(HBĐT) - Năm 2017, những chiến sĩ Tây Tiến năm nào đã cùng nhau ôn lại truyền thống 70 năm thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến (1947 - 2017). Cùng hòa với lịch sử Trung đoàn Tây Tiến không thể không nhắc tới bài thơ "Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với chị Bùi Phương Thảo, con gái của nhà thơ tài hoa Quang Dũng…


Ảnh: Gia đình nhà thơ Quang Dũng chụp năm 1965(ảnh do gia đình cung cấp)

P.V: Chào chị Phương Thảo, được biết chị hiện nay là 1 trong những người thân nắm giữ các di cảo tác phẩm của nhà thơ tài danh Quang Dũng với những bài thơ có đời sống mạnh mẽ như "Tây Tiến”, "Mắt người Sơn Tây”… Chị có thể khái quát cho bạn đọc biết về thân thế, sự nghiệp (thơ và đời) của nhà thơ Quang Dũng. Những giải thưởng lớn mà ông đã nhận được?

Chị Bùi Phương Thảo: Tôi được các anh trai tin cậy trao cho nhiệm vụ nắm giữ các di cảo và tác phẩm của cha tôi - nhà thơ Quang Dũng. Đó là một hạnh phúc lớn với tôi.

Cha tôi quê làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội. Thuở nhỏ, cha tôi học trường làng, là nơi hiện nay đặt bức tượng đồng bán thân của ông. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Hà Nội, năm 20 tuổi, ông thoát ly gia đình sống độc lập bằng nghề dạy học tư, viết báo, dịch thuật ở Hà Nội. ông tham gia cách mạng trước tháng 8/1945. Khi Tổng khởi nghĩa thành công, ông được cử làm phái viên phòng quân vụ Bắc bộ. Năm 1946, ông làm chính trị viên Đại đội vệ binh Chiến khu II, thuộc khu bộ. Cũng năm đó, ông được cử đi học lớp bổ túc quân sự ở Tông, Sơn Tây (khóa 1, trường võ bị Trần Quốc Tuấn). Cuối xuân năm 1947, ông gia nhập đoàn quân Tây Tiến với cấp bậc Phó đoàn võ trang tuyên truyền Lào - Việt, biên khu Tây Tiến, Đại đội trưởng đại đội võ trang Trung đoàn 52, trưởng ban tuyên truyền Trung đoàn 52. Hòa bình lập lại, ông làm biên tập báo Văn nghệ và nhà xuất bản Văn học. Ông nghỉ hưu năm 1978.

Cha tôi làm thơ từ rất sớm. Trong những tác phẩm thơ để lại có bài "Chiêu quân” ông sáng tác năm 17 tuổi. Trong số những tác phẩm thơ của mình, ông tâm đắc nhất bài thơ "Tây Tiến”. "Tây Tiến” được ông viết năm 1948 sau khi rời quân ngũ chưa lâu và bài thơ như đứa con tinh thần vạm vỡ nhất của ông. Bên cạnh Tây Tiến có những tác phẩm được bạn đọc nằm lòng và yêu thích như: Mắt người Sơn Tây, Lính râu ria, Đôi bờ, Quán bên đường, Đường trăng, Những làng đi qua, Những mùa xuân… Đến nay, nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc như "Đôi bờ và Mắt người Sơn Tây”, "Em mãi là hai mươi tuổi”, "Tây Tiến”, "Những mùa Tây Tiến” và đặc biệt bài thơ Không đề của ông được người con cả là nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh phổ nhạc lấy tiêu đề "Ta mãi là mùa xanh xưa”. Bên cạnh thơ, ông có nhiều bút ký và truyện ngắn với bút pháp tả thực sinh động và truyền tải tình yêu cuộc sống, con người và quê hương đất nước như: Mùa quả cọ (đã được dịch ra tiếng Pháp), Nhà đồi, Chim sâm cầm Hồ Tây, Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì, Đường lên Châu Thuận, Một chặng đường Cao Bắc… ông còn để lại hơn hai chục bức vẽ phong cảnh và nhiều ký họa. Trong thời gian tham gia Tây Tiến, ông có sáng tác bài hát "Nhớ Ba Vì” để gửi gắm nỗi nhớ da diết đến xứ Đoài yêu dấu của ông. Niềm say mê với cuộc sống và say viết, sau khi nghỉ hưu, ông còn tình nguyện đi vào kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng với hy vọng viết về sự phát triển của vùng đất này. Tại đây, ông bị tai biến mạch máu não và sau 4 năm bệnh nặng, ông mất ngày 13/8/1988 tại Hà Nội.

Với những cống hiến về nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2001.


Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng trong một lần đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mai Châu. Tại nơi này, có bia trích in khắc bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. 

P.V: Với góc nhìn của con gái nhà thơ, chị thấy nhà thơ Quang Dũng là con người thế nào. Một số kỷ niệm sâu sắc giữa 2 cha con chị, chị có thể chia sẻ…

Chị Bùi Phương Thảo: Trong ký ức, cha tôi là người hiền lành, vóc dáng cao lớn với mái tóc trắng bồng bềnh và đôi mắt hiền từ. ở bên cha trong suốt tuổi thơ ấu, tôi được đón nhận một tình yêu thương, chiều chuộng từ ông. Cũng có thể do tôi là con gái út trong nhà. Mỗi sáng, cha tôi thường dậy sớm và ngồi vào bàn viết trên căn gác nhỏ ở phố Bà Triệu. Công việc biên tập của ông cần sự tỉ mỉ và tâm huyết. Những dòng nhận xét góp ý của ông trên bản thảo trong di cảo còn lại làm tôi hiểu và yêu thương cha muôn phần. Chặng đường cha tiễn tôi về nhận công tác ở một huyện ngoại thành Hà Nội ngày tôi ra trường Sư phạm là kỷ niệm không thể quên với tôi. Giọng ông ấm áp nhẩn nha từng câu nói bên tôi: " Bố mong muốn con trưởng thành từ công việc của một cô giáo và sau này trở thành một con người can đảm, biết yêu thương nhiều hơn”. Đó là lần duy nhất cha dặn dò tôi theo cách trò chuyện trực tiếp, sau này cha, hay viết thư cho tôi. Những bức thư của cha là kỷ vật vô giá với tôi. Tôi biết ơn cha vô cùng, ông đã truyền cho tôi tình yêu cuộc sống, vượt lên mọi gian khó và lạc quan trước mọi hoàn cảnh . Trong bài thơ "Chiều Đan Phượng” của tôi có đoạn cuối: Hành trang vào đời con mang theo tên cha /Bấy nhiêu yêu thương trái tim thành chật chội / Bật lên câu chữ vuông tròn hình khối / Xếp lại gần nhau để được gần cha hơn.

Giờ đây, mỗi lần trước những trang viết, tôi cảm nhận được cha vẫn luôn bên tôi.

P.V: Theo như chị biết (qua lời nhà thơ Quang Dũng kể, qua tác phẩm, qua bạn bè…), nhà thơ có những gắn bó máu thịt như thế nào đối với Hòa Bình nói riêng và Tây Bắc nói chung? Riêng bài thơ "Tây Tiến” hiện đã có những "đời sống” như thế nào nơi vùng Tây Bắc?

Chị Bùi Phương Thảo: Bài thơ "Tây Tiến” có số phận đặc biệt, được yêu thương, cũng gian truân, chìm nổi như phận người… Có thể vì thế mà Tây Tiến được Ban liên lạc Tây Tiến tổ chức mừng sinh nhật dịp tròn 60 tuổi?. Với những CCB Trung đoàn 52 Tây Tiến, bài thơ "Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng là linh hồn của Trung đoàn, góp phần cho Trung đoàn 52 Tây Tiến được sáng danh và nhiều người biết đến hơn. Với nhiều nỗ lực trong hoạt động, Ban liên lạc Tây Tiến đã cùng các địa phương nơi Tây Tiến hoạt động năm xưa xây dựng những tượng đài vinh danh bộ đội Tây Tiến như ở Lạc Sơn (Hòa Bình). Đài tưởng niệm Tây Tiến ở Mộc Châu, tháp Tây Tiến ở Mường Lát (Thanh Hóa) và ở mỗi tượng đài, bài thơ "Tây Tiến” được trích, khắc vào bia đá trang trọng như một chứng tích lịch sử của Trung đoàn 52.

Tại thành phố Hòa Bình đã có con đường Tây Tiến (đường 6 cũ đi xã Bình Thanh - Cao Phong) và ngay ở đầu đường Tây Tiến cũng có 1 tượng đài nhỏ, trích bài thơ Tây Tiến. ở Châu Trang (Thượng Cốc - Lạc Sơn), nơi đóng quân và dựng trạm quân y của bộ đội Tây Tiến, cha tôi đã có nhiều bức vẽ ký họa cảnh sắc, con người nơi này. Hiện gia đình còn giữ bức tranh Bến Ngọc có dòng lưu bút của ông: "Bến Ngọc sông Đà mồng 4 Tết 1960. Lên thăm ông Sự mùa sông Đà cạn. Nhớ lại năm 1947 ngược lên Tây Tiến từ bến này”.

Không riêng Hòa Bình mà khắp vùng Tây Bắc Tổ quốc, in dấu bước chân bộ đội Tây Tiến, trong đoàn quân ấy có Đại đội trưởng Quang Dũng. Năm 2013, vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất và 65 năm bài thơ "Tây Tiến” ra đời, gia đình tôi đã cùng Hội nhà văn Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm long trọng, ấm áp tại khu Không gian văn hóa Mường Hòa Bình. Bài thơ "Tây Tiến” được vang lên trong không gian mang đầy hương núi và âm vang tiếng chiêng như làm sống lại hình ảnh lãng mạn, oai hùng của bộ đội Tây Tiến như: "Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Đồng bào Hòa Bình đã gắn bó máu thịt với bộ đội từ những ngày đầu cuộc chiến, Hòa Bình luôn là cái nôi của bộ đội Tây Tiến. Trong đó, địa danh Mai Châu, Mường Hịch đã hiện lên ấn tượng, lắng đọng trong Tây Tiến như: "Chiều chiều oai linh thác gầm thét / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người / Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…”.

Những hoạt động thường niên của Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến thường được tổ chức tại Hòa Bình. Trong số di cảo còn lại của cha tôi có bài thơ "Sông Đà” viết ngày 24/2/ 1952. Tôi đã vô cùng mừng vui khi tìm lại được bài thơ đã hoen màu thời gian và chép nguyên bài thơ vào bức mành trúc tặng Bảo tàng tỉnh Hòa Bình làm kỷ vật kháng chiến. Sau 60 năm ra đời, bài thơ "Sông Đà” đã được trở về đúng nơi nó sinh ra, nơi gắn bó máu thịt vói bộ đội Tây Tiến .

P.V: Xin chân thành cám ơn!

                                                                                 Bùi Huy (thực hiện)


Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục