(HBĐT) - Núi chênh vênh nhưng đỉnh non bằng phẳng. Quanh núi có 9 giếng tượng trưng cho 9 mắt rồng. Từ trên đỉnh núi có thể thu trọn trong tầm mắt toàn bộ cánh đồng Đọi Sơn thẳng cánh cò bay. Vì thế “đắc địa” đó mà năm 1054, vua Lý Thánh Tông và Vương Phi ỷ Lan đã chọn nơi đây để xây dựng chùa Long Đọi Sơn. Năm 1118, vua Lý Nhân Tông tiếp tục xây dựng phát triển chùa Long Đọi Sơn và dựng tháp Sùng Diện Thiên Linh. Theo thời gian, chùa Long Đọi Sơn được trùng tu, phục dựng và dần trở thành quẩn thể di tích đặc biệt, trung tâm văn hóa du lịch tâm linh của tỉnh Hà Nam.

 

Chiêm ngưỡng  bia Sùng Thiện Diên Linh - Bảo vật Quốc gia

 

Thời tiết những ngày đầu xuân mát mẻ, không khí trong lành là điều kiện lý tưởng để phật tử, du khách thả bước, vượt qua 373 bậc thang đá xẻ nhẵn bóng, uốn quanh men theo triền núi, lên chùa Long Đọi Sơn.

 

 

Đại đức Thích Thanh Vũ, trụ trì chùa Long Đọi Sơn giới thiệu với du khách về lịch sử quá trình hình thành, trùng tu và bảo tồn nhà chùa.  

 

Nhà bia Sùng Thiện Diên Linh là điểm dừng chân đầu tiên của du khách, phật tử trong hành trình chiêm bái chùa Long Đọi Sơn. Trò chuyện với chúng tôi, Đại đức Thích Thanh Vũ, Trưởng Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Duy Tiên, Trụ trì chùa Long Đọi Sơn cho biết: “Long Đọi Sơn tự đã được gần 1.000 năm tuổi. Sau nhiều lần sửa sang, xây dựng, thời kỳ hoàng kim nhất của Long Đọi Sơn tự vào khoảng những năm 1864. Lúc này chùa được hoàn thành với 125 gian, có thượng điện, tiền đường, nhà tổ, siêu hương, gác chuông, nghi môn, khánh đồng, khánh đá… và trở thành trường Bắc Kỳ Phật giáo. Tuy nhiên, theo thời gian và chiến tranh, nhà chùa bị tàn phá, hư hại nhiều. Di vật quý thời Lý hiện nay ngôi chùa còn giữ lại được là 6 pho Kim Cương và đặc biệt ý nghĩa là bia Sùng Thiện Diên Linh.”

 

Theo những thông tin ghi lại thì văn bia nguyên có tên là “Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Di Linh”. Nội dung văn bia chủ yếu ca ngợi công lao, tài trí của vua Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết, đánh giặc và giữ nước. Bia cao hơn 2,5m, rộng 1,65 m, dày 0, 3 m. Bệ bia là khối đá hình chữ nhật, dài 2, 4 m tạc hình hai con rồng uốn khúc. Mặt bia được chia làm hai nửa, tạc hình hai con rồng, đuôi ở đoạn sau, xoắn thành 4 khúc. Văn bia hoàn thành ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121). Sử sách ghi lại rằng, đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa và tháp đã bị phá hủy hoàn toàn. Riêng bia Sùng Thiện Diên Linh vì quá vững chắc, không thể phá nổi nên chúng đã lật đổ xuống bên cạnh núi. Mãi tới cuối thế kỷ XVI, nhân dân địa phương mới “dựng lại bia đổ, bắc lại xà nhà”, phục dựng lại nhà chùa.

 

Do ý nghĩa, giá trị đặc biệt của công trình điêu khắc này nên ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2599/QĐ-TTg công nhận Bia Sùng Thiện Diên Linh – thời Lý (1121) là Bảo vật quốc gia, tài sản vô giá của Quốc gia, dân tộc mà mọi tổ chức, cá nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

 

Dấu vết kiến trúc thời Lý dưới chân bảo tháp

 

Cùng với bia Sùng Thiện Diên Linh thì bằng chứng rõ nét thể hiện lịch sử nghìn năm tuổi của Long Đọi Sơn tự là những dấu vết còn lại của bảo tháp cao 13 tầng. Đưa chúng tôi đến thăm khu vực khai quật khảo cổ chân tháp Sùng Thiện Diên Linh, Đại đức Thích Thanh Vũ cho biết: Cùng với việc dựng bia, vua Lý Nhân Tông đã cho xây tháp cao 13 tầng chọc trọc, mở bốn hướng đón gió. Vách chạm trổ rồng ổ, xà treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm. Tầng dưới chia 8 hướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm. Chính giữa đặt tượng Đa Bảo Như Lai… Sân thềm có bậc, lang vũ hai bên. Đây là một công trình đặc biệt, được xây dựng vào cùng thời kỳ xây Hoàng Thành Thăng Long. Tuy nhiên, do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nên tháp đã hư hỏng hoàn toàn.

 

Trước những giá trị ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của tháp Sùng Thiện Diên Linh, ngày 1/10/2001, Bộ VH -TT&DL đã có Quyết định số 2543/QĐ – BVHTT giao Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Nam, huyện Duy Tiên tiến hành điều tra thám sát, khai quật khảo cổ học nhằm phục vụ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chùa Long Đọi Sơn. Sau hơn 2 tháng thám sát và khai quật khảo cổ học đã phát hiện một phần chân móng tháp với các loại nguyên liệu xây dựng như đá, gạch nung. Hiện nay, trong khuôn viên chùa, khu vực khai quật cũng như các hiện vật vẫn được bảo tồn, lưu giữ và trưng bày nguyên vẹn. Tại đây, phật tử, du khách được tận mắt trông thấy các hình ảnh về quá trình khai quật chân móng tháp. Được chạm vào các hiện vật có niên đại hàng nghìn năm như: tượng kinari, đầu tượng – đá sa thạch, mảnh thân rồng – đá xám, đầu tượng kinari, tượng vịt, đá trang trí hình tiên nữ múa cùng dàn nhạc. Các loại gạch xây và gạch trang trí được trưng bày với nhiều mẫu vật phong phú như: gạch trang trí hình rồng, gạch xây tháp hình vuông, gạch trang trí hoa mẫu đơn, gạch trang trí hình rồng ngậm ngọc, gạch trang trí hình rồng trong lá đề, gạch trang trí hoa mẫu đơn, gạch trang trí hoa sen, gạch xây tháp hình chữ nhật, gạch trang trí hoa cúc dây, gạch - đất nung niên hiệu “Lý gia đệ tứ đế Long Phù Nguyên Hóa ngũ niên tạo” (1105) … Và các loại ngói như: ngói ống đất nung, đá trang trí, ngói mũi hài, ngói âm dương, ngói lòng máng.

 

Linh thiêng cổ tự

 

Với niên đại gần1000 năm, trải qua nhiều lần xây dựng, trùng tu nhưng ấn tượng bao trùm lên toàn bộ khuôn viên Long Đọi Sơn tự đó chính là sự rêu phong, cổ kính. Trụ trì nhà chùa cho biết: Thế kỷ XV, Long Đọi Sơn tự gần như bị san phẳng bởi giặc Minh; 170 năm tiếp theo chùa bị bỏ phế hoàn toàn cho đến năm 1591 mới được nhân dân địa phương xây dựng lại. Liên tiếp từ đó đến nay, gần đây nhất là năm 2007, chùa đã được tu bổ, tôn tạo từ tòa Tam bảo, nhà tổ, nhà khách, nhà tăng ni, khu tháp mộ, làm đường lên chùa, xây dựng các cơ sở hạ tầng khác… làm cho khu vực chùa Long Đọi Sơn khang trang, có sức cuốn hút du khách thăm quan. Tuy nhiên, với quan điểm tuyệt đối tôn trọng kiến trúc lịch sử nên trong quá trình trùng tu, chúng tôi đã nghiên cứu và cố gắng giữ lại những nét cổ kính nhất, việc trùng tu đảm bảo đúng theo nguyên mẫu kiến trúc cũ.

 

Do đó, Long Đọi Sơn tự hôm nay từ viên gạch lát sân cho đến mái ngói, cột nhà, thượng điện, tiền đường, nhà tổ, siêu hương, gác chuông, nghi môn, lư hương, mái cổng vòm… đều nhuốm màu cổ kính, rêu phong của “cổ tự”.

 

Dưới mái chùa cổ kính, chúng tôi đã gặp những phật tử tâm tư nặng trĩu lỗi lầm đến đây sám hối với nhà sư; gặp những nhóm sinh viên háo hức tò mò lần đọc từng dòng chữ trên tấm bi cổ… Mỗi người ngược lên Long Đọi Sơn tự với những tâm trạng riêng nhưng rời cổ tự, ai cũng thấy nhẹ lòng, thanh thản trở về với cuộc sống đầy lo toan.

 

                                                                   Dương Liễu

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục