Nhà báo Đồng Thế Hưng (người đeo cà vạt đứng giữa) và các đồng nghiệp trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày Báo Hoà Bình ra số đầu (1962 - 2012).

Nhà báo Đồng Thế Hưng (người đeo cà vạt đứng giữa) và các đồng nghiệp trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày Báo Hoà Bình ra số đầu (1962 - 2012).

(HBĐT) - Đồi 79, khu chuyên gia Liên Xô (cũ) giữa năm 1992, một buổi chiều đi Đà Bắc về, nhóm phóng viên trẻ đang đi bộ ngược dốc thì từ phía trụ sở Báo Hoà Bình (toà nhà 75/76), một người khoác chiếc máy ảnh Ze -nhít cũ, phóng “con” sim sơn xanh vụt qua. Bộ quần áo bộ đội cũ, khiến người thoáng nhìn nhận đoán ngay đây là một CCB. Một phóng viên gạo cội của báo cho biết: CTV Đồng Thế Hưng đấy, anh ấy là kỹ sư nông nghiệp ở huyện Kỳ Sơn.

 

À đây là cây viết Thế Hưng, người mà chúng tôi từng “gặp” qua các bài viết của anh trên Báo Hoà Bình hay tạp chí văn nghệ tỉnh kể từ khi tái lập tỉnh. Vẫn lời của nhà báo từng biết anh: Phong cách lính tráng có khác, nhanh nhạy, có khả năng tiến xa... Lần thoảng qua đó cũng khiến chúng tôi có cảm tình với một tác giả, người sau này đã trở thành đồng nghiệp cùng phòng phóng viên mà bác nhà báo Trần Mười làm trưởng phòng. Lời thẩm định đó là chính xác, khi sau này, anh là một CTV xuất sắc của Báo Hoà Bình và trở thành phóng viên chính thức của báo Đảng tỉnh từ cuối năm 1992. 

 

Qua quá trình cùng công tác, chúng tôi nhận ra, đây là một phóng viên yêu nghề, tâm huyết và có tính chủ động cao trong tác nghiệp. Nay ngược Mai Châu, mai xuôi Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, bàn chân anh đến với cơ sở, đến với bà con và sau đó là những bài viết nóng hổi tính thời sự. Nhớ mãi lần, cố nhà báo Bùi Tiến Thịnh (nguyên Phó TBT Báo Hoà Bình) giao nhiệm vụ cho anh mà thấy lo. Đầu giờ chiều, bác phân công: Đi Kỳ Sơn viết bài về cuộc sống đồng bào vùng hạ lưu sau đợt xả lũ. 8 giờ sáng mai phải có bài, khoảng 1.000 chữ, kèm ảnh. Không một lời khất hẹn, anh bon bon đi cơ sở. Gặp gỡ bà con, cán bộ xã, xóm, tối đó, anh đã viết xong một bài ghi chép khá đầy đặn về tư liệu... Có vốn sống và sự trải nghiệm từ cơ sở, cộng với năng khiếu và sự học hỏi không ngừng, anh đã trở thành một cây viết có uy tín của Báo. Nhiều bài viết gần như là sự đúc kết, đánh giá về các điển hình, để qua đó là bài học cho nhiều địa phương khác. Bạn đọc và đồng nghiệp tâm đắc về các bài viết của anh như  “Nam Phong - vùng đất thức”, hay  “Gió Hạ Sơn”... Các điển hình, qua các bài viết của anh đã có dịp “đánh thức”, kêu gọi thêm các điển hình khác. 

 

Là kỹ sư nông nghiệp nên anh có sở trường các bài viết về nông - lâm nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung, nhưng anh cũng là người rất mạnh ở các đề tài xây dựng Đảng, văn hóa - xã hội. Chúng tôi, đã từng ngồi truyền tay nhau các bài ký, ghi chép của anh về các nhân vật, các chính khách như “Một giờ với Chủ tịch UBND tỉnh”, “Nghĩ về cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo”, “Các anh ở đâu sao chưa về với mẹ?” hoặc như bài viết về một “đại ca” trên con đường hoàn lương... Hay ở vấn đề đã đành, anh còn “ghi điểm” bởi giọng điệu, văn phong thể hiện, cách dẫn dắt vấn đề. Điều thú vị trong các bài viết của anh chính là ở đó. Trong các nhà báo ở Báo Hoà Bình, anh là người thành công khi đưa chất văn vào báo, khiến các vấn đề tưởng là khô khan, trở nên dễ gần, dễ cảm nhận. Khi là phóng viên, anh còn thành công ở các bài phóng sự, điều tra - một thể loại khó nhằn, thường dành cho các nhà báo có kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về cuộc sống. Nhiều bài báo đã có chỗ đứng trong lòng độc giả. Hàng trăm bài viết, bức ảnh đẹp của anh được bạn đọc ghi nhận...

 

Đặc biệt, anh là tác giả và là người khởi xướng cho mục “Thạch Sanh tân truyện” trên Báo Hoà Bình chủ nhật. Từng ấy năm công tác cũng là từng ấy năm có chuyên mục này trên báo. Cũng là các vấn đề của cuộc sống hôm nay, những vui buồn, nghịch lý đời thường, những bi - hài... qua con mắt cảm nhận cùng lối viết của anh đã khiến các vấn đề được nâng lên rất nhiều. Các bài viết “Thạch Sanh tân truyện” có tính chiến đấu và sức mạnh giáo dục cao. Nhưng thành công ở các bài viết còn là sự dí dỏm, hài hước, nhân văn... Đọc mỗi câu chuyện bao giờ cũng ẩn chứa những nụ cười thâm thúy và không thấy sự đao to, búa lớn trong cách thể hiện. Cách kể, cách dẫn dắt câu chuyện của anh khiến người đọc luôn bất ngờ về cái kết. Các vấn đề mà anh thể hiện trong “Thạch Sanh...” khá đa dạng khiến nhiều người thấy anh là người chịu đi, chịu tìm tòi các vấn đề của cuộc sống. Những năm 90 của thế kỷ trước, “Thạch Sanh tân truyện” của tác giả Đồng Thế Hưng (hay với các bút danh Hải Giang, Thảo Hương) còn xuất hiện khá nhiều trên các ấn phẩm của báo Nông nghiệp Việt Nam. Đã có lần, trong một cuộc mạn đàm về các bài viết này, một phóng viên trẻ đã đặt câu hỏi: “Sao anh không tập hợp thành một tuyển tập để xuất bản, biết đâu lại ăn khách?”. Anh cười cười: Mình viết để phục vụ cho cho độc giả, đâu có nghĩ in sách nọ, sách kia... Sau này, làm công tác quản lý, lãnh đạo cơ quan (anh giữ các vị trí: Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó TBT Báo Hoà Bình, Chủ tịch Công đoàn cơ quan...), không còn có nhiều thời gian để tác nghiệp phóng viên, nhưng những kinh nghiệm hay từ những năm tháng lăn lộn ở cơ sở đã được anh truyền lại cho lớp trẻ...

 

Nhà báo Đồng Thế Hưng từng có nhiều giải thưởng báo chí cấp tỉnh, là chiến sĩ thi đua báo chí toàn quốc lần thứ nhất, giải thưởng báo chí - văn học nghệ thuật 10 năm tái lập tỉnh (1992-2002), kỷ niệm chương “vì sự nghiệp báo chí”... Và hơn thế là một nhà báo tâm huyết và yêu cái nghiệp viết lách đến cháy lòng. Nhưng không may, anh bị bệnh trọng và từ giã cõi đời khi đang ở độ chín nhất trong cuộc sống, trong công việc, để lại nỗi đau vô bờ đối với vợ con, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè... Hôm nay, lật trang Báo Hoà Bình mới nhất, không còn tên anh trong số những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của bản báo nữa; không còn tên tác giả Đồng Thế Hưng phía dưới các bài viết... sao thấy trống vắng mênh mang đến nao lòng. Hơn 22 năm với nghiệp báo chí chuyên nghiệp sôi động và thành công, nay sự nghiệp ấy đã dừng lại. Điều xót xa ấy, làm sao những đồng nghiệp ở Báo Hoà Bình có thể cầm lòng được...

 

 

                                                                                     Bùi Huy

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục