(HBĐT) - "Huyện Cao Phong cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Mọi cam kết của huyện sẽ được cụ thể hóa bằng hành động thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, huyện đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện nền hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết thủ tục đầu tư được rút ngắn ít nhất 30% so với quy định hiện hành.


Quan điểm của huyện là không đánh đổi lợi ích kinh tế bằng các dự án khai thác vật liệu xây dựng và khoáng sản mà chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch và nông nghiệp”. Đó là khẳng định của đồng chí Võ Ngọc Kiên, Bí thư Huyện ủy Cao Phong khi nói về quan điểm thu hút đầu tư trên địa bàn huyện.

Những năm gần đây, kinh tế huyện Cao Phong luôn duy trì đà tăng trưởng ổn định với mức bình quân tăng trên 11%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 4%/năm. Đến hết năm 2016, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, các chỉ tiêu năm 2016 đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Tăng trưởng kinh tế ở mức gần 12%, thu NSNN trên địa bàn đạt gần 30 tỷ đồng, thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt gần 33 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4% so với năm 2015 (ở mức gần 22%). Đóng góp vào sự thay đổi tích cực đó không thể không nhắc tới hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Tính đến nay, toàn huyện có 55 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 784 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước mỗi năm gần 8 tỷ đồng. Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương.

Đi đầu trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông sản sau thu hoạch, doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả ở khu 9, thị trấn Cao Phong với diện tích 2,7 ha, tổng mức đầu tư xây dựng trên 130 tỷ đồng. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018 với công suất tiêu thụ từ 35.000 - 40.000 tấn quả/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng quầy trưng bày sản phẩm cam Cao Phong tại khu 1, thị trấn Cao Phong và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong mùa thu hoạch cam năm nay. Qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm cam, chanh của địa phương với giá cả ổn định và cạnh tranh. Nông sản sau khi được lựa chọn, thu mua sẽ lưu trữ trong phòng lạnh sử dụng phương pháp dao động điện trường trong môi trường plasma supper ion công nghiệp theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Sản phẩm được bảo quản tốt nhất từ 2 - 3 tháng, giữ được 97% chất lượng quả ban đầu. Đặc biệt, với phương pháp này, doanh nghiệp sẽ hoàn toàn chủ động được nguồn sản phẩm cung cấp ra thị trường, ít bị phụ thuộc vào mùa vụ. Được biết, hiện, doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà đã hợp tác với HTX nông nghiệp Hà Phong trồng hơn 300 ha cam tại địa phương. Dự án xây dựng nhà máy chế biến hoa quả cũng là 1 trong 3 dự án được triển khai đầu tư, xây dựng trên địa bàn huyện Cao Phong trong năm 2016.

Trao đổi với đồng chí Bùi Hoài Nhi, Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch huyện, chúng tôi được biết: Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có một số dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả như: nhà máy thủy điện suối Tráng (xã Bắc Phong), nhà máy đồng An Phú (xã Yên Thượng), Công ty TNHH trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam (xã Bắc Phong), đền Thượng Bồng Lai (thị trấn Cao Phong)… Năm 2016, tổng mức đầu tư trên địa bàn huyện đạt 628,14 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách huyện chiếm chủ yếu (127,1 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đạt trên 350 tỷ đồng được thực hiện vào cơ sở hạ tầng và sản xuất, kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: CN-TTCN, nông - lâm nghiệp, thủy sản, du lịch - dịch vụ… Cũng trong năm 2016, tổng số tiền các doanh nghiệp và HTX đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 7,9 tỷ đồng, trong đó, nổi bật là Công ty TNHH trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, song đến nay, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (thuộc Công ty TNHH trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam) tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong thu hút gần 37.300 lượt du khách đến thăm quan, thưởng ngoạn bên cạnh chức năng nghiên cứu, bảo tồn, lưu trữ hơn 300.000 tư liệu của trên 1.000 nhà khoa học Việt Nam. Đồng chí Đào Đình Thông, Giám đốc Công ty cho biết: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam được xây dựng trong khuôn viên rộng trên 30 ha. Công trình gồm 4 khu vực chính: Khu trung tâm, khu hội nghị, hội thảo; khu ẩm thực, vui chơi, giải trí và khu sản xuất. Trong đó, khu trung tâm là linh hồn của công viên, rộng khoảng 15 ha được bao quanh bởi dòng suối Vàng với các hạng mục độc đáo và ý nghĩa như: Bảo tàng ngầm, hồ bán nguyệt, sân lễ hội, đường vinh danh, đỉnh hiếu học… Ngoài ra, trong công viên còn có các khu vực phòng nghỉ, hội trường, thư viện, bể bơi, khu ẩm thực, xưởng điêu khắc, xưởng chế tác đá, vườn ươm, khu vui chơi giải trí… để phục vụ khách du lịch. Hiện, đây là điểm du lịch hấp dẫn với mỗi du khách khi đến với Cao Phong.

 

                                                                   Minh Tuấn

                                                              (Đài Cao Phong)

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục