(HBĐT) - Giá lợn hơi trên thị trường hiện đã xác lập kỷ lục mới với mức tăng trên, dưới 80.000 đồng/kg. Cụ thể, giá mua trong dân khoảng 80.000 đồng/kg, giá bán ra tại các trang trại khoảng 82.000 đồng/kg. Thế nhưng, nhiều người chăn nuôi trong tỉnh vẫn chưa có ý định tái đàn. Hầu hết các hộ còn lo ngại và khá thận trọng trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Hộ chăn nuôi xã Liên Vũ (Lạc Sơn) tái đàn tuân thủ quy trình nhập con giống và tiêm phòng bệnh dịch để phòng dịch tả lợn châu Phi. 

Hàng trăm triệu đồng vốn đầu tư con giống bị mất sạch do DTLCP là tình cảnh của chị Trịnh Thị Thanh Tuyền, chủ trang trại HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Tuấn Tuyền, xóm Khả, xã Mai Hạ (Mai Châu). Đợt dịch xảy ra vào khoảng tháng 6/2019, đàn lợn giống 200 con vừa nhập trại buộc phải tiêu hủy toàn bộ là bài học xót xa cho không chỉ chị Tuyền mà nhiều hộ chăn nuôi khác trong khâu nhập con giống từ vùng có DTLCP. Về việc đến nay có ý định tái đàn hay không, chị Tuyền bộc bạch: Mặc dù nếu bây giờ có lợn để bán thì người chăn nuôi lãi lớn, nhưng tôi thực không dám liều vì tái đàn có thể rủi ro lần nữa. Tôi chờ thêm một thời gian, tiếp tục nghe ngóng trước khi tính đến tái đàn lợn.

Không phải cơ sở chăn nuôi nào, nhất là chăn nuôi trong nông hộ đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống hiệu quả DTLCP và dịch bệnh khác. Đây cũng là thực tế khó khiến nhiều hộ chăn nuôi càng thận trọng hơn trong khâu tái đàn. Bà Bùi Thị Dung, hộ chăn nuôi xóm Cháy, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) cho biết: Giá thịt lợn giờ rất cao, nhưng để đầu tư tái đàn trong lúc này cũng cần thật sự cân nhắc. Trước hết là con giống hiện đang đắt đỏ, thức ăn, nguyên liệu đầu vào cũng lên. Giả dụ đang nuôi mà xảy ra DTLCP thì thiệt hại khó mà chống đỡ được. Qua thông tin chúng tôi biết được, DTLCP vẫn còn lây lan, tái phát nhiều. Vậy nên, gia đình tôi vẫn để trống chuồng, giải pháp là tạm thời dừng nuôi lợn cho đến khi DTLCP yên ắng.

Chưa có vắc xin phòng DTLCP, nếu không may DTLCP xảy ra thì thiệt hại lớn đối với hộ chăn nuôi, chính sách Nhà nước hỗ trợ hiện nay không kịp thời... Đó là những nguyên nhân khiến tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh theo chiều hướng "dậm chân tại chỗ". Tính đến ngày 18/11, DTLCP đã xuất hiện tại 134 xã, phường, thị trấn; có 76 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố đã công bố hết dịch, 58 xã, phường, thị trấn đang còn dịch. Tổng số lợn tiêu hủy 13.646 con, trọng lượng gần 777,4 tấn, có 1 huyện (Kim Bôi) được đưa ra khỏi danh sách bị DTLCP từ ngày 16/8/2019. Đáng chú ý, có 30 xã đã tái phát DTLCP lần 2, lần 3.

Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y nhận định: Ngoại trừ các trang trại lớn thực hiện chăn nuôi lợn với quy trình nghiêm ngặt thì tình hình chăn nuôi ở các trang trại, gia trại và chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân rất dè dặt, chưa dám tái đầu tư. Một số ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng vài ba con đang duy trì chăn nuôi trong thời điểm tăng giá nhưng theo hướng cầm chừng, quy mô không mở rộng.

Dự báo tình hình thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, giá thịt lợn hơi có thể tăng lên mức kỷ lục (trên 100.000 đồng/kg). Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y, đây là diễn biến thị trường chung của cả nước. Về nguồn cung thịt lợn vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh vì thiệt hại về tổng đàn lợn sau DTLCP không nhiều. Tuy nhiên, nguyên nhân giá lợn tăng cao như hiện nay do các tỉnh ngoài bị thiếu hụt nguồn cung. Các tỉnh này buộc phải  thu mua ở các địa phương ít thiệt hại hơn và tạo hiệu ứng nâng, đẩy giá. Giá lợn bản địa nuôi trong dân sau diễn biến DTLCP cũng đang tăng giá lên gấp đôi so với thời điểm trước (160.000 đồng/kg lợn hơi). Ngành NN&PTNT tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn và phải thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là trong khâu mua con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mua trôi nổi trên thị trường. Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng DTLCP và các dịch bệnh khác trên đàn lợn.


Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục