Một góc thị trấn Sa Pa (khu nhà thờ đá được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX) là điểm đến của các du khách.

Một góc thị trấn Sa Pa (khu nhà thờ đá được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX) là điểm đến của các du khách.

(HBĐT)-Thị trấn nên thơ Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là một trong những địa danh độc đáo nhất ở nước ta, được đi vào nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa, nhiếp ảnh, văn xuôi, báo chí. Nhận định đó của một du khách Hà Nội khi đến thăm Sa Pa khiến cuộc hành hương của họ thêm phần sôi nổi, hấp dẫn hơn nhất là cuộc “mạn đàm” này được diễn ra trước khu Nhà thờ đá - trung tâm của thị trấn trong cái lành lạnh mát dịu của đêm tháng 7. Anh thốt lên rằng: Năm nào cũng đi Sa Pa 3 - 4 bận. Nhớ Sa Pa ngay cả khi đang ở Sa Pa…

 

Nhớ Sa Pa ngay cả khi đang ở Sa Pa…

 

Nhiều du khách khi chưa đến Sa Pa vẫn từng “hút hồn” bởi truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long) với những con người, cảnh sắc nên thơ nơi vùng đất này hoặc đắm mình trong những bức ảnh đậm chất thủy mạc của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh (người lên Sa Pa từ những năm 30 của thế kỷ XX và cả cuộc đời có đến gần 30 lần lên Sa Pa săn ảnh, săn mây, chụp hoa và những con người sinh sống nơi này). Và khi trong đêm Sa Pa khá sôi động bởi lượng người tăng đột biến trong mùa hè này thì bài hát “Sa Pa thành phố trong sương”(nhạc sĩ Vĩnh Cát) và bài hát “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời” (nhạc sĩ Phùng Chiến) vang lên ở mọi góc đường, con phố thoai thoải về nơi xa càng khiến những người đang ở Sa Pa thấy yêu nơi này hơn…

 

Anh Đinh Quốc (nhà ở thành phố Lào Cai) chia sẻ: Sa Pa đông khách quanh năm. Mỗi mùa, du khách đều tìm thấy ở Sa Pa  những nét kỳ thú để trải nghiệm, thưởng ngoạn. Tư duy: đi nghỉ mát ở Sa Pa vào mùa hè đã cũ. Với Sa Pa cứ gọi là du lịch không mùa. Nhưng các dịp tết dương lịch, âm lịch, nghỉ lễ, khách du lịch tăng đột biến. Mùa hè, khách “miền xuôi” (kể cả người thành phố Lào Cai) ào lên để tránh nóng, nhất là năm 2016, cái nóng nung người khiến ai cũng muốn lên Sa Pa để tìm sự mát lành. Đó là chưa kể lượng du khách “Tây”, những “phượt thủ”… muốn tìm hiểu về chất dân gian từ cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các dân tộc Sa Pa (dân tộc Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xa Phó…) ở các bản Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Tà Phìn…với dịch vụ “Homestay” độc đáo. Không khí dịu mát mỗi sớm, lành lạnh chiều hôm. Con người thân thiện, cảnh sắc nên thơ với những địa danh lay động lòng người (như khu sinh thái văn hóa núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây,  nhà thờ đá, bãi đá cổ, thung lũng Mường Hoa, những áng mây luồn nhẹ dưới chân người, khóm hoa hay chờn vờn, quấn quýt vòm lá cây sa mu nơi lưng chừng dốc), đỉnh ô Quy Hồ hút tầm mắt...đều cần được cảm nhận, khám phá. Những mùa hoa ở Sa Pa (mùa hoa đào nở, hoa tam giác mạch…) khiến cảnh sắc thiên nhiên nơi đây lộng lẫy hơn… Cũng vì thế nên dễ lý giải, từ năm 1909, một khu điều dưỡng đầu tiên được xây dựng ở nơi đây và năm 1918, những khách sạn, biệt thự đầu tiên được hình thành. Sau này, khi tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai được hình thành (1920) kèm theo đó là sự xuất hiện 300 khách sạn, biệt thự và nơi đây từng được mệnh danh là “kinh đô mùa hè” của xứ Bắc Kỳ. Hiện nay, vùng du lịch này cũng có trên 200 khách sạn, nhà nghỉ với hàng nghìn phòng nghỉ…

 

Ở độ cao 1.600 m so với mặt nước biển, Sa Pa có sức quyến rũ mạnh mẽ.  Chính vì lượng khách tăng nhanh nên vài năm gần đây, Sa Pa thường xảy ra tình trạng “cháy”   phòng nghỉ. Ngày cuối tuần, nếu không đặt phòng trước, khả năng tìm phòng nghỉ rất khó. Chưa kể, nhiều dịch vụ kèm theo cho du khách cũng khó đặt, khó tìm nếu không liên lạc, đặt trước. Sức hút và sức hấp dẫn của Sa Pa đã làm cho “bức tranh” du lịch Lào Cai thêm nhiều gam màu tươi mới. 6 tháng đầu năm 2016, Lào Cai đã đón 1,2 triệu khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 2.912 tỷ đồng. Trong đó, khách du lịch đến Lào Cai là đến Sa Pa như điều đương nhiên. Nhiều người cho rằng: đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đưa vào vận hành là một trong những cơ hội lý tưởng để nhiều người sẵn sàng lên đường… Số lượng nhà nghỉ Sa Pa vẫn chưa dừng lại nên trong tháng 7 này, nhiều con đường, góc phố vẫn như công trường dang dở vì nhiều công trình đang xây dựng bởi họ đã nhìn thấy “thiên đường du lịch” này có nhiều dấu hiệu tốt lành. Sa Pa thật tuyệt, duy chỉ có điều cũng khiến khách phân vân: tại các điểm du khách lai vãng, trẻ em người dân tộc thiểu số “làm du lịch” cũng khá đông đảo. Những món đồ thổ cẩm được các em mời chào khách nồng nhiệt chỉ 20.000 đồng/món… Đêm Sa Pa ai đó mở toang cửa sổ để đón làn không khí mát lạnh ùa vào và cũng để ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn. Đêm nay, Sa Pa cũng không ngủ… bởi gió, sương mù đang dâng mênh mang

 

Lên “Nóc nhà Đông Dương” bằng cáp treo

 

 Dù thích chinh phục bằng đường bộ đến mấy (leo trong 2-3 ngày), nhiều du khách đủ lòng dũng cảm nhưng cũng đành phải chọn cách lên đỉnh Phan-si-păng bằng cáp treo. Bởi bên cạnh lòng dũng cảm, cũng cần phải có sức khỏe, kỹ năng, các điều kiện ăn, nghỉ, thời gian và nhất là phải có “thổ công” dẫn đường. Cũng vì thế, khi hệ thống cáp treo do tập đoàn Sun Group đưa vào vận hành (tháng 2/2016) đã tạo cho du khách mỗi lần lên Sa Pa được chạm vào đỉnh Phan-si-păng, vốn được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” (cao 3.143 m). Anh bạn đồng nghiệp ở Lào Cai chỉ nhắn nhủ ngắn thế này: Mang thêm áo ấm, mỏng thôi và nếu có tiền sử tim mạch, huyết áp thì nên cân nhắc. Háo hức là tâm trạng của hầu hết những người lần đầu được “lên đỉnh”. Khu ga Sa Pa xây mới theo kiến trúc châu âu được vây quanh bởi thung lũng  hoa nên càng tạo cho du khách cảm giác bình yên, thư thái và thích thú. Chị Tố Uyên, cán bộ lãnh đạo ngành VH-TT&DL tỉnh chia sẻ rằng: Lượng khách tăng vọt từ đầu năm đến nay cũng một phần từ sự thích thú được trải nghiệm bằng cáp treo, được ngắm nhìn từ trên cao thung lũng Mường Hoa, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn và dãy núi Hoàng Liên Sơn trùng điệp, hùng vĩ…

 

Cáp treo Phan-si-păng được kỷ lục Guiness thế giới công nhận 2 kỷ lục: hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất thế giới (6.292,5 m) và độ chệnh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới (1410 m). 1 ca bin có sức chứa từ 30 - 35 du khách, lượng khách vận hành đạt 2.000 người/giờ. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 8.000 người “lên đỉnh” bằng cáp, ngày cao điểm vọt lên trên 10.000 người. Đợt này, từ 1/7 - 31/8, du khách càng tăng hơn khi tập đoàn có các chính sách về giảm giá từ thứ hai đến thứ sáu (như giảm giá cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc từ 600.000 đồng/vé xuống 400.000 đồng/vé/ người lớn và 400.000 đồng/vé/trẻ em còn 250.000 đồng/vé, trẻ em cao dưới 1 m miễn phí)…

 

Thật khó diễn tả cảm giác lướt bay trong gió, trong mây bằng cáp treo (15 phút/lượt). Thiên nhiên hùng vĩ và gần gũi trải mênh mông trong mắt du khách. Từ những thửa ruộng bậc thang cùng các bản làng nên thơ trong thung lũng đến những cánh rừng già, dòng suối trắng xóa dưới thung sâu… đều tạo nên cảm giác kỳ vĩ, ngây ngất, gây ấn tượng mạnh. Nhưng từ ga cuối lên cho đến đỉnh, quãng trên 600 bậc là một thử thách nhỏ cho du khách vì đến đây được gặp cái rét khá tê tái cùng sức gió mạnh. Cảm giác tức ngực và khó thở sẽ xuất hiện ở nhiều người ở quãng đường đầu tiên nhưng nếu vượt qua và quen dần với không khí loãng, mọi chuyện sẽ trở nên bình thường… Dù mưa (thực ra là sương mù, lạnh), gió, nhiều người vẫn “diện” những chiếc áo dài Việt Nam, áo phông ngắn tay in hình cờ đỏ sao vàng được đứng bên đỉnh nhọn in dòng chữ Phansipăng 3.143 m giang rộng cánh tay vươn lên trời cao và hô lên thật to “Đã chinh phục thành công nóc nhà Đông dương rồi”. Khoảnh khắc hạnh phúc thật lớn cho mỗi du khách được một lần chạm tay lên đỉnh Phan si păng… Đến một lần để cho tiếp những lần sau được đến với đỉnh Hoàng Liên Sơn trong giá rét, mây ngàn, gió lộng để tự hào cho mảnh đất Sa Pa - Lào Cai kỳ bí và hiếu khách đến tận cùng.

 

                                                                                      Bùi Huy

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục