(HBĐT) - Tối ngày 7/10, tại Sân vận động huyện Mai Châu, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh tổ lễ khai mạc Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017.

Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Hoàng Thị Hạnh, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Bắc, gần 400 nghệ nhân đến từ 12 làng du lịch cộng đồng của 11 tỉnh cùng hơn 1 vạn nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.


Hòa tấu nhạc vụ dân tộc "Âm vang từ lòng núi”

 Mở đầu đêm khai mạc là các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc.

 Tiết mục múa hát "Xuân về trên bản Thái”.

Thực hiện chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian qua, các tỉnh Tây Bắc nói riêng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói chung đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển. Trọng điểm là xây dựng 12 Khu du lịch và 4 điểm du lịch quốc gia để khai thác những tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú, hấp dẫn của các tỉnh Tây Bắc.


 Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức liên hoan phát biểu khai mạc liên hoan.

Khai mạc liên hoan, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức liên hoan đã khẳng định: Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc là dịp để giới thiệu về mô hình hoạt động du lịch cộng đồng mang giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc; tôn vinh các làng du lịch cộng đồng tiêu biểu trong khu vực Tây Bắc mở rộng. Tạo điều kiện cho người dân các làng du lịch cộng đồng được mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong lĩnh vực hoạt động du lịch cộng đồng. Từ đó tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Đồng chí cũng mong muốn các làng về tham gia liên hoan với tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi và giới thiệu cho bạn bè và du khách những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo hấp dẫn của các địa phương, góp phần làm nên thành công của liên hoan. Thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo UBND các tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các làng du lịch cộng đồng các địa phương về tham gia liên hoan. Cảm ơn các cơ quan thành viên Ban tổ chức, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng người dân và du khách đã ủng hộ, tham gia, góp sức để tổ chức Liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017.


 Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia liên hoan.

Sau phần nhận cờ lưu niệm, các đoàn đã tham trình diễn và giới thiệu về những nét đặc sắc của làng du lịch cộng đồng địa phương.

Mở đầu là làng du lịch cộng đồng bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình


 Làng du lịch cộng đồng bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm. Từ năm 1962, nơi đây đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn của các đoàn khách quốc tế khi đến Việt Nam. Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức đề nghị UBND tỉnh cho phép khách du lịch được nghỉ qua đêm trong bản. Bản Lác hiện có 42 ngôi nhà sàn phục vụ khách nghỉ qua đêm.

Tiếp đến là phần giới thiệu của bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Ở độ cao hơn 1.050m so với mặt nước biển, bản Áng có khí hậu trong lành, mát mẻ với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Đến bản Áng du khách sẽ được tìm hiểu, khám phá những ngôi nhà sàn cổ của người Thái với nét kiến trúc độc đáo, hòa cùng thiên nhiên, đất trời vạn vật.

Cách trung tâm thành phố Điện Biên khoảng 3km là làng du lịch cộng đồng Him Lam II, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên


Làng du lịch cộng đồng Him Lam II, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Bản Him Lam được dựng trên vùng đất có rất nhiều đá đen nên người dân nơi đây đã đặt tên bản là Him Đăm, sau gọi chệch thành Him Lam. Đến đây du khách sẽ có dịp trải nghiệm và khám phá đời sống văn hóa của dân tộc Thái đen vùng Tây Bắc.

Vượt qua chặng đường hơn 30 cây số từ thành phố Lai Châu, du khách sẽ đến với bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu


 Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Điểm đặc biệt là người dân nơi có có nghề trồng hoa địa lan, cả bản có khoảng 20.000 chậu hoa địa lan. Các khu rừng già xung quanh bản được người dân trông thảo quả. Người Mông ở Sin Suối Hồ vẫn ở nhà gỗ, tường trát đất.

Tiếp đó là phần trình diễn của bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa.


Làng du lịch cộng đồng bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa.

Bản Năng Cát nằm dưới chân núi Chí Linh. Nơi đây, nét nguyên sơ của miền sơn cước vẫn còn được giữ nguyên trong từng nếp nhà sàn nằm ở lưng chừng núi của người Thái. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nguyên sơ với kiến trúc nhà sàn cổ của người Thái.

Kết thúc phần trình diễn đợt 1 là làng du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn, tỉnh Lạng Sơn


 Làng du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Làng Quỳnh Sơn cách trung tâm huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn 2,5km. Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, hiện nay gần 100% các hộ gia đình trong làng đã đáp ứng được nhu cầu thăm quan, lưu trí và nghỉ lại của du khách.

Tiếp đến chương trình là tiết mục múa hát "Làng Mường”


 Múa hát "Làng Mường”.

Đợt 2 phần giới thiệu các làng du lịch khởi đầu với bản Ngòi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.


 Làng du lịch bản Ngòi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Bản Ngòi hiện có 90 hộ gia đình người Mường sinh sống, tất cả các gia đình đều ở trong những ngôi nhà sàn. Bản nằm trên một không gian rộng lớn, nhìn từ trên cao chỉ thấy thấp thoáng những mái nhà sàn lúp xúp trong rừng cây. Ngay gần bản là một hồ nước xanh ngắt và hang động tuyệt đẹp.

Tiếp đến là làng du lịch cộng đồng xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ


 Làng du lịch cộng đồng xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Vườn quốc gia Xuân Sơn là khu du lịch có hệ sinh thái rừng tự nhiên, nhiều danh lam thắng cảnh và hang động đẹp. Đây là nơi sinh sống đoàn kết của các dân tộc Dao, Mường. Đến đây du khách sẽ được hòa nhập với dân địa phương, tham gia lễ hội truyền thống, sản xuất làng nghề.

Làng du lịch cộng đồng thôn Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc người Hà Nhì


Làng du lịch cộng đồng thôn Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Làng Lao Chải nằm cách thành phố Lào Cai hơn 70 km, có 91 hộ, là nơi đồng bào dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở Y Tý. Đến đây du khách sẽ được thưởng thức một chương trình văn nghệ đặc sắc do nghệ nhân và nam thanh nữ tú trong làng biểu diễn.

Tiếp đến là phần trình diễn của làng du lịch cộng đồng xã Hồng Hạ, tỉnh Thừa Thiên Huế


Làng du lịch cộng đồng xã Hồng Hạ, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Điểm độc đáo là ở đây có rất nhiều món ăn ngon, đậm đà với nguyên liệu là sản vật của địa phương.

Làng du lịch cộng đồng Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà sàn cổ, lợp ngói mái âm dương, kiểu dáng kiến trúc độc đáo.


Làng du lịch cộng đồng Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Làng hiện có 42 hộ kinh doanh mô hình dịch vụ homestay. Du lịch đã giúp người dân nơi đây hội nhập, nâng cao dân trí, văn hóa để phát triển.

Kết thúc phần giới thiệu các làng du lịch cộng đồng là làng du lịch cộng đồng bản Sưng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình


Làng du lịch cộng đồng bản Sưng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Đây là xóm vùng cao của xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Xóm Sưng tồn tại từ hàng trăm năm trước. Đặc biệt, chỉ có người Dao Tiền sinh sống. Tên xóm Sưng bắt nguồn từ tên một loại cây trước đây được trồng rất nhiều ở khu vực này.

Tại liên hoan, các làng du lịch cộng đồng đã mang đến nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. 





Ngày mai 8/10, Liên hoan sẽ tiếp tục diễn ra một số hoạt động như: Hội thảo Khoa học về định hướng và các giải pháp xây dựng, phát triển bền vững du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc, thi nấu ăn giới thiệu ẩm thực của các làng du lịch cộng đồng. Lễ bế mạc liên hoan sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 8/10 tại Sân vận động huyện Mai Châu.

 

                                                                         Nhóm PV

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục