(HBĐT) - Năm 2016 là năm thứ 8 liên tiếp ngành GD &ĐT Hòa Bình vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD &ĐT vì thành tích dẫn đầu phong trào thi đua. Đóng góp vào thành tích đó là những bông hoa điển hình của ngành đang tiếp tục từng ngày, từng giờ tích cực thi đua dạy tốt - học tốt.

 

Vì thương bố mẹ nên cố gắng học giỏi

 

Đó là chia sẻ từ đáy lòng của Trần Ngọc Đông, học sinh lớp 12A2, trường PTDTNT THPT tỉnh. Bố mẹ Đông đều ở nhà làm nông, thu nhập của cả gia đình em chỉ trông vào mấy mảnh ruộng cấy lúa. Dưới Đông còn có một em trai 5 tuổi. Sự lam lũ của bố mẹ đã nuôi Đông khôn lớn nhưng đồng thời cũng đã dạy cho Đông hiểu rằng “phải học thật giỏi” để sau này có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Quyết tâm đó đã thôi thúc cậu học trò trường huyện thi đỗ vào lớp toán chất lượng cao của trường PTDTNT THPT tỉnh. Ngay từ khi còn học lớp 10, em đã được nhà trường lựa chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 môn tin học. Trong kỳ thi này, đền đáp công lao nuôi dưỡng của bố mẹ và sự quan tâm rèn giũa của nhà trường, Đông đã hết sức nỗ lực và giành được giải nhất cấp tỉnh. Niềm vui tiếp tục vỡ òa khi học lớp 11, em được lựa chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn vật lý lớp 12, và lần này, em lại tiếp tục xuất sắc giành giải nhất. Hai năm liên tục lớp 10 và lớp 11 em cũng đã đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

 

 

Trần Ngọc Đông (ngồi giữa) thường xuyên giúp đỡ các bạn cùng vươn lên trong học tập.

 

Trong năm học lớp 12 này, em có nguyện vọng và quyết tâm đầu tư cho môn học chính của mình là môn toán. Hiện, Đông đang tham gia ôn tập trong đội tuyển học sinh giỏi toán của nhà trường. Em mạnh dạn đặt ra mục tiêu sẽ phấn đấu đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi năm nay. Không chỉ học giỏi, chăm ngoan, Đông còn là tấm gương trong phong trào “đôi bạn cùng tiến” với việc giúp đỡ bạn Bùi Hoàng Việt là học sinh có học lực yếu vươn lên có nhiều tiến bộ trong học tập. Tháng 12/2016 vừa qua, Đông đã vinh dự được lựa chọn tham gia báo công tại Tượng đài Bác Hồ, được Sở GD &ĐT khen thưởng là tấm gương “Người tốt - Việc tốt” tiêu biểu năm 2016.

 

Nặng lòng với con chữ vùng cao

 

Năm 1998, tốt nghiệp Sư phạm, cô Nguyễn Thị Lợi, (trường tiểu học Kim Đồng, huyện Đà Bắc) được phân công về công tác tại trường Tiểu học Tân Dân (trước thuộc huyện Đà Bắc, nay thuộc huyện Mai Châu). Lúc đó, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, đi từ thị trấn Đà Bắc lên xã Tân Dân thuận lợi nhất là đi bằng đường sông, mất khoảng 6h đồng hồ.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Lợi nhận giải nhất Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi

cấp tiểu học năm học 2016 - 2017.

 

Cuộc sống của giáo viên vùng cao là trèo ngược rừng, đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến trường đi học; là bỏ tiền lương mua sách, bút, bánh, kẹo cho các em; là đêm đêm thắp đèn dầu soạn giáo án… Mỗi tháng một lần về nhà mua thức ăn khô dự trữ gồm toàn lạc, cá khô, muối vừng. Từ sự nỗ lực không mệt mỏi, dần dần, cô Lợi đã nhận được sự yêu thương của nhân dân, học sinh. Sau 2 năm công tác tại trường, với mong muốn không ngừng nâng cao, củng cố kiến thức cho bản thân, năm 2000, cô Lợi đã mạnh dạn lái xuồng máy từ Tân Dân xuống thị trấn Đà Bắc thi giáo viên giỏi cấp huyện. Ngay tại kỳ thi này, cô đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Kết quả này của cô Lợi như một luồng gió mới, mang đến nguồn động lực lớn, cổ vũ tinh thần cho đội ngũ giáo viên vùng cao huyện Đà Bắc nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

 

Với thành tích đó, cô Lợi như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục bám trường, bám bản, kiên cường “cõng” từng con chữ lên vùng cao. Liên tục các năm sau đó, cô luôn cố gắng vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn tại trường, vừa tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi. Năm 2006, cô Lợi được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh; liên tục 2 năm 2008 - 2009 cô đạt giải nhì giáo viên giỏi cấp tỉnh; năm 2011, 2012 đạt giải nhất giáo viên giỏi cấp tỉnh; năm 2012 cô Lợi còn vinh dự được tham gia giao lưu giáo viên tiểu học cấp quốc gia. Cô là minh chứng rõ nét cho sự vươn lên không ngại khó của giáo viên vùng cao.

 

Gần đây, cô Lợi được chuyển công tác về giảng dạy tại trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Đà Bắc). Vừa trở về từ Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh với kết quả đạt giải nhất, cô Lợi cho biết: Về công tác tại vùng thuận lợi hơn nhưng tôi vẫn đau đáu với giáo dục vùng cao. Tôi vẫn thường gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với hy vọng có thể “tiếp lửa” cho các bạn giáo viên trẻ đang công tác tại vùng cao. Dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng giáo dục vùng cao vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, thua kém so với vùng thuận lợi. Tôi hy vọng một ngày không xa sẽ được quay trở lại để tiếp tục đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho giáo dục vùng cao.

 

Cô giáo Hiệu trưởng với tấm lòng nhân ái

 

Tết này của mẹ Bùi Thị Ẹm, xóm Má, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) sẽ tiếp tục đủ đầy và ấm áp bởi có sự chăm chút của “con gái” là cô giáo Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hạ Bì. Bà ẹm đã tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh vô cùng khó khăn phải nuôi các cháu nhỏ mồ côi do bố mẹ đã mất. Cảm thương trước hoàn cảnh của mấy bà cháu, cô Hương đã đứng ra nhận đỡ đầu, cưu mang các em; cô còn vận động bạn bè xây sửa nhà cho mẹ, đề nghị các ban, ngành, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ bò giống. Hiện nay, mẹ đã có nhà kiên cố và có 2 con bò để nuôi sinh sản. Từ tấm ân tình ấy, cô Hương đã trở thành con gái của mẹ.

 

Cô giáo Phạm Thị Hương động viên, chia sẻ học sinh nhà trường.

 

Cô Hương chia sẻ: Là con người, trước hết phải có chữ “tâm”, là người giáo viên, người cán bộ quản lý càng cần phải sống có tâm hơn. Ngay từ khi làm giáo viên ở trường Tiểu học Cuối Hạ những năm 2003, tôi đã có nhiều trăn trở do cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn, các em học sinh bỏ học do điều kiện gia đình khó khăn. Tôi đã họp hội đồng sư phạm nhà trường và quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp, nhất là việc huy động nguồn lực xã hội hóa để giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó.

 

Cô Hương đã kết nối với bạn bè, các nhà hảo tâm xây dựng được 4 lớp học tình thương, đầu tư trang thiết bị phòng thư viện, bàn, ghế… cơ sở vật chất của trường; từng bước xây dựng trường Tiểu học Cuối Hạ đạt chuẩn quốc gia.

 

Cô Hương cũng chính là người tiên phong trong phong trào đỡ đầu, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó. Cá nhân cô mỗi năm đã dành ra khoảng 5 triệu đồng để tham gia các hoạt động từ thiện. Cô đã đỡ đầu 13 em học sinh mồ côi. Ngoài ra, cô đã vận động mỗi giáo viên nhà trường tham gia đỡ đầu từ 1 - 2 học sinh nghèo bằng bút, sách, vở, quần áo cũ…

 

Sau khi góp sức xây dựng trường Tiểu học Cuối Hạ đạt chuẩn quốc gia, từ năm học 2016 - 2017, cô Hương được điều chuyển về công tác tại trường Tiểu học Hạ Bì. Tại đây, cô rất trăn trở với việc nhà trường có đến 30% học sinh thuộc diện nghèo. Do đó, ngay từ đầu năm học, cô cùng BGH nhà trường đã có thư ngỏ gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn để kêu gọi sự quyên góp xây lớp học ngoài trời, xây bếp ăn bán trú, mua dù che mưa, nắng cho các em. Kết quả đã vận động được các nhà tài trợ quyên góp hỗ trợ hơn 300 triệu đồng. Các công trình được xây dựng đã mang lại niềm vui, hạnh phúc lớn cho học sinh cũng như nhân dân, phụ huynh trên địa bàn. Tấm lòng của người Hiệu trưởng đang tiếp tục có sức lan tỏa, làm đẹp thêm vườn hoa sắc hương của ngành GD &ĐT.

 

 

                                                                 Dương Liễu

 

 

 

 

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục