(HBĐT) - Bài 2: Quá trình ra đời, tồn tại và hình thức biểu hiện của Mo Mường Để hiểu sâu hơn về Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường, chúng ta tìm hiểu quá trình ra đời và tồn tại; hình thức biểu hiện, quy trình thực hành; không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể.

=> Bài 1: Mo Mường và chủ thể của những áng Mo 

 

Do điều kiện dân tộc Mường không có chữ viết, toàn bộ nền văn hóa được lưu truyền qua phong tục tập quán và truyền khẩu. Trong đó, toàn bộ di sản văn hóa Mo Mường cũng được truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Qua nghiên cứu tài liệu cho thấy chưa phát hiện tài liệu, tư liệu  nào công bố Mo Mường được ra đời từ thời điểm nào trong lịch sử. Đặc điểm tồn tại của Mo Mường là loại hình diễn xướng trong nghi lễ, do vậy Mo Mường tồn tại và phát triển trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

 

 

Một áng Mo được biểu diễn trong lễ đón bằng bảo trợ của  Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam cho di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. ảnh: P.V

 

Hình thức biểu hiện của Mo Mường, theo Thạc sĩ Bùi Kim Phúc trong cuốn “Nghi lễ Mo trong đời sống tinh thần của người Mường”, Nxb Khoa học xã hội năm 2004, trong tiếng Mường, theo nghĩa động từ, “mo” có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định những bài cúng, những khúc mo nhòm, những cát mo kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng. Về mặt danh từ là để chỉ những người làm nghề mo (ông Mo, anh Mo, bố Mo, bố Thầy, Trượng) và những bài mo, những áng mo. Các thể loại và hình thức thể hiện của Mo Mường gồm: Một là thể loại mo nghi lễ. Loại mo này bao gồm những bài mo gắn với các lễ nghi trong đời sống tín ngưỡng của người Mường. Xét về chức năng thì thể loại mo này có chức năng dẫn dắt thần linh hay linh hồn, vía con người thực hiện một lễ thức nào đó, vì vậy nó mang tính chất nghi thức. Về nội dung thông thường gồm 4phần chính: Thứ nhất là nêu lý do của lễ thức; thứ hai là mời các nhân vật thờ trong lễ nghi đó về tại nơi tổ chức nghi lễ; thứ ba là dâng ăn uống và cầu xin; thứ tư là đưa các nhân vật thờ về chỗ ngự.

 

Loại Mo thứ hai là thể loại mo kể chuyện: Thể loại mo này bao gồm những bài mo có chức năng kể chuyện. Mỗi một trường đoạn trong mo kể gọi là “cát”. Thể loại mo này không cố định về mặt nội dung mà phụ thuộc vào không gian, thời gian, hoàn cảnh hành lễ, sự sáng tạo và tâm lý của ông mo. Tuy nhiên nó bắt buộc phải có ở một số nghi lễ và có thể giản lược hay tạm vắng ở một số nghi lễ. Cụ thể như trong nhóm nghi lễ gọi linh hồn con người (nhóm lễ vía) bắt buộc phải có phần “Đẻ gạo” trước khi dâng ăn uống cho vía. Chuyện “Đẻ gạo” có sự khác nhau ít nhiều giữa các ông Mo, đó đơn thuần là tính dị bản thường thấy trong các loại hình văn hóa dân gian. Thể loại mo kể chuyện xuất hiện nhiều trong mo tang lễ, song qua khảo sát thực tế cho thấy tự trong dân gian đã phải điều chỉnh, lược bớt nhiều nghi lễ và mo kể chuyện để đảm bảo quy định của pháp luật về việc tang lễ hiện nay.

 

Ba là thể loại mo nhòm: Về nội dung và tính chất, mo nhòm là loại mo tả cảnh. “Nhòm” có nghĩa là ngắm nhìn ra phía xa. Nội dung những bài mo nhòm hầu hết là miêu tả về phong cảnh, đất nước, con người. Thể loại mo này được mo xen kẽ trong mo nghi lễ và mo kể, nội dung cũng không cố định. Đây là loại mo rất dễ bị giản lược hoặc có thể bỏ để đảm bảo thời gian và điều kiện cho mo nghi lễ và mo kể chuyện. Mo nhòm được coi như một thứ “gia giảm” cho mo nghi lễ. Cụ thể như trong mo tang lễ, đoạn dẫn hồn người quá cố đi Sông Tị, đoạn đến dốc Lồ thì thường cho hồn nghỉ và ông Mo dẫn hồn bài “Nhòm Mường Bi”. Có lúc cao hứng và có thời gian thì có thể mo 3 cát nhưng nếu không có thời gian có thể chỉ mo 2 cát hoặc 1 cát, cũng có lúc không còn thời gian, không mo “Nhòm Mường Bi” nữa mà chuyển sang dẫn hồn đi tiếp.

 

Người Mường sử dụng Mo để thực hành nghi lễ trong đời sống là rất phổ biến, qua khảo sát cho thấy có tổng số 23 nghi lễ được thực hiện có sử dụng mo. Nhóm nghi lễ cầu phúc lộc gồm các nghi lễ: lễ Tết Nguyên đán, lễ thanh minh tảo mộ, lễ cưới, lễ tế thành hoàng, khuống mùa, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ cầu quàng. Nhóm nghi lễ gọi linh hồn con người gồm các lễ: lễ mụ sinh, lễ vía hộp, lễ vía mạnh, lễ vía khang, lễ vía gầy, lễ mụ thố, lễ mụ thảy. Nhóm nghi lễ trừ tà ma, cầu yên, cầu sức gồm các nghi lễ: cúng ma nhà, cúng ma rừng, cúng ma trài, cúng ma đống, cúng khồng trăm, cúng qua đêm ngoài đồng, cúng khồng tập. Nghi lễ đặc biệt: Tang lễ cổ truyền được kéo dài 12 ngày đêm. Theo đó, các sản phẩm vật chất,ứ tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của Mo Mường thể hiện qua hệ thống phong tục, tập quán; phản ánh tri thức dân gian; múa quạt dâu trong mo tang lễ; trang trí mỹ thuật trong các đồ tế lễ, tang lễ và các vật dụng dâng cúng; trang trí mỹ thuật trong trang phục của ông Mo.

 

(còn nữa)

 

Bài 3: Giá trị của di sản văn hóa Mo Mường và những biện pháp bảo tồn, phát huy

 

 

                                                                          H.L (TH)

 

 

 

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục