(HBĐT) - Hòa Bình là một trong những địa phương có loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) hình thành và phát triển sớm, mang lại hiệu quả tích cực, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hoạt động DLCĐ đã phát sinh những yếu tố giảm sức hút đối với du khách, lâu dài nguy cơ bản sắc văn hóa dần mai một. Để DLCĐ trên địa bàn phát triển bền vững cần nâng cao vai trò, năng lực quản lý của chính quyền và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở giữ gìn bản sắc, không gian văn hóa của các dân tộc có DLCĐ.


DLCĐ có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch

Xu hướng DLCĐ đang được nhiều địa phương chú trọng đầu tư, khai thác nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân. Thông qua hoạt động DLCĐ, du khách được trải nghiệm sinh hoạt cùng người dân được tận hưởng, khám phá phong cảnh thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất, trang phục văn hóa của bà con dân tộc. Hòa Bình có hoạt động DLCĐ sớm. Bắt đầu hình thành từ bản Lác, lan tỏa ra nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mai Châu và một số nơi trong tỉnh. 


Du khách ngoại quốc thích thú lựa chọn các sản phẩm lưu niệm tại bản Lác, Mai Châu.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh cho biết: Thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, các huyện, thành phố xây dựng đề án phát triển du lịch địa phương chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, trong đó xác định khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa còn giữ được bản sắc văn hóa phát triển loại hình du lịch này để phát triển kinh tế. Toàn tỉnh có khoảng 100 hộ làm DLC Đ theo hình thức homestay. Nhiều điểm DLCĐ đã có tên trên "bản đồ du lịch”, được các đơn vị lữ hành trong nước cũng như quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Năm 2016, điểm DLCĐ xóm Lác vinh dự đạt tiêu chuẩn có phòng cho khách du lịch ASEAN, tiêu chuẩn được các nước thành viên trong khối xây dựng và công bố. Năm 2017, diễn đàn du lịch ASEAN trao giải thưởng du lịch vào cộng đồng cho bản Pom Cọong, thị trấn Mai Châu. Homestay Mai Hịch cũng đạt giải thưởng homestay ASEAN. Xóm ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) có rừng, suối, có cánh đồng trù phù, cảnh quan tươi đẹp, thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc của Mường đang đem lại cảm nhận tốt đẹp cho du khách. Huyện vùng cao Đà Bắc đã bắt đầu đón khách trong và ngoài nước đến thăm quan điểm DLCĐ ở các xóm Đá Bia, xã Tiền Phong; xóm Ké, xã Vầy Nưa. Bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc còn lưu giữ những giá trị văn hóa nguyên bản của người Mường giữa không gian núi rừng, lòng hồ mới được công nhận làm xóm DLCĐ đã xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng đáp ứng trải nghiệm, khám phá, nghỉ dưỡng của du khách. Các hộ gia đình làm homestay ở Ngọc Sơn - Ngổ Luông cũng đã có khách quốc tế và trong nước ghé thăm… Hoạt động DLCĐ vừa bảo tồn những giá trị, không gian văn hóa và đóng góp tích cực tạo việc làm, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc nhiều nơi trên địa bàn.

Phát sinh yếu tố giảm sức hút đối với du khách

Ngoài những kết quả tích cực của DLCĐ đem lại, cả cơ quan QLNN và các công ty lữ hành đều thống nhất cho rằng: Hoạt động DLCĐ ở một số nơi hoạt động vẫn còn mang tính tự phát. Người dân ít hoặc chưa được đào tạo nhiều kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Vẫn còn hiện tượng cạnh tranh, chèo kéo khách đến du lịch. Công tác quản lý hoạt động DLCĐ chưa được quan tâm nhiều, nhất là việc quản lý giữ gìn nhà ở, không gian cảnh quan kiến trúc, vấn đề vệ sinh môi trường. Việc người dân tự ý xây dựng các công trình nhà ở phục vụ du khách đã làm phá vỡ vẻ đẹp hoang sơ và tính độc đáo riêng có của các địa điểm du lịch, ảnh hưởng đến tính bền vững phát triển du lịch cộng đồng…


Sở VH-TT&DL mở lớp đào tạo kỹ năng làm du lịch tại điểm DLCĐ xóm Ngòi, xã Ngòi Hòa, huyện Tân Lạc

Tại các điểm DLCĐ bản Văn, Lác, Pom Coọng đã xuất hiện công trình nhà nghỉ, quán ba, karaoke do người dân xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu du khách nhưng lại khá xa lạ với cảnh quan xung quanh, vô hình đã phá vỡ không gian cảnh quan tươi đẹp bản làng truyền thống của người Thái cũng như giảm sự hấp dẫn đối với du khách.

Ngày xưa, bản làng người Thái rất thơ mộng, nằm yên ả giữa không gian núi rừng. Những cánh đồng lúa quanh năm tươi tốt. Đặc biệt, các bản làng có điểm nhấn là những mái nhà sàn của đồng bào bình dị, phía trước là khoảng sân khoáng đạt, có ao, suối chảy róc rách ngày đêm, có hoa, rau cỏ, cây trái mang lại cảm giác rất đỗi bình yên chẳng đâu có được. Bây giờ có nhiều bê tông tạo cảm giác không gian chật chội, ngột ngạt, giảm hứng thú khi thăm quan, trải nghiệm.

Bản Mường - Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) từng là bản DLCĐ khá nổi tiếng. Thế nhưng, hoạt động DLCĐ của người dân là tự phát, chất lượng sản phẩm du lịch nghèo nàn, vấn đề vệ sinh môi trường còn nan giải. Theo đó, không gian trải nghiệm đời sống, văn hóa của du khách bị hạn chế rất nhiều. Lượng khách đến với bản Giang Mỗ sụt giảm đáng kể, nhiều khi chỉ đến vì tò mò, kèm theo đó hiệu quả cải thiện đời sống người dân địa phương không được cải thiện nhiều.

Nhiều nhà chuyên môn quan ngại, nếu không có cơ chế quản lý các điểm DLCĐ, nhất là vấn đề xây dựng, môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc sẽ phá vỡ cảnh quan và làm mai mội những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào địa phương.

Phát huy giá trị văn hóa độc đáo, nâng cao chất lượng dịch vụ

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh cho rằng: Thực tế cho tlafp, để phát triển DLCĐ cần quan tâm những vấn đề chủ yếu là phát triển phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc. Đây sẽ là thế mạnh để khai thác, phát huy giá trị đặc trưng, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế. Phải gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan, di tích lịch sử và môi trường khu vực và phải gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, xóa đói - giảm nghèo. Phải gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, chú trọng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, thành phần kinh tế và nhất là sự tham gia của người dân. Phát triển DLCĐ cần gắn đầu tư nghiên cứu, sưu tầm; lưu giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa các dân tộc. Đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch cả về chiều rộng và chiều sâu. Chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là người dân làm du lịch cộng đồng. Phát triển các loại hình lưu trú homestays hoặc camping bên cạnh xây dựng các khách sạn mang phong cách kiến trúc dân tộc. Xây dựng các công trình vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bổ sung các trang thiết bị phục vụ lưu trú tại các điểm phát triển DLCĐ.

Thực tế của tỉnh, để DLCĐ phát triển theo hướng bền vững cần kết hợp hài hòa giữa bảo đảm lợi ích kinh tế của người dân với bảo tồn, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trong quá trình thực hiện cần dung hòa được quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, quy hoạch xây dựng NTM, cần tăng cường quản lý, nhất là quản lý quy hoạch xây dựng, tuyên truyền, định hướng cho người dân tuân thủ các quy định xây dựng, không làm phá vỡ không gian, cảnh quan môi trường, không gian văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sức hút cho du khách. Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 34/QĐ-UBND về quy chế quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở đã phối hợp với các địa phương có hoạt động DLCĐ tổ chức tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện quy chế, quy hoạch xây dựng, quy chế hoạt động tại các điểm du lịch cộng đồng, triển khai đào tạo kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho các hộ dân, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn không gian, bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Một tín hiệu đáng mừng đang tạo " cú huých” phát triển DLCĐ tại một số địa phương khi thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm DLCĐ. Nhà nước sẽ tạo cơ chế, chính sách. Doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, tổ chức đào tạo, tập huấn người dân làm DLCĐ, xây dựng các sản phẩm DLCĐ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của du khách, cùng chia sẻ lợi ích với người dân.

Ý kiến

Khởi sắc trong hoạt động du lịch cộng đồng

Huyện Đà Bắc đã xây dựng Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2030, đặt trong bối cảnh hồ Hòa Bình được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. Trong đó, xác định khai thác tiềm năng thiên nhiên tươi đẹp với núi non kỳ vĩ, rừng già nguyên sinh, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc để phát triển các loại hình DLCĐ là nội dung quan trọng và đã có những khởi sắc đáng mừng. Toàn huyện đã có 40 hộ tham gia DLCĐ, trong đó có 10 hộ homestay ở xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đá Bia, xã Tiền Phong; xóm Sưng, xã Cao Sơn đang trở thành các điểm DLCĐ đem lại, khám phá trải nghiệm cho du khách. Thông qua đó cũng góp phần nâng cao đời sống người dân.

Huyện đã thành lập Công ty CP DLCĐ Đà Bắc nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm với các đối tác hoạt động du lịch; tăng cường quảng bá, kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, mang lại cho du khách những dịch vụ thú vị, đậm đà bản sắc và thân thiện với môi trường bền vững.

 

                                                                          Nguyễn Văn Hiến

                                                               Trưởng phòng VH -TT huyện Đà Bắc

Làm DLCĐ góp phần phát triển kinh tế địa phương

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Với 90% dân số nơi đây là người dân tộc Mường vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa độc đáo. Từ năm 2008, khi bắt đầu làm DLCĐ, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Câu lạc bộ DLCĐ Khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông, đến nay, hoạt động cơ bản đã đi vào nề nếp. Gia đình tôi có nhà nghỉ Suối Mu 2- 1 trong 5 homestay của xóm. Du khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài như: Pháp, úc, Đức…

Với mong muốn khám phá cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc nên các gia đình quan tâm đến việc lưu giữ các đồ dùng trong đời sống, sinh hoạt xưa để lại. Trong quá trình đón khách, những bộ trang phục dân tộc Mường và các món ẩm thực đặc sản của người dân bản địa đã được du khách rất thích. Từ khi làm du lịch, kinh tế gia đình tôi dần ổn định. Bình quân hàng tháng, gia đình tôi đón từ 9- 10 đoàn khách với thu nhập từ 10- 15 triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi, các hộ dân khác trên địa bàn cũng làm dịch vụ, bán sản vật địa phương cho du khách cũng có thu nhập, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

 

                                                                                 Quách Thị Thức

                                                                    Xóm Khướng, xã Tự Do (Lạc Sơn)

Mong được hỗ trợ đầu tư hạ tầng và đào tạo kỹ năng làm du lịch

Bản Lác được phép hoạt động DLCĐ từ năm 1993 với 2 hộ làm du lịch. Đến năm 2016 đã có 58 hộ làm du lịch cộng đồng. Điểm DLCĐ bản Lác thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm khám phá đời sống sinh hoạt, sản xuất và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Thái. Là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch của bản, tôi thấy rõ hiệu quả của mang lại. Cùng với duy trì sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, du lịch, dịch vụ đã tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nơi đây. So với làm nông nghiệp, làm du lịch cho thu nhập gấp từ 4- 5 lần. Hàng năm, số lượng khách đến bản đều tăng. Nhưng vấn đề bất cập hiện nay là môi trường, mặc dù đã được các dự án đầu tư nhưng bản chưa có khu xử lý rác thải an toàn, đường ống xử lý nước thải sinh hoạt đang bị hư hỏng. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư hỗ trợ về hạ tầng cũng như được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng làm DLCĐ.

 

                                                                             Hà Công Tím

                                                                 Bản Lác, xã Chiềng Châu, Mai Châu


Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục