Anh Phạm Văn Xuân giới thiệu tác phẩm đá cảnh “ông Di Lăùc ngồi gốc cây bồ đề”.

Anh Phạm Văn Xuân giới thiệu tác phẩm đá cảnh “ông Di Lăùc ngồi gốc cây bồ đề”.

(HBĐT) - Đá vốn là vật vô tri, vô ngôn, nhưng bản thân nó ẩn chứa sức sống diệu kỳ, tựa hồ quả núi hùng vĩ, kiên định, thể hiện linh khí của đất trời. Cùng với sự bào mòn của thời gian, dưới tài năng chế tác của con người, những khối đá vô tri được “thổi” vào đó tâm tư, suy nghĩ và cảm nhận về giá trị nghệ thuật độc đáo. Mỗi tác phẩm đá cảnh giờ đây đã mang ý nghĩa, nét riêng mới lạ, thể hiện tài hoa của nghệ nhân.

 

Tài năng chế tác

 

Nói đến nghề chế tác đá cảnh phải kể đến xóm Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy). Từ những năm 2000, tại xóm đã có một số hộ làm nghề. Cha truyền, con nối, anh em bảo nhau cùng làm, đến nay, cả xóm có 69/230 hộ có xưởng chế tác đá cảnh.

 

Anh Phạm Văn Xuân (xóm Sỏi), một nghệ nhân lâu năm trong nghề cho biết: Cùng với việc mang lại thu nhập cao, nghề chế tác đá cảnh còn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bất cứ ai đã chọn. Không chỉ dùng dụng cụ đục, cắt, gọt để tạo hình dáng cho đá, nghệ thuật chế tác còn đòi hỏi nghệ nhân phải ăn, ngủ cùng đá. Bởi lẽ, không phải khối đá nào cũng tự nó đã có hình, có khối mang giá trị nghệ thuật mà hầu hết chúng được nhập về đều rất thô sơ. Nghệ nhân phải mất hàng tuần, hàng tháng mới tìm ra được ý tưởng tạo hình cho đá. 

 

Tác phẩm đá cảnh hình non bộ thường được chọn trưng bày trước hiên nhà, khuôn viên sân vườn.

 

Từ những tảng đá nguyên khối ban đầu, người ta dùng nước rửa sạch bụi bẩn rồi dùng xà phòng rửa lại một lần nữa. Lúc này, khối đá vừa sạch, vừa trong nhưng vân chưa nổi lên hết. Làm nổi vân đá là khâu quan trọng, vân đá phải nổi rõ thì đá mới đẹp và bóng. Người xưa có câu “ngọc càng mài càng sáng”, các nghệ nhân chế tác đã dùng vecni hoặc dầu ăn đánh vào bề mặt đá, họ bền bỉ đánh cho đến khi nào vân nổi lên, màu đá được đậm nét, bề mặt đá bóng loáng thì khi ấy mới tạm coi là thành công.

 

Sau khi đá được làm sạch, vân nổi lên đậm nét, các nghệ nhân bắt tay vào khâu tạo hình. Đây được coi là khâu quan trọng nhất quyết định đến giá trị của tác phẩm. Căn cứ vào thuyết phong thủy, vào sở thích, quan niệm của con người, đá được tạo tác thành nhiều dáng, nhiều hình. Để làm được công việc này, nghệ nhân đã bỏ ra khá nhiều công sức để nghiên cứu. Mỗi nghệ nhân có những kiểu cách cắt tạo dáng khác nhau, theo con mắt nghệ thuật riêng. Nhưng cuối cùng đều có mục đích là “thổi” vào đá tâm tư, mong ước của con người về cuộc sống phồn thịnh, ấm no và may mắn.

 

Sau khi đã cắt bỏ những tạp chất như vôi, đất bám bên ngoài, người chế tác căn cứ vào màu sắc hoa văn mà cắt tạo dáng tác phẩm theo chủ đề đã chọn. Công đoạn này cần nhất phải có sự tinh anh về mỹ thuật, nghệ thuật... Đáng lưu ý là phải biết chọn đúng thế, đúng dáng đá mà theo đó cắt sửa, tạo sao cho viên đá phô diễn hết vẻ đẹp tiềm ẩn, tránh để những chỗ thừa hoặc khuất tối và làm cho ánh sáng trải đều lên khắp tác phẩm mới được coi là đẹp nhất.

 

Từ những hình thù xù xì, thô ráp, dưới con mắt thẩm mỹ, bàn tay của nghệ nhân, các khối đá ấy đã khoác lên mình một dáng vẻ mới, giá trị mới. Tại xóm Sỏi, các sản phẩm được chế tác chủ yếu là bàn, ghế đá, đắp hòn non bộ, tượng đá nhân vật mang lại may mắn như 3 ông Phúc - Lộc  -Thọ, các con vật thiêng như: nghê, rắn, lân, rùa, hình thù các loại cây, quả... Tất cả những ý tưởng tạo tác đều xuất phát từ những quan niệm rằng đá sẽ mang lại may mắn cho con người. Sau khi hoàn thành tác phẩm, các nghệ nhân tiếp tục vận dụng kiến thức, suy nghĩ để đặt tên cho những đứa con tinh thần của mình. Thông thường, cách đặt tên cho tác phẩm dựa vào các tích cổ, truyện dân gian xưa như tác phẩm “ông Di Lặc ngồi gốc cây bồ đề”, “cóc thiềm thừ”, “thụ lâm bồng thạch”, “cây đa, giếng nước, sân đình”, “cây xương rồng”, “cây tùng cổ”...

 

Và nghệ thuật chơi đá cảnh

 

Theo ông Nguyễn Văn Xiển, một nghệ nhân lớn tuổi ở xóm Sỏi: Đá đẹp phải có đủ bốn tiêu chuẩn: sấu (gầy guộc nhưng phải rắn rỏi), thẩm (gân sớ, nhăn nheo biểu hiện tính cổ lão), lậu (lồi lõm, hang hốc biểu hiện sự thâm u) và thấu (có hang, lỗ thủng xuyên qua biểu thị sự triệt thông - thông suốt). Đá cảnh có đặc điểm không viên nào giống viên nào vì qua sự xói mòn của sóng gió, mưa nắng, địa chấn hàng triệu năm, mỗi viên đá tùy thuộc vào hoàn cảnh thiên nhiên mà có một hình dáng, sắc thái đặc thù. Đá cảnh cũng được phân chia thành các loại: đá tự nhiên là tôn trọng vẻ đẹp của tạo hóa, không có sự can thiệp của bàn tay con người; đá cắt đáy là những viên đá chịu sự tác động của con người làm cho nó hoàn thiện hơn và đá mài là các loại đá được bóc bỏ lớp bên ngoài và đánh bóng tạo hình.

 

Nghệ nhân chế tác phải mất nhiều ngày để tạo dáng cho đá cảnh.

 

Đá cảnh không chịu tác động của con người, mỗi viên đá đều là tác phẩm của tự nhiên. Chính vì thế, đá càng nguyên bản càng độc đáo, càng quý. Ngay từ quá trình khai thác đá, người thợ cũng phải hết sức cẩn thận để có thể giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên của khối đá. Nhìn vào những viên đá với những đường vân có đủ hình thù khác nhau: từ hình mặt người, con vật, cây cối, có những viên đá trông như quả địa cầu thu nhỏ, tất cả đều do vận động của trái đất mà thành. Chơi đá cảnh là một việc không đơn giản, đòi hỏi người chơi phải kiên trì, cần mẫn và tinh tế, phong phú về trí tưởng tượng, có tâm hồn phóng khoáng, có niềm đam mê nghệ thuật và đôi khi phải có điều kiện về kinh tế thì mới thỏa mãn được thú chơi của mình.

 

Những người có đam mê chơi đá cảnh đều có sự hiểu biết nhất định về nghệ thuật đá cảnh. Có người chơi để thỏa mãn niềm đam mê với cái đẹp. Có người chơi với ý nghĩa tâm linh mong muốn mang đến may mắn, phát tài, phát lộc cho gia đình. Với những người chơi đá chỉ để thỏa niềm đam mê nghệ thuật, họ không quá cầu kỳ và không theo một nguyên tắc nào, chỉ là thấy tác phẩm đó đẹp, lọt vào tầm mắt là mua, sưu tầm. Còn với những ai chơi đá theo phong thủy lại cầu kỳ, cẩn thận hơn. Họ sẽ chọn chất liệu, mầu sắc, hình dáng hợp tuổi, hợp mệnh với mình.

 

Chính vì nhu cầu của người chơi nên nghề chế tác đá cảnh ở xóm Sỏi đang ngày càng phát triển. ông Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết: Để duy trì, phát triển số lượng, chất lượng sản phẩm, UBND xã đang tiến hành xây dựng xóm Sỏi trở thành làng nghề chế tác đá cảnh nhằm tạo điều kiện cho các hộ làm nghề thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và khẳng định thương hiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước.

 

 

                                                                                    Nguyễn Hồng

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục