(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hà Văn Lợi, xóm Vế, xã Piềng Vế (Mai Châu) lúc vợ chồng anh chị đang chăm sóc 3 lợn nái và 14 lợn con. Đàn lợn là kết quả một thời gian dài cố gắng của anh chị. Bao năm làm lụng vất vả không đủ trang trải cuộc sống, đến năm 2008, anh chị bắt đầu chăn nuôi lợn. Lúc đó, số tiền anh chị dành dụm được chỉ đủ mua 2 lợn con. Vốn ít, chuồng trại tạm bợ, không có kỹ thuật chăm sóc nên lợn hay bị bệnh, chất lượng thịt không cao.


Gia đình anh Hà Văn Lợi, xóm Vế, xã Piềng Vế (Mai Châu) là một trong những hộ đầu tiên được vay vốn, đến nay đã phát triển đàn lên 3 lợn nái, 14 lợn con, có thu nhập ổn định.

Đang gặp khó khăn thì năm 2014, Hội Nông dân xã phối hợp với tổ chức GNI Hàn Quốc tại Việt Nam triển khai chương trình vay vốn thông qua tổ hợp tác chăn nuôi. Đã có hàng chục hộ nộp đơn xin tham gia và đề nghị được hỗ trợ vay vốn. Sau khi thẩm định, hộ anh Hà Văn Lợi may mắn được cho vay đợt đầu tiên với số tiền 8 triệu đồng. Anh Lợi chia sẻ: Số tiền không lớn nhưng rất có ý nghĩa vì mình có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đầu tư chuồng trại bài bản… Nhờ đó, công việc chăn nuôi thuận lợi, chất lượng đàn lợn cũng được đảm bảo. Điều thuận lợi nhất khi vay vốn là không tính lãi, số phí trả hàng tháng không cao. Sau 1 năm, thông qua tổ chức GNI, số tiền vay được quay vòng đến các hộ khác có nhu cầu về vốn.
 
Không riêng gia đình anh Lợi, nhiều hộ khác trong tổ hợp tác chăn nuôi xã Piềng Vế cũng sử dụng nguồn vốn vay này hiệu quả. Có hộ đầu tư chuồng trại, có hộ mua thêm con giống, có hộ đầu tư máy nghiền thức ăn chăn nuôi… Chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ văn phòng UBND xã, người nhận ủy thác quản lý nguồn quỹ cho biết: Từ 13 hộ thành viên ban đầu, đến nay, tổ đã phát triển lên 26 hội viên, chia thành 2 nhóm ở 2 xóm Vế và Pạnh, hoạt động hết sức hiệu quả. 100% hộ vay vốn đều đã ổn định sản xuất, có "của ăn, của để” và không có trường hợp nào nợ quá hạn.
 
Cũng theo chị Huệ, đối tượng được tiếp cận nguồn hỗ trợ chủ yếu là hộ khó khăn về vốn nhưng không thuộc diện hộ nghèo. Đa phần các thành viên của tổ đã có mô hình kinh tế trước nên nguồn vốn này chỉ nhằm khuyến khích, động viên họ đầu tư phát triển thêm. Qua nhiều năm sử dụng, nguồn vốn được bảo tồn tốt và chưa gặp trục trặc gì trong quá trình triển khai. Định kỳ hàng quý, các nhóm đều kiểm tra, xem xét việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích, có đạt hiệu quả hay không. "Đến nay, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện sử dụng và quản lý nguồn vốn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên” - chị Huệ khẳng định.
 
Bên cạnh việc khuyến khích chăn nuôi, nhân rộng đàn, các thành viên của tổ còn được trao đổi kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn cách phòng trị bệnh cho vật nuôi… Hàng tháng, tổ hợp tác họp một lần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm chăn nuôi. Hiện nay, từ nguồn vốn vay ban đầu, nhiều hộ đã mở rộng quy mô, xây dựng bể biogas. Số lượng, chất lượng đàn vật nuôi tăng cao cùng với đó là thu nhập cũng ngày một nâng lên của các hộ thành viên tổ hợp tác. Từ mỗi hộ nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 con/năm, hiện nay, bình quân, mỗi hộ nuôi từ 10 - 20 con/lứa và 3 lứa/năm, lợi nhuận đạt gần chục triệu đồng/lứa.
 
Đồng chí Đinh Công Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Piềng Vế khẳng định: Đặt trong bối cảnh xã còn 31,16% hộ nghèo, sản xuất manh mún, chưa thể tìm ra hướng đi đột phá mới càng thấy đây là mô hình khá hiệu quả cần được nhân rộng. Việc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn hơn, bước đầu mang tính hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

 


                                                   Hải Yến

 

 


Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục