(HBĐT) - Ngày 20/1/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đem lại những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, lộ trình để 36 thôn, bản về đích còn lắm gian truân.

 

Ý Đảng hợp lòng dân

Việc triển khai Đề án được thực hiện tại 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 28 xã, thuộc 8 huyện gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn và TP Hòa Bình. ở các xóm này, đời sống kinh tế của bà con hết sức khó khăn, thu nhập bình quân ở mức 4,5 triệu đồng/người/năm. So với bình quân của tỉnh, mức sống này chỉ đạt từ 25 – 30%, cá biệt, có những xóm thu nhập bình quân dưới mức 3 triệu đồng, như: xóm Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc); xóm Chếch, xã Đông Lai (Tân Lạc). Tỷ lệ hộ nghèo bình quân 60,9%, không ít xóm trên 90%, riêng xóm Thung Vòng, xã Do Nhâ huyện Tân Lạc 100% hộ nghèo.

  Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu sẽ gỡ “nút thắt” giúp các xóm đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, từng bước xoá đói, giảm nghèo. ảnh: Đường về xóm Pheo, xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn còn trắc trở.

Thêm nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các xóm này đều thiếu và yếu. Giao thông trở thành rào cản lớn đối với hành trình thoát nghèo của bà con. Những con đường gập ghềnh sỏi đá, dốc đứng quanh co ở Đồi Thung, xã Quý Hòa hay xóm Pheo, xã Văn Nghĩa của huyện Lạc Sơn trở thành nỗi ám ảnh của những người đầu tiên đặt chân đến xóm nghèo này bất kể trời nắng hay mưa. Đường vào xóm Kế, xã Mường Chiềng; xóm Hà, xã Đồng Chum (Đà Bắc) hay những xóm Hiềng, xã Noong Luông (Mai Châu); Thung Vòng, xã Do Nhân (Tân Lạc) cũng trắc trở tương tự. “Nếu có đường thuận lợi thì măng bán được giá, ngô không phải để nảy mầm dưới gầm sàn, con lợn không phải khiêng đi bán vất vả thế này nữa…”, đó là những nỗi niềm chung mà chúng tôi ghi nhận được trong những lần về các xóm nghèo. Trường học, điện, cơ sở vật chất văn hóa cũng còn khá thiếu thốn ở những bản xa này.

Từ những khó khăn đó đã khiến các bản nghèo “chậm tiến” hơn so với mặt bằng chung. Đời sống kinh tế của bà con chủ yếu là làm nông nghiệp nhưng hình thức canh tác vẫn mang đậm yếu tố truyền thống, quy mô manh mún, nhỏ lẻ và phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất thấp, khó trở thành hàng hóa. “Từ khi triển khai Đề án, bà con chúng tôi được hỗ trợ về con giống và kỹ thuật, nhờ đó đã tìm ra hướng đi để từng bước XĐ-GN”, ông Đinh Văn Nhàn, Bí thư chi bộ xóm Thung, xã Trung Hòa (Tân Lạc) đã khoe với chúng tôi như vậy khi nói về sự phát triển chăn nuôi của xóm.

Gần 134 tỷ đồng cho xóm nghèo “lột xác”

Tổng mức đầu tư cho Đề án đầu tư, hỗ trợ  36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh trong giai đoạn 2014 – 2018 là 133,798 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư 112,3 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 21,678 tỷ đồng. Đề án triển khai nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các thôn, bản khó khăn. Phấn đấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo từ 5 - 6% /năm; các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển.

Lĩnh vực Đề án đầu tư khá toàn diện, tập trung vào những vấn đề được coi là “nút thắt” nhằm tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển bền vững. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2018, các thôn, bản cơ bản có đường giao thông, 100% được cứng hóa vào năm 2020. Các công trình hạ tầng như thủy lợi, điện, trường học được xây dựng đáp ứng nhu cầu của bà con. Trên 30% diện tích được gieo trồng bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2018, 70% hộ dân đạt mức thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng. Công tác đào tạo nghề được chú trọng, với mục tiêu đào tạo khoảng 1.080 lao động có tay nghề. Phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của cộng đồng, vùng miền.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đề án đã rà soát và đưa ra những con số cụ thể. Theo đó, trong thời gian thực hiện đề án, sẽ có 40,6 km đường giao thông được đầu tư mở mới và nâng cấp, cải tạo (tương đương 21 tuyến đường); 44,9 km kênh mương được cứng hóa, 10 bai dâng được xây dựng. Đầu tư xây dựng 4 công trình điện cho 4 thôn, xóm; xây mới và nâng cấp cho 33 phòng học cho bậc tiểu học và mầm non. Hỗ trợ xây dựng 12 nhà sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép xây dựng 7 công trình nước sạch và xóa bỏ 341 nhà tạm, dột nát với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ. Hàng năm, đề án sẽ hỗ trợ sản xuất cho mỗi thôn, bản 75 triệu đồng. Cùng với đó là hỗ trợ 50 triệu đồng/thôn, bản/năm cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. 

Với lộ trình 5 năm (2014 – 2018), có thể nói, Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh là một chương trình lớn, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong công cuộc XĐ-GN, nhằm thu hẹp khoảng cách về sự phân hóa giàu - nghèo giữa các khu vực, tạo sự phát triển đồng bộ, bền vững. Sau 3 năm triển khai, đến nay, những tín hiệu lạc quan đã nhen nhóm ở một số xóm nghèo. Tuy nhiên, để “về đích” theo đúng lộ trình, nửa chặng đường còn lại vẫn còn đó những thử thách. 

                                                                      Viết Đào

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục