(HBĐT) - Đầu năm, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức các lễ hội vui xuân, lễ tạ thần linh và cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ hội Xên Mường huyện Mai Châu là lễ hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm. Ngày nay, lễ hội Xên Mường không chỉ của riêng người Thái mà đã trở thành ngày hội chung của nhiều dân tộc trên địa bàn, các tỉnh lân cận và du khách gần xa cùng nhau dự lễ hội, thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống và những món ăn truyền thống của dân tộc Thái...

 

Có mặt ở lễ hội Xên Mường năm 2017 tại xã Chiềng Châu, ngoài người dân địa phương, chúng tôi gặp nhóm các bạn trẻ là sinh viên Hà Nội và du khách nước ngoài cũng đến tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái thông qua lễ hội. Em Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên trường Đại học Văn hóa chia sẻ: Em cùng nhóm bạn đi phượt lên bản Lác. Nghe người dân giới thiệu có lễ hội Xên Mường, chúng em đến đây để chơi và khám phá bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây. Đến Mai Châu vào mùa xuân, chúng em được ngắm hoa đào, ruộng lúa, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách.

 

Hòa cùng dòng người tham gia lễ hội, chị Vì Thị Hưng, xã Mai Hạ phấn khởi: Năm nào cũng vậy, không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân các xã lân cận đều rủ nhau tham dự lễ hội Xên Mường. Tham dự lễ hội, chúng tôi cầu mong một năm mới có nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong mọi công việc…

 

 

Tiết mục múa đậm bản sắc dân tộc Thái biểu diễn tại lễ hội.

 

Lễ hội Xên Mường năm 2017 được tổ chức với quy mô cấp xã. Lễ hội được chia thành 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Sau hồi trống khai hội của lãnh đạo UBND xã Chiềng Châu, ông mo (chủ tế) Hà Văn Hoan, các đại biểu và du khách tiến hành lễ cúng, dâng hương tại đền làng Bôn. Phần hội diễn ra sôi động, đồng thời với các tiết mục văn nghệ chào mừng, điệu keng loóng, đánh trống, chiêng rộn ràng mang đậm đà bản sắc dân tộc Thái do các đội văn nghệ trên địa bàn xã biểu diễn. Cũng tại lễ hội diễn ra một số hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian; thi kéo co, bóng chuyền, bắn nỏ; trưng bày ẩm thực giữa các xóm trên địa bàn xã.

 

Điểm mới trong lễ hội năm nay là đền làng Bôn mới được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân trên địa bàn. Trong khuôn khổ của lễ hội còn có gian ẩm thực của các xóm giới thiệu những món ăn đậm đà bản sắc của dân tộc Thái như: Xôi nếp cẩm đồ sắn, rau rừng đồ, măng chua gà... Bà con bán các sản vật của địa phương như thổ cẩm, tỏi tía, các loại rau rừng. Lễ hội cũng là chuỗi các hoạt động trong Tuần lễ hội du lịch của tỉnh hưởng ứng chương trình Năm du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc.

 

Đồng chí Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: Cùng với nhiều dân tộc khác trong tỉnh, lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái huyện Mai Châu đã có từ lâu đời. Sau thời gian mai một do không còn điều kiện tổ chức, năm 2011, huyện Mai Châu đã khôi phục lễ hội và giữ gìn lễ hội gần như nguyên gốc các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, những nét truyền thống lâu đời của cộng đồng dân tộc Thái. Sở dĩ lễ hội Xên Mường được tổ chức tại xã Chiềng Châu là trang trọng nhất bởi nơi đây được coi là thủ phủ, điểm phát tích của người Thái di cư từ Bắc Hà về vào khoảng thế kỷ thứ XIII. Trải qua thăng trầm, biến cố lịch sử, các thế hệ chúa đất người Thái đã có công lao to lớn cùng với nhân dân khai khẩn đất đai lập nên bản, nên mường trở thành mảnh đất trù phú. Chính họ đã tín nghĩa trung quân đồng lòng, chung sức sát cánh cùng vua chúa qua các thời kỳ lịch sử đánh bại giặc xâm lăng giành lại đất nước. Vào thời nhà Lê, chúa Thái Mai Châu đã lập công xuất sắc trong việc lãnh đạo nhân dân chống giặc phương Bắc và được vua Lê trọng thưởng phong danh “Tước hầu đại tư khấu trúc trung hầu”, người Thái gọi là “tướng sứ”.

 

Ở xã Chiềng Châu (Chiềng Chu ngày xưa) vẫn còn những chứng tích khu rừng thiêng Mỏ Cuông có Đán Cậc sừng sững thần kỳ như một tấm bảng khóa phép nhiệm màu treo cao để chỉ tài mưu lược dùng cung tên thi đấu bắn vào vách đá cùng người xá kha lài. Nếu ai thua cuộc phải nhường đất cho phe thắng cuộc. Khi có bạo lực xảy ra, người dân đã biết đào hào, lập lũy để phòng thủ. Do đó, một số lũy tre còn in hình hài chiến tuyến phòng thủ thô sơ mà vững chắc của người dân  nơi đây. Gốc cây thị cổ thụ ở xóm Mỏ - cây di sản Việt Nam cũng đã được lưu truyền và nhắc đến trong các áng mo từ biết bao đời nay…

 

Lễ hội Xên Mường được tổ chức thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, đất nước vinh hoa, phồn thịnh… Lễ hội cũng là dịp đặc biệt để du khách khám phá những khía cạnh phong phú, đa dạng và sinh động của truyền thống văn hóa dân tộc Thái. Đây cũng là hoạt động góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá giới thiệu lịch sử và tiềm năng văn hóa du lịch của huyện Mai Châu.

 

 

                                                                              Hương Lan

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục