(HBĐT) - Với những ai đã phải lòng cảnh sắc của xã Ba Khan thơ mộng, hẳn sẽ dành những mỹ từ cho một kiệt tác thiên nhiên khác của huyện vùng cao Mai Châu, đó là thác Gò Lào, thuộc địa phận xóm Gò Lào, xã Phúc Sạn. Bất kể mùa nào trong năm, những dòng nước tươi mát trên con thác này vẫn uốn lượn “mái tóc” trắng xóa giữa trùng điệp rừng luồng xanh ngút ngàn.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Gò Lào đã thu hút đông đảo bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh.

 

Từ QL 6, chúng tôi rẽ phải ở chân dốc Đá Trắng, thuộc địa phận xã Phú Cường (Tân Lạc) rồi cứ thế theo con đường nhựa liên huyện mới được nâng cấp, đi khoảng hơn 20 km là tới thác Gò Lào. Hành trình khám phá thác Gò Lào của chúng tôi bị chậm lại bất đắc dĩ. Bởi lẽ, cung đường này có quá nhiều thứ khiến ta phải dừng chân ngắm nhìn và tận hưởng. Đó là những mái nhà sàn ẩn, hiện trong làn sương mờ đục. Mùa đông, sương mù như ôm trọn đất và người, tạo cho mảnh đất này sự an nhiên đến lạ. Việc ngăn dòng Đà để xây dựng công trình thế kỷ cũng vô tình tạo cho Ba Khan một vùng hồ rộng mênh mông, xen giữa là những hòn đảo nhỏ, nhiều người mê mẩn ngắm nhìn mà ví von rằng: Ba Khan đích thị là một Hạ Long trên cạn. Điều này đã lý giải vì sao, gần đây, cung đường này được nhiều người lựa chọn là điểm mở đầu cho hành trình khám phá miền Tây Bắc.

 

  Từ Ba Khan đi qua xóm Suối Lốn (xã Tân Mai), xa xa bên kia núi, thác Gò Lào hiện ra với dòng nước trắng xóa đang “nhảy” xuống từ độ cao trên 20 mét. Chúng tôi gửi xe ở một nhà dân trong xóm và bắt đầu hành trình khám phá kiệt tác thiên nhiên này. Con đường mòn dẫn xuống chân thác khá dốc, được bà con tạo những bậc thang nhỏ. Nếu con đường được bào nhẵn bởi những dấu chân của du khách thì dưới chân thác, những tảng đá cũng được những dòng nước mát lạnh gọt dũa. Càng vào gần chân thác, làn hơi nước bốc lên càng dày đặc. Đang trong giai đoạn mùa khô, thế nhưng lượng nước chảy ở thác Gò Lào vẫn khá lớn. Dòng thác phân thành 3 dòng chảy trên vách đá dựng đứng. Ba dòng nước này được phân biệt bởi khoảng rong rêu xanh mướt, bám chặt vào vách đá.

 

Theo chia sẻ của người dân xóm Gò Lào, kiệt tác thiên nhiên này là kết quả của cuộc “hôn nhân” giữa 2 con suối Thung Cang và Phiêng Xa. Vào mùa mưa, lượng nước từ 2 con suối chảy lớn hơn nhiều nên thác Gò Lào ngày đêm như gầm gừ, du khách chỉ có thể ngắm nhìn từ xa. Vào mùa khô, thác chiều lòng người hơn, ai cũng có thể vào chân thác tắm, thậm chí ngồi trò chuyện với nhau trên những tảng đá được bào nhẵn.

 

“Tôi đã nghe mọi người giới thiệu về thác nước này, quả thực rất tuyệt. Đây là một trong những thác nước đẹp nhất mà em từng được khám phá. Thác khá cao, dòng nước mát lạnh và tọa giữa núi non trùng điệp. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè mình cùng biết về cung đường rất đáng để khám phá này”, Bùi Thị Duyên, sinh viên năm cuối của trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

 

Đẹp và ấn tượng là vậy, thế nhưng, Gò Lào vẫn chỉ là điểm đến để chơi chứ chưa mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Gia đình chị Khà Thị Lâm nằm gần thác nên là điểm được du khách gửi xe và đồ đạc. Chị Lâm cho biết: “Mùa hè, lượng khách đến tắm đông lắm, gia đình tôi làm đường để mọi người có lối đi xuống thác thuận lợi. Có những hôm có vài chục lượt khách đến, gia đình cũng tranh thủ mua nước về bán, trông xe để kiếm thêm thu nhập”. Theo chia sẻ của chị Lâm, thu nhập của bà con nơi đây chủ yếu từ cây luồng, cây ngô và sắn nên đời sống còn rất khó khăn.

 

Tháng 10/2016, huyện Mai Châu được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia, đây là một trong những hướng đi chủ lực trong phát triển KT-XH của huyện vùng cao này. Với thác Gò Lào nói riêng và vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ đến từ xã Ba Khan hay các xã vùng hồ lân cận khác như: Tân Mai, Tân Dân thì du lịch cũng là một hướng đi đáng được lưu tâm.

 

 

 

                                                                   Viết Đào

 

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục