(HBĐT) - Những ngày cuối tháng 11/2016, cùng cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, chúng tôi về thăm xã Mỵ Hòa. Câu chuyện bà con nói nhiều nhất là giá cam bán được bao nhiêu? Từ tiền bán cam, Tết này sẽ mua sắm gì? Đây là năm đầu tiên cây cam trên đồng đất Mỵ Hòa cho thu hoạch. Thu nhập từ cam đang đem lại cuộc sống mới cho nhiều hộ dân nơi đây.

 

Đông Hà là xóm có diện tích cam lớn nhất của xã với 20 ha. Hai bên đường vào xóm là những vườn cam vàng rực đang vào kỳ thu hoạch. Gia đình đầu tiên chúng tôi ghé thăm là gia đình anh Bùi Văn Sang và chị Bùi Thị Liên. Gia đình anh chị bắt đầu trồng xen các giống cam Canh, lòng vàng, V2, Hà Giang từ năm 2013 với trên 1 ha. Chị Liên phấn khởi chia sẻ: Năm nay là năm đầu tiên cây cam cho thu hoạch với giá bán tại vườn hiện 18.000 đồng/kg. Giá bán cam lòng vàng 25.000 đồng/kg. Trước kia, gia đình chúng em trồng mía, thu nhập thấp, giá cả bấp bênh. Chuyển đổi sang trồng cam đòi hỏi kỹ thuật, vốn nhưng thu nhập cao hơn. Đầu ra có nhà đầu tư lo.

 

 

Gia đình anh Nguyễn Trọng Đại, xóm Đông Hà, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) đầu tư trồng 7.000 ha cam Canh, V2.

 

Cách vườn nhà chị Liên vài chục mét là vườn cam gia đình anh Nguyễn Trọng Đại. Khi chúng tôi đến, trong vườn có hơn 10 người giúp gia đình anh Đại thu hoạch cam. Theo anh Đại, người dân trong xóm giúp nhau bằng hình thức đổi công. Từng tổ đến các hộ thu hoạch giảm được chi phí thuê nhân công nhiều. Cũng như các hộ khác trong xóm, trên khu vườn 7.000 m2, trước kia, gia đình anh trồng mía cho thu về 40 triệu đồng/năm, chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đến tháng 9/2012, thấy nhiều hộ dân trong xóm liên kết đầu tư trồng cam hiệu quả, anh cũng mạnh dạn trồng 2 giống cam V2 và cam Canh. Năm nay, dự kiến cam Canh cho thu 6 tấn, cam V2 được khoảng 2 tấn. Đây là năm đầu tiên cho thu bói được ít, những năm sau cho thu nhập cao hơn…

 

Đồng chí Bùi Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa cho biết: Từ năm 2011, gia đình tôi và gia đình anh Bùi Văn Vệ ở xóm Mỵ Đông là hộ đầu tiên đưa cây cam về đồng đất Mỵ Hòa. Gia đình tôi đầu tư trồng 3 ha, gia đình anh Vệ trồng 5 ha với các giống cam Canh, V2. Hình thức liên kết đầu tư với các nhà vườn ở huyện Cao Phong, trong đó, mình có đất, công chăm sóc; nhà đầu tư có vốn, giống, phân bón, máy móc, kỹ thuật. Khi thu hoạch chia 50/50 trên tổng thu nhập. Lúc đầu, khi tham gia mô hình, nhiều hộ dân trên địa bàn nghi ngại vì đầu tư lớn, kỹ thuật khó, chia đôi thu nhập. Nhưng thực tế, điều kiện xã Mỵ Hòa còn nhiều khó khăn, người dân thiếu vốn, kỹ thuật. Sau này, khi thấy cây cam phù hợp với đồng đất, người dân bắt đầu liên kết đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có 127 ha cây có múi, trong đó có trên 30 ha cam đã cho thu hoạch, chủ yếu tập trung ở các xóm Đông Hà, Lý Đông, Mỵ. Năm nay là năm đầu tiên các hộ cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt từ 15- 20 tấn/ha. Giá bán tại vườn, cam Canh từ 16.000- 22.000 đồng/kg. Nếu so về hiệu quả kinh tế, trước kia, hầu hết các hộ dân trồng mía trắng, thu nhập bình quân 80 triệu đồng/ha. Hiện nay, thu nhập bình quân từ cam 250 triệu đồng/ha, gấp 3 lần trồng mía. Về đầu ra cho sản phẩm do nhà đầu tư giới thiệu hoặc thương lái các nơi như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng về tận vườn thu mua. Chất lượng cam được các thương lái đánh giá cao.

 

Theo đồng chí Bùi Xuân Hoàn, trong thời gian tới, để các giống cây có múi nói chung và cây cam nói riêng tiếp tục cho những mùa quả ngọt, xã chỉ đạo người dân trồng cam theo quy hoạch. Hầu hết các xóm đầu tư trồng cam là vùng trước kia trồng cam của Nông trường Thanh Hà. Qua khảo sát, các nhà vườn đầu tư khẳng định là phù hợp để trồng cam. Bên cạnh đó, các hộ trồng cam đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, an toàn, cải tiến mẫu mã cho đẹp hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần xa.

 

 

                                                                                Hương Lan

 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục