khán thính giả. Đó là những điều đang có, đang tồn tại dưới "mái nhà chung” của người làm báo Hòa Bình - Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình. Kết quả này được kiến tạo bởi tâm huyết của những người làm công tác Hội và sự góp sức tích cực của các hội viên nhà báo vì mục tiêu xây dựng HNB tỉnh Hòa Bình ngày càng vững mạnh. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập HNB Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2024), Người làm báo Hòa Bình (NLBHB) có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH HNB Việt Nam, Chủ tịch HNB tỉnh Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ huyện Tân Lạc

Việc triển khai thực hiện Quy định số 31-QĐi/TU của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) tại Đảng bộ huyện Tân Lạc đã góp phần đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chất lượng SHCB đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của đảng ủy cơ sở từng bước được đổi mới.

Kỳ họp thứ 7 dự kiến tổ chức thành hai đợt với nhiều nội dung quan trọng

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Dự kiến kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra trong hai đợt vào tháng 5, tháng 6/2024.

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Chiều 17/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục