12 ứng viên tham gia tranh cử chức Tổng Thư ký LHQ(Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova - thứ 2 từ trái sang; ông Antonio Guterres - ngoài cùng, hàng dưới)

12 ứng viên tham gia tranh cử chức Tổng Thư ký LHQ(Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova - thứ 2 từ trái sang; ông Antonio Guterres - ngoài cùng, hàng dưới)

Cuộc chạy đua giành chiếc ghế lãnh đạo Liên hiệp quốc đang nóng dần lên sau vòng bỏ phiếu kín không chính thức đầu tiên diễn ra hôm 21-7. Ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đồng thời là cựu lãnh đạo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn đã dẫn đầu cuộc bỏ phiếu này. Nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc.

 

Cơ hội cho nữ giới

Hiện cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng Thư ký Liên hiệp quốc có 12 ứng cử viên, đa số đến từ các nước Đông Âu. Dự kiến, trong tuần này và những tuần tới, đại sứ của 15 nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tiến hành thêm những cuộc bỏ phiếu mới để bầu chọn tân Tổng thư ký LHQ trước kỳ họp Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ diễn ra vào tháng 9 tới. Theo kế hoạch, ứng viên cuối cùng được lựa chọn vào tháng 10 và nhậm chức vào ngày 1-1-2017. Trong các vòng bỏ phiếu, việc chấm điểm cho từng ứng cử viên chạy đua giành vị trí Tổng Thư ký dựa vào các phiếu chọn. Phiếu có 3 lựa chọn là “khuyến khích”, “không khuyến khích” và “không có ý kiến”. Ứng viên Antonio Guterres dẫn đầu trong cuộc đua của 12 ứng viên khi nhận được 12/15 phiếu tín nhiệm để thay thế ông Ban Ki-moon. Đứng vị trí thứ hai là cựu Tổng thống Slovenia, ông Danilo Turk.

 

Đến nay đã có 3 Tổng Thư ký đến từ Tây Âu, 2 người từ châu Phi, 2 người từ châu Á và 1 người từ khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, song chưa có vị Tổng Thư ký nào đến từ Đông Âu. Ngoài yếu tố địa lý, cuộc bầu chọn Tổng Thư ký năm nay còn tính đến cả yếu tố giới tính. Nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi trao quyền lãnh đạo LHQ cho một phụ nữ. Hai nữ ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay là Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova và cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Trong vòng bỏ phiếu không chính thức vừa qua, bà Irina Bokova đã xếp ở vị trí thứ 3 (bà Clark xếp thứ 5), trở thành ứng viên đại diện cho nữ giới đầy tiềm năng nhất trong cuộc đua tranh. Người phụ nữ Bulgaria này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền khoa học, giáo dục thế giới. Bà cũng nhận được sự ủng hộ của Nga khi Mátxcơva ủng hộ một ứng viên đến từ một nước Đông Âu vì đây là khu vực duy nhất chưa có đại diện nào ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo LHQ. Theo giới quan sát, cả hai ứng cử viên này đều có nhiều kinh nghiệm về chính trị và ngoại giao cũng như tầm ảnh hưởng lớn trong các hoạt động của LHQ, nhưng bà Irina Bokova đang nắm lợi thế hơn nhờ là người Đông Âu và đang được Nga ủng hộ mạnh mẽ.

 

Công khai thể hiện năng lực

Theo quy định, tiến trình bầu chọn Tổng Thư ký LHQ diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu kín của HĐBA LHQ và cơ quan nắm quyền lực cao nhất trong thể chế đa phương này sẽ đề cử ứng viên duy nhất để ĐHĐ LHQ thông qua.

 

Điểm mới của tiến trình bầu chọn người đứng đầu LHQ năm nay là 12 ứng cử viên đều phải công khai thể hiện năng lực của bản thân. Theo nghị quyết do ĐHĐ LHQ thông qua hồi tháng 9-2015, toàn bộ 193 quốc gia thành viên đều nhận được thư mời đề cử ứng viên mà họ thấy phù hợp cho cuộc chạy đua vào vị trí này. Sau đó, các ứng cử viên nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm ở các cuộc điều trần. Trong vòng điều trần đầu tiên diễn ra từ ngày 12 đến 14-4-2016, 9 ứng cử viên có 2 giờ để trình bày một bài thuyết trình ngắn và trả lời các câu hỏi để giải quyết một số vấn đề cấp bách toàn cầu, như: thúc đẩy phát triển bền vững, kiến tạo hòa bình, bảo vệ nhân quyền, xử lý các thảm họa nhân đạo lớn và các thách thức trong tiến trình thực thi chương trình phát triển bền vững đến năm 2030. Vòng điều trần thứ hai được tiến hành vào ngày 7-6 để sát hạch thêm 2 ứng cử viên tham gia cuộc đua sau ngày 14-4. Tới ngày 13-7, ĐHĐ LHQ lại tổ chức thêm một cuộc tranh luận không chính thức để ứng cử viên thứ 12 có cơ hội thể hiện năng lực. Tất cả các cuộc điều trần đều được truyền hình và phát sóng trực tiếp từ trụ sở LHQ ở New York (Mỹ).

 

Ngoài ra, các tổ chức xã hội dân sự cũng tổ chức các cuộc thảo luận riêng rẽ với các ứng cử viên để nghe họ trình bày về những kế hoạch mà họ sẽ triển khai nếu như trở thành người đứng đầu LHQ. Các cuộc điều trần và thảo luận nêu trên đã tạo cơ sở để tất cả các quốc gia thành viên LHQ cũng như những người quan tâm trên toàn thế giới có thể đánh giá năng lực của các ứng cử viên.

 

Tuy nhiên, quyết định bầu chọn chức danh Tổng Thư ký LHQ vẫn do 5 ủy viên thường trực HĐBA quyết định. Lịch sử cho thấy quyết định của cơ quan siêu quyền lực này thường bị chính trị hóa, dựa trên những cân nhắc về địa chính trị và các mối quan hệ song phương. Việc ĐHĐ LHQ tổ chức các cuộc sát hạch công khai năng lực của các ứng cử viên đã gây áp lực buộc HĐBA phải đề cử được một nhà lãnh đạo “đủ tâm, đủ tầm” để dẫn dắt LHQ trong bối cảnh diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh này đang phải đối phó với vô số thách thức mới. Chủ tịch ĐHĐ LHQ Mogens Lykketoft đã cảnh báo rằng, nếu HĐBA không đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo các quốc gia thành viên LHQ, thì rất có thể ĐHĐ sẽ phá bỏ truyền thống lâu nay bằng cách không phê chuẩn kiến nghị của HĐBA cho chức danh Tổng Thư ký .

 

 

Mỗi nhiệm kỳ của Tổng Thư ký kéo dài 5 năm. Các Tổng Thư ký thường phục vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tân Tổng Thư ký LHQ sẽ đối mặt với các nhiệm vụ vốn thường trực với tổ chức này là chấm dứt tình trạng đói nghèo, biến đổi khí hậu, xây dựng hòa bình trên thế giới, tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Người này cũng được kỳ vọng sẽ có khả năng cải tổ LHQ đang bị cho là hoạt động trì trệ, kém hiệu quả, đặc biệt trong việc xử lý tình hình chiến sự ở Syria, sự chậm trễ trong việc ứng phó dịch Ebola, hay vụ bê bối liên quan tới lạm dụng tình dục của những binh sĩ gìn giữ hòa bình ở châu Phi.

 

 

                                                                                   Theo SGGP

Các tin khác


Nga: Nước lũ dâng nhanh, trên 125.000 người phải sơ tán

Ngày 16/4, giới chức Nga cho biết mực nước trên các con sông ở khu vực giao giữa dãy núi Ural và Tây Nam Siberia của nước này tiếp tục dâng nhanh, khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân rơi vào cảnh mất điện và phải sơ tán khẩn cấp.

Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục