Ông Nguyễn Văn Cảnh trao đổi với hội viên nông dân  về vụ chiêm - xuân năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Cảnh trao đổi với hội viên nông dân về vụ chiêm - xuân năm 2015.

(HBĐT) - Đi lên từ đội trưởng đội sản xuất và bắt đầu công tác tại Hội Nông dân (HND) xã từ đầu những năm 90, ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch HND xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) thấu hiểu những khó nhọc của người nông dân một nắng hai sương. Với mong muốn ngày càng nhiều hội viên nông dân yên tâm phát triển sản xuất, ông đã mạnh dạn đem thế chấp sổ đỏ của gia đình mình tại ngân hàng để lấy tiền mua phân bón ứng trước cho nông dân.

 

Từ quyết định táo bạo...

 

Ông Cảnh cho biết: Trước đây và hiện nay người dân xã Hợp Thịnh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận hộ dân mua phân bón ở đại lý, còn lại các hội viên HND vay phân bón thông qua HND huyện. HND huyện trực tiếp làm việc với Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, ký hợp đồng mua phân bón về cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi vốn chậm nên sau này Công ty yêu cầu phải vay phân bằng hình thức thế chấp bìa đất, vay ngân hàng trả tiền mặt. Tại xã Hợp Thịnh, HND xã cần phải thế chấp 3 bìa đất mới vay được 50 tấn phân bón. Tôi nhận thấy, việc mượn bìa đất của các hộ nông dân không thực sự khả thi, xảy ra mâu thuẫn, không “thuận vợ, thuận chồng”, nên khi thu hồi tiền sẽ gây mất đoàn kết. Từ đó, tôi quyết định về bàn bạc với gia đình lấy bìa đất của nhà mình đưa ra thế chấp. Từ vụ chiêm năm 2011 tôi bắt đầu lấy phân bón về, cho đến nay bìa đất liên tục được thế chấp tại ngân hàng. Qua 7 vụ canh tác, tùy theo yêu cầu đăng ký của bà con, vụ ít tôi lấy về 15 tấn, vụ nhiều hơn 50 tấn, tới nay tổng số tiền phân bón đã hơn 1,1 tỷ đồng.

 

Trong 5 năm mang bìa đất “gửi” ngân hàng để vay tiền mua phân bón cho các hội viên nông dân, ông Cảnh cũng gặp không ít khó khăn. Cười hiền hậu, ông chia sẻ: Mới đầu, khi đưa ra ý định này, vợ con tôi cũng lo lắng và phản đối vì sợ sau này không thu hồi đủ tiền trả ngân hàng sẽ bị giữ sổ đỏ, niêm phong nhà. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi phân tích, thuyết phục, cả gia đình đều đồng tình nhất trí. Tổng diện tích đất gia đình tôi đem thế chấp tại NH NN&PTNT huyện Kỳ Sơn là 1.230 m2, khi lấy tiền từ ngân hàng chuyển thẳng về Công ty và nhận phân NPK về cho nông dân vào đầu mỗi vụ sản xuất. Mỗi khi sắp tới vụ, HND xã tiến hành họp các chi hội, thông báo đơn giá phân bón (bao gồm giá phân bón tại Công ty và lãi suất ngân hàng), phân công các chi hội trưởng thông báo cho hội viên để đăng ký số lượng. Mỗi vụ tùy vào nhu cầu canh tác, các hội viên được đăng ký số lượng phù hợp, lấy phân bón tại các điểm nhà văn hóa và hồi tiền mua phân bón cho HND vào tháng 6 và tháng 12 sau khi kết thúc 2 vụ canh tác. Đa số các hộ vay khoảng 1 tạ, một số hộ vay khoảng 1 tấn để làm nương. 5 năm qua, cũng có những thời điểm khó khăn, một số hộ dân trả tiền muộn, gia đình tôi lại phải “chạy” trước 20 - 30 triệu đồng hồi tiền cho ngân hàng để có thể tiến hành vay mới. Tuy nhiên, điều tôi phấn khởi nhất là các hội viên rất yên tâm về chất lượng và giá cả phân bón, tích cực mở rộng diện tích trồng trọt, đưa phong trào phát triển sản xuất đi lên.

 

... Đến niềm vui được mùa của nông dân

 

Sau gần 5 năm đem những “mùa vàng bội thu” cho nông dân, ông Cảnh đã góp phần tích cực đưa phong trào HND xã Hợp Thịnh phát triển. Từ khi có chương trình vay phân bón, số hội viên HND tham gia vào tổ chức Hội tăng lên đáng kể, trước kia chỉ có gần 300 hội viên, năm 2014 đã phát triển được 682 hội viên. Các hội viên đều tích cực tham gia vào các phong trào hội, có nhiều đóng góp, sáng tạo xây dựng Hội thêm vững mạnh.

 

Chi hội trưởng HND xóm Tân Lập Nguyễn Thị Dung cho biết: Việc ông Cảnh thế chấp bìa đỏ để vay phân bón cho toàn thể hội viên trong xã không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn đầy tính nhân văn, bà con nông dân rất phấn khởi. Từ thực tế canh tác của gia đình cũng như các hội viên nông dân khác, chúng tôi nhận thấy chất lượng phân bón rất tốt, hiệu quả canh tác tăng lên. Năng suất lúa hiện nay hơn 60 tạ /ha; nhiều hộ tích cực sản xuất thêm vụ đông, trung bình khoảng 50 ha /vụ.

 

Chỉ tay ra phía cánh đồng lúa xanh rì đang thì con gái, ông Cảnh trăn trở: Sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ lực kinh tế của xã Hợp Thịnh. 4 năm trở lại đây, phong trào xây dựng NTM đã làm xã thay đổi. Tuy nhiên đối với người nông dân, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất vẫn luôn là một bài toán khó, cần tìm tòi và đưa ra lời giải thích đáng, trong đó HND đóng vai trò không nhỏ. Tôi mong muốn Hội sẽ có quỹ khoảng 200 - 300 triệu để mua thẳng phân là từ Công ty, giá rẻ nhất cung ứng cho bà con nông dân. Khi được hỏi về thời điểm rút sổ đỏ ra khỏi ngân hàng, ông Cảnh khẳng khái: Nếu hội viên vẫn có nhu cầu vay phân bón thì tôi vẫn tiếp tục “gửi” sổ đỏ tại ngân hàng.

 

 

 

            Lê Thùy

             (Sở Thông tin và Truyền thông)

 

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục