(HBĐT) - Sưu tầm hiện vật chiến tranh (cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) diễn ra cách nay trên dưới 7 thập kỷ, công việc không hề dễ. Tuy vậy, bằng tâm huyết và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực hết mình và có được thành công nhất định.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu hiện vật về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

 

Nhân kỷ niệm 65 năm giải phóng tỉnh Hòa Bình, tôi thăm Bảo tàng tỉnh để góp nhặt những chứng tích lịch sử, tìm hiểu về truyền thống anh hùng và những chiến công của cha ông trong kháng chiến chống Pháp nói chung và Chiến dịch Hòa Bình nói riêng. Phòng trưng bày với chuyên đề “Những mốc lịch sử quan trọng của tỉnh Hòa Bình trong 130 năm từ 1886-2016” được sắp xếp, bài trí từ tháng 11/2016 (nhân Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh) vẫn còn nguyên.  Gian trưng bày bố trí, xếp đặt gần 200 tài liệu, hiện vật nhằm giới thiệu về những mốc lịch sử quan trọng của tỉnh Hòa Bình từ khi thành lập cho đến nay. Trong đó dành một phần diện tích khá lớn (phần trung tâm) để giới thiệu hiện vật về “Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình 1945-1954”.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh bộc bạch: Mất thời gian, công sức nhất ở gian trưng bày này là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp. Bởi chiến tranh đã lùi xa gần 70 năm nên chứng tích còn lại không nhiều. Để chuẩn bị cho việc trưng bày hiện vật về kháng chiến chống Pháp nói chung và Chiến dịch Hòa Bình nói riêng, cùng với sưu tầm thêm về hiện vật, cán bộ nghiệp vụ còn phải đến tận cơ sở, gặp nhân chứng để tìm hiểu kỹ hơn về diễn biến của Chiến dịch Hòa Bình. Làm bảo tàng phải nắm thật rõ, thật chắc về lịch sử. Thực tế, tài liệu về Chiến dịch Hòa Bình được ghi rất chung chung. Cùng là thời điểm cuối năm 1951, đầu năm 1952 nhưng có tài liệu ghi chiến dịch chia làm 2 đợt, có nơi lại ghi chia thành 3 đợt. Hay như về địa danh được ghi cụ thể nhưng không chi tiết. Ví như  tài liệu ghi: Trong chiến dịch đợt 1 (từ ngày 10 - 26/12/1951), ta tập trung đột phá tuyến Sông Đà: đánh địch càn quét ở Nam Ba Vì, tiến công diệt cứ điểm Tu Vũ, sau đó ta tiếp tục đánh nhiều trận phục kích cắt đứt tuyến vận chuyển của địch trên sông Đà, uy hiếp đường 6. Đợt 2, ta tiếp tục đánh mạnh hướng sông Đà- Ba Vì, tập kích diệt địch ở các điểm cao 500 và 564; trên hướng đường 6 tiến công các cứ điểm Đồi Mồi, Hàm Voi ... Vậy Tu Vũ là ở đâu, Ba Vì là ở đâu, cứ điểm Đồi Mồi, Hàm Voi  là ở chỗ nào... cán bộ Bảo tàng phải xác định rõ mới có thể thuyết minh trong quá trình trưng bày hiện vật.

 

Thật vậy, khi tôi đến thăm gian trưng bày của bảo tàng, dẫu chỉ có một mình nhưng vẫn được cán bộ bảo tàng giới thiệu tuần tự, chi tiết về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình mà trong đó tiêu biểu phải kể đến Chiến dịch Hòa Bình cuối năm 1951, đầu năm 1952. Trong chiến dịch này nổi lên tấm gương của Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan, dù bị thương, anh đã dũng cảm rượt đuổi, nhảy lên xe tăng ném lựu đạn vào buồng lái tiêu diệt gọn một xe tăng địch, trận đánh kết thúc thắng lợi. Chiến dịch Hòa Bình thắng lợi là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta từ sau Chiến dịch biên giới (1950), phá tan phòng tuyến Đông - Tây, đánh bại âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” và đánh bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch, đồng thời phát triển chiến tranh du kích trên toàn đồng bằng Bắc Bộ, đánh đổ và làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền.

 

Trưng bày bằng mô hình và số hiện vật ít ỏi, thuyết minh, giới thiệu bằng la bàn, Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực đem lại những hình ảnh, tư liệu sống động, chính xác nhất để truyền tải tới người nghe, người xem. Mục đích hướng tới là để ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên  hiểu nhiều hơn về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân tộc tỉnh Hòa Bình mà Chiến dịch Hòa Bình là điểm nhấn quan trọng.

 

                                                                          Lam Nguyệt

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục