Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải đã vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến trường miền nam.  Ảnh: THANH TỤNG (TTXVN)

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải đã vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến trường miền nam. Ảnh: THANH TỤNG (TTXVN)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (TTC và ND) mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là đòn tiến công chiến lược cuối cùng, đập tan toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi to lớn đó có phần đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm hậu cần trong TTC và ND...

 

Trung tướng Dương Văn Rã, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (TCHC) (Bộ Quốc phòng) cho biết: Cuộc TTC và ND mùa xuân năm 1975 diễn ra với thời gian chưa đầy hai tháng, ta thực hiện phương án tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, trong điều kiện xa hậu phương lớn miền bắc, thời gian chuẩn bị trực tiếp ngắn. Cùng lúc, ta phải khẩn trương cơ động nhiều lực lượng, binh khí kỹ thuật và khối lượng vật chất rất lớn từ xa vào chiến trường kết hợp vận chuyển cứu chữa thương binh, bệnh binh. Trong khi đó địa bàn rộng, phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều núi cao, sông, suối; thời tiết khí hậu khắc nghiệt; địch sử dụng lực lượng trên bộ, trên không đánh phá ác liệt vào các tuyến vận tải, kho, trạm... Bởi vậy, công tác vận tải, tiếp tế gặp nhiều khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Ðảng, trực tiếp là Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và Ðảng ủy, Chỉ huy TCHC, quân và dân ta đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, bảo đảm hậu cần đáp ứng kịp thời cho các chiến dịch. Trong hai năm (1973-1974), TCHC tiếp tục điều vào chiến trường một đại đội đại tu ô-tô, 36 trạm sửa chữa, 2.148 tấn phụ tùng xe máy, 3.680 cán bộ, lái xe; tăng cường cho chiến trường miền Ðông Nam Bộ một trung đoàn ô-tô vận tải, cho Quân khu 5 và Mặt trận Tây Nguyên mỗi nơi một tiểu đoàn ô-tô vận tải; đưa 76 đội phẫu và đội điều trị vào chiến trường. Ðầu năm 1975, trên các chiến trường đã có 14 bệnh viện, 29 đội điều trị, chín đội vệ sinh, phòng dịch... Cùng với đó, TCHC còn tổ chức 15 trung đoàn (20.000 người), bổ sung cho mặt trận Tây Nguyên và B2 (chiến trường Nam Bộ)...

Là người nhiều năm gắn bó trên chiến trường Trị Thiên, Thiếu tướng cựu chiến binh (CCB) Trần Minh Ðức, 92 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hậu cần, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu Trị Thiên, bồi hồi nhớ lại: Ðể chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Trị Thiên-Huế, từ năm 1973 đến cuối 1974, cùng với củng cố tổ chức, biên chế, bố trí hậu cần tại chỗ áp sát địch, Quân khu chỉ đạo Trung đoàn Công binh 414, lực lượng vận tải phối hợp dân công và nhân dân gấp rút mở bốn tuyến đường giao thông (đường 71, 72, 73 và 74), nối từ đường chiến lược Trường Sơn tỏa về các vùng đồng bằng, vùng giáp ranh để chuẩn bị đường cơ động cho xe tăng, pháo cỡ lớn và ô-tô vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm về các đơn vị... Thực hiện nhiệm vụ, bộ đội chủ yếu ăn cơm độn khoai, sắn; mùa mưa lũ, có lúc không có khoai, sắn mà ăn, phải ăn rau rừng "cầm hơi". Trong khi đó, máy bay địch thường xuyên đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm vào địa bàn để ngăn chặn việc mở đường, vận chuyển, tiếp tế vào chiến trường. Song, với tinh thần "Tất cả vì nhiệm vụ giải phóng miền nam", cán bộ, chiến sĩ trong Quân khu cùng nhân dân và các đơn vị bạn đã tranh thủ ngày đêm bạt núi, san gạt hoàn thành bốn con đường (mỗi đường dài hơn 30 km, mặt đường rộng 3 m). Trước ngày nổ súng mở màn chiến dịch, Tiểu đoàn ô-tô vận tải 32 và lực lượng hậu cần của Quân khu đã vận chuyển từ kho binh trạm của Quân khu về kho xăng dầu ở Cam Lộ được hơn 500 tấn xăng dầu, cùng hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men... về các sư đoàn, trung đoàn và đơn vị; tạo điều kiện để xe tăng, pháo binh cùng các đơn vị của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên cơ động vào vị trí triển khai đội hình chiến đấu tham gia chiến dịch.

"Trong bốn con đường được hoàn thành, đường 74 được đánh giá là quan trọng nhất. Nhờ có con đường này, mà bước vào chiến dịch, Quân đoàn 2 đã cơ động lực lượng vào đánh cắt đội hình của địch trên chiến trường Trị Thiên-Huế; sau đó sử dụng pháo binh bắn phá khu vực sân bay Ðà Nẵng và các mục tiêu, tạo thuận lợi để các đơn vị tiến công tiêu diệt địch, giải phóng Ðà Nẵng!"- CCB Trần Minh Ðức, cho biết.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, nhất là khi có nhận định và quyết tâm mới của Bộ Chính trị (ngày 25-3-1975): "Tập trung lớn và nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật, vật chất, bảo đảm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa...", thì công tác bảo đảm hậu cần phải nhanh chóng chuyển từ kế hoạch hoàn thành giải phóng miền nam trong hai năm rút xuống trong hai tháng và phải thực hiện xong trước mùa mưa (tháng 5-1975). Do vậy, khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Huế - Ðà Nẵng, TCHC đã thành lập bộ phận tiền phương Tổng cục, do Phó Tham mưu trưởng Ðinh Thiện chỉ huy, làm kiêm nhiệm vụ của hậu cần các mặt trận, tổ chức hiệp đồng bảo đảm giữa các lực lượng tham gia...

Chiến thắng giòn giã của ta ở hai chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Ðà Nẵng, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch TTC và ND giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng tư, với phương châm chỉ đạo: "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng". Ðồng thời, quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường, do Thủ tướng Phạm Văn Ðồng làm Chủ tịch. Tất cả ưu tiên bảo đảm cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Ðịnh giành thắng lợi. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm bốn quân đoàn (Quân đoàn 1, 2, 3, 4) và Ðoàn 232 tương đương quân đoàn, cùng lực lượng các quân chủng, binh chủng, lực lượng vũ trang địa phương. Tổng quân số phải bảo đảm cho hơn 300 nghìn người, trong khoảng một tháng. Ðể tiến hành chiến dịch, ta phải cơ động các binh đoàn vào vị trí tập kết chiến dịch, bảo đảm nhu cầu vật chất 60.000 tấn, cứu chữa thương binh, bệnh binh 20% quân số tham gia chiến dịch... Trong khi đó, địa bàn mở chiến dịch ở xa hậu phương, thời gian chuẩn bị trực tiếp ngắn (từ ngày 5-4 đến 26-4-1975), yêu cầu bí mật cao, công tác bảo đảm khẩn trương và phức tạp. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để đánh thắng", lực lượng hậu cần đã tích cực, chủ động, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ðã điều thêm ra phía trước hơn 10.000 người, thành lập tám tiểu đoàn cơ động phục vụ bốc xếp, làm đường; 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị có khả năng thu dung 10.000 thương binh...

Bộ máy hậu cần Chiến dịch Hồ Chí Minh được tổ chức, do Trung tướng Ðinh Ðức Thiện, Chủ nhiệm TCHC, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật là Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp chỉ đạo; Thiếu tướng Bùi Phùng, Chủ nhiệm Hậu cần B2 (hậu cần chiến trường Nam Bộ) làm Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch. Lực lượng hậu cần chiến dịch lấy hậu cần B2 làm nòng cốt, được TCHC và Tổng cục Kỹ thuật tăng cường lực lượng, kết hợp hậu cần các binh đoàn bảo đảm cho năm hướng tiến công vào Sài Gòn.

Ðược sự chỉ đạo của Hội đồng chi viện chiến trường, Bộ Quốc phòng và TCHC các lực lượng, phương tiện vận tải của Nhà nước, Quân đội được huy động cho việc chuyển quân, vật chất vào chiến trường miền nam. Ngoài 6.770 ô-tô làm nhiệm vụ vận tải chuyên trách của quân đội, các cơ quan, ban, ngành, địa phương miền bắc đã huy động 60% lực lượng vận tải dân sự chi viện, vận chuyển lương thực, vật chất hậu cần, kỹ thuật. Cùng với đó, hơn 30.000 cán bộ, thanh niên xung phong được huy động để tăng cường cho Ðoàn 559 mở đường... Trong đó, TCHC chỉ đạo Cục Vận tải phát động đợt vận chuyển thần tốc cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật vào chiến dịch tiếp cận Sài Gòn. Phối hợp lực lượng của các quân khu, quân chủng, binh chủng và của các cơ quan nhà nước hợp thành lực lượng vận tải (LLVT) tổng hợp, tổ chức thành hai mũi tiến công chủ yếu là đường biển và đường bộ đi thẳng vào chiến trường; đồng thời sử dụng máy bay hỗ trợ những nhu cầu khẩn cấp. Với khẩu hiệu: "Ðất nước giải phóng đến đâu, tàu vận tải thọc sâu đến đó", LLVT biển đã bám sát tình hình, vượt mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ; nhiều tàu vận tải biển của các cơ quan giao thông vận tải nhà nước; ngành đường sắt huy động mỗi ngày hơn 100 toa xe chở quân và binh khí, kỹ thuật vào chiến trường. Cán bộ, nhân viên các ga cùng các chiến sĩ quân vận tổ chức bốc xếp hàng hóa, dồn dịch xe, tàu, bảo đảm cho các đoàn tàu vận hành nhanh chóng, an toàn...

Ðể bổ sung 20.000 tấn vật chất còn thiếu so với nhu cầu chiến dịch (chủ yếu là đạn pháo lớn và xăng dầu - phải hoàn thành vào ngày 26-4-1975), TCHC và Ðoàn 559 chỉ đạo lực lượng vận chuyển gấp từ hậu phương và các tỉnh Tây Nguyên, miền trung vào chiến trường được 11.300 tấn vật chất. Ðồng thời, chỉ đạo các binh đoàn mang theo đội hình cơ động vào chiến dịch được 9.347 tấn vật chất; Quân khu 5 tổ chức 100 xe ô-tô chở đạn pháo 130 mm cho Quân đoàn 1. Do vậy, đến ngày 26-4 hậu cần chiến dịch có 55.000 tấn vật chất dự trữ (đạt 90% kế hoạch), đáp ứng nhu cầu tác chiến.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hậu phương tại chỗ miền nam đã xây dựng được mạng lưới hậu cần nối liền từ tây Trị Thiên, qua Tây Nguyên vào đến miền Ðông và xuống miền Tây Nam Bộ, tạo ra mạng lưới hậu phương rộng khắp chi viện cho chiến trường. Huy động 4.000 xe vận tải các loại, gần 700 thuyền máy và số lượng lớn dân công phục vụ chiến dịch; chi viện gần 10.000 tấn lương thực, thực phẩm, đáp ứng 50% nhu cầu cho các lực lượng tham gia chiến đấu...

Ðược biết, nhiệm vụ tiếp tế, vận chuyển hàng phục vụ chiến dịch, nhu cầu vận chuyển được thay đổi từng giờ, từng ngày, cả về khối lượng, mặt hàng, địa điểm giao nhận và thời gian, thứ tự ưu tiên... Trong đó, chỉ lệnh này chưa được triển khai đã phải thay đổi chỉ lệnh khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của chiến trường. TCHC và Ðoàn 559 chỉ đạo các lực lượng đề cao trách nhiệm, dốc sức, dốc lòng vì nhiệm vụ. Ðồng thời, "lật cánh", chuyển lực lượng và phương tiện từ tây sang đông. Các tuyến đường ống xăng dầu phát triển nhanh chóng, các đại đội xe chuyên dùng chở nhiên liệu được tập trung vận chuyển xăng, dầu đi cùng các mũi tiến công. Trên ba tuyến giao thông chiến lược: đường 128 (tây Trường Sơn), đường 15 (đông Trường Sơn) và quốc lộ 1 (tuyến duyên hải)...

Ðại tá CCB Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (TCHC), cho biết: Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc TCHC và Ðoàn 559 phối hợp các lực lượng nhiều năm vượt qua mọi gian khổ hy sinh, xây dựng được hơn 1.300 km đường ống xăng dầu từ Quảng Bình vào đến Bù Gia Mập, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) và xây dựng được hai kho (mỗi kho chứa 200 m3 xăng dầu). Ðến cuối năm 1974, ta đã vận chuyển bằng đường ống đưa vào riêng hai kho nêu trên 400 m3 xăng dầu. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đã khẳng định: Khi xăng dầu vào đến Lộc Ninh, thì vấn đề cầm chắc thắng ở trong tay. Nếu không có xăng dầu vào đến Lộc Ninh thì việc giải phóng Sài Gòn sẽ bị chậm thêm... Ðiều đáng nói là, trước khi quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng huênh hoang tuyên bố: Nếu Việt cộng muốn vào đánh Sài Gòn, thì ít nhất phải mất hơn hai tháng nữa mới chở được 30 nghìn quân vào Sài Gòn. Nhưng, do ta chuẩn bị xăng dầu tốt theo đường ống và đầy đủ xăng dầu ở Lộc Ninh, nên đã huy động được hơn 1.000 xe ô-tô chở 30 nghìn quân từ miền bắc hành quân thần tốc trong 15 ngày đã có mặt tại Ðồng Xoài (Bình Phước), để phối hợp các lực lượng đồng loạt tiến công vào giải phóng Sài Gòn, làm nên Ðại thắng mùa xuân năm 1975.

 
 
 
                                                                    Theo Báo ND
 
 
 

Các tin khác


Xã Vĩnh Đồng đổi mới, nêu cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân

Thân thiện, tận tâm, trách nhiệm là cảm nhận của chị Hà Thị Hoa (Mai Châu) khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hay còn gọi là bộ phận "một cửa” của UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).

Phát huy những kết quả, truyền thống đoàn kết, tạo khí thế mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ (*)

Ngày 26/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu bế mạc hội nghị. Báo Hòa Bình trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Phong trào thanh niên tình nguyện lan tỏa và thiết thực

Thời gian qua, phong trào thanh niên tình nguyện được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tham gia. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thanh niên. Bên cạnh đó là cơ hội để đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi, trao đổi kỹ năng sống, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng.

Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm đồng chí Lê Hải Bình giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Chiều 25/3, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và trao Quyết định.

Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ

Ngày 25/3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ tổ chức Hội nghị lần thứ 30, khóa XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ

Sáng 25/3, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục