Đội văn nghệ xã Phong Phú (Tân Lạc) trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc tại lễ hội Khai hạ Mường Bi. Ảnh: P.V

Đội văn nghệ xã Phong Phú (Tân Lạc) trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc tại lễ hội Khai hạ Mường Bi. Ảnh: P.V

(HBĐT) - Xưa nay trong các nghiên cứu và các bài viết cũng như các hội diễn nghệ thuật quần chúng có hát dân ca Mường, người ta hay nói đến thường rang và bộ mẹng.

 

Thường rang là tên gọi có tính cặp đôi, một số vùng Mường gọi là xường, rang có nơi gọi là đang hoặc tang. Dù cách gọi có biến âm đôi chút, song đều chỉ chung cho một thể loại hát dân ca. Bộ mẹng theo nghĩa trong tiếng Mường chỉ sự nói mang tính trang trọng.

 

Điểm chung của hát thường rang và bộ mẹng:

Thường rang và bộ mẹng là hai giai điệu dân ca Mường có điểm chung đều là diễn xướng theo lối: Hát - nói - ngâm - ngợi... có tính tự sự và đối đáp giữa hai người. Giai điệu thiết tha, rất khó hát to, hát cao giọng, mang tính thính phòng, chỉ đủ cho người đối đáp hoặc người nghe trong không gian hẹp. Nhờ đó được truyền tải tối đa tâm ý người hát tới bạn hát đối và người nghe.  Không có việc hát song ca, tốp ca càng không có đồng ca hát thường rang, bộ mẹng.

Không gian, địa điểm diễn xướng, nếu như hát đúp giao duyên người ta có thể hát trong nhà, ngoài đồng, bãi, trong rừng sâu hay đứng nhau từ ngọn đồi này hát với người khác ở ngọn đồi bên kia hát thường rang. Người hát thường rang, bộ mẹng ngồi đối diện với nhau qua mâm rượu, bàn uống nước hoặc xa hơn là gian trong hay gian ngoài trên nhà sàn. Đối tượng nghe cũng chỉ hạn hẹp trên ngôi nhà sàn. Trong các ngày hội làng, hội Mường, người ta trải chiếu, bày mâm rượu hay mâm trầu ngoài bãi cỏ, dưới gốc cây phía trước khu thiết chế thờ tự như: đền, đình... cho các cặp nam - nữ hay nam - nam hoặc nữ - nữ ngồi đối diện hát với nhau, người nghe, người “cố vấn” giúp đặt lời hay giải đáp cho người hát có thể ngồi hoặc đứng xung quanh. Vì thế, một cuộc hát thường rang, bộ mẹng nhìn bề ngoài có thể thấy rất đông người.

Nếu là một cuộc hát có tổ chức, thâu đêm, các nghệ sĩ dân gian cũng phải hát có trình tự như: có bài hát mở đầu, hát nối, hát chào, xin phép, khen ngợi quê hương người bản địa... 

Tuy nhiên, một cuộc hát không thể cứ hát mãi các bài, khúc có sẵn, khi hát người hát có thể vận dụng giai điệu ứng tác đặt lời mới khi đối đáp với bạn hát. Trong rằng thường gọi là thường chắp, thường cọi ca...

Thường rang và bộ mẹng chỉ được diễn xướng trong các ngày vui như: đám cưới, mừng nhà mới, mừng thọ, chúc tụng đầu năm mới, ngày hội, gặp gỡ người bạn mới trong các ngày vui... không hát trong đám tang hay việc buồn, đó bị coi là sự cố ý xúc phạm.

 

Những điểm khác nhau giữa thường rang và bộ mẹng:

Thế nào thì gọi là thường rang? Hát thường rang bao giờ cũng được mở đầu bằng 4 câu:

- Thương thiết ơi ớ... hởi thương nôồng... 

Thương côông ớ đồng năm bui...

Năm bui thốch ớ hơi... cảy khảng lại lènh

Hôm nay... 

Xin dịch nghĩa bám vần phiên âm chứ không thể dịch nhạc, dịch giai điệu như sau:

- Thương thiết ơi ớ... hởi thương nồng... Thương công ở đồng năm vui... Năm vui tốt ớ hơi... cái tháng lại lành... Hôm nay...

Nhiều người hát thạo thường rang họ không hát lại những câu trên, họ đặt lời khác vào đúng giai điệu, tuân theo nghiêm ngặt giai điệu trên.

Một đặc điểm quan trọng định hình lối hát thường rang, đó là từ mở đầu ba câu hát đầu của thường rang đều là các từ vần bằng không có dấu, trong âm nhạc, tiếng và câu vần mở đầu bài hát rất quan trọng vì nó quyết định hướng mở giai điệu của toàn bộ bài hát.  Nếu ai đặt lời hát sai “nguyên tắc” trên sẽ rất khó, thậm chí không thể hát đúng giai điệu của thường rang.

Các bài thường rang là một bài văn vần sử dụng lối gieo vần, vần hoặc âm cuối câu trên gieo xuống từ thứ hai hoặc ba của câu kế tiếp. Như ở đoạn câu hát trên trên từ và vần “nôồng...” được gieo xuống từ “côông...” câu dưới. Tiếp đó từ và vần “bui...” lại được gieo xuống từ thứ hai câu kế tiếp. Cứ như vậy suốt bài hát thường rang niêm luật gieo vần có lúc phá cách, song với bốn câu gốc trên được tuân thủ khá nghiêm nghặt, bởi nếu lệch thì giai điệu sẽ biến khác ngay và không phải là thường rang nữa.

Cuối một, hai câu hát thường kết thúc bằng ngân luyến câu  “Rơi mởi...”, hoặc các từ đồng âm của nó

Bộ mẹng được mở đầu với 4 câu:

 - Thiểng cấp bậu vỉ enh hời... hà...

 Lỷ cấp bậu rằng enh hơi...

 Bậu rằng nò lả enh hơi...

 Bậu rằng chụm nò chụm bông chênh...

Khác với thường rang, các từ mở đầu của hai câu hát đầu đều là tiếng, từ có âm dầu hỏi. Sang câu thứ ba từ mở đầu có âm dấu nặng... Lời bài hát nếu bỏ các từ ngân giữ giai điệu như: “enh hởi...” “enh hà...” lại trở thành bài văn vần cũng sử dụng lối gieo vần cơ bản theo nguyên tắc âm cuối của câu trước được gieo xuống từ giữa của câu kế tiếp. Tuy vậy cũng có những phá cách, các câu gieo vần đôi khi được tác giả dân gian gieo xuống từ đầu hay bất cứ ở từ nào trên câu kế tiếp.

Nhìn chung lời các bài hát thường rang và bộ mẹng khi biên tập cắt bỏ các từ nối, các âm luyến, láy... ta sẽ có được một bài văn vần, thậm chí là một bài thơ tiếng Mường theo thể thơ tự do. Trong đó, nghê thuật gieo vần được sử dụng phổ biến. Trừ nguyên tắc các câu mở đầu, lối gieo vần trong phần lời các bài thường rang và bộ mẹng khá phức tạp, khá đa dạng.

Thường rang và bộ mẹng là hai làn điệu dân ca Mường cùng sử dụng lối diễn xướng: hát - nói - ngâm - ngợi... có khác nhau về làn điệu và cách sử dụng ca từ. Đây là di sản văn phi vật thể rất cần được bảo vệ và phát triển trở lại trong đời sống người Mường.

           

 

                                                          Bùi Huy Vọng

                                      (Xóm Cọi, Hương Nhượng - Lạc Sơn)

 

 

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục