((HBĐT)- Có một điều đặc biệt, vào đúng 11h30 ngày 30/4/1967, bằng loạt đạn súng trường, dân quân du kích xã Mường Chiềng (Đà Bắc) đã bắn hạ một chiếc máy bay phản lực F4H của không quân Mỹ khi chúng vừa ném bom trở về. Trong 4 đội viên du kích trong trận bắn rơi máy bay năm xưa, người còn, người mất. Thế nhưng, ký ức hào hùng của ngày 30/4 trên đất Mường Chiềng vẫn còn vẹn nguyên như khi cách đây 50 năm...

 

Cụ Xa Văn Ăng - người trực tiếp tham gia trận đánh bắn cháy máy bay F4H của Mỹ trên bầu trời Mường Chiềng vào trưa ngày 30/4/1967 kể lại ký ức hào hùng cho con cháu.

 

Theo sử liệu thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của tỉnh, chiếc máy bay mà dân quân du kích xã Mường Chiềng bắn rơi vào trưa ngày 30/4/1967 là chiếc máy bay F4H vô cùng hiện đại của không quân Mỹ. Đáng nói hơn, đây chính là chiếc máy bay thứ 3 bị dân quân du kích bắn rơi trên bầu trời Hòa Bình.

 

Trở lại Mường Chiềng cùng với khí thế hào hùng của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì ngày 30/4 vẫn luôn là ngày đặc biệt ở xã vùng cao này. Nói như đồng chí Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng: Ngày 30/4 luôn là một ngày đặc biệt ở Mường Chiềng. Nó không chỉ là niềm vui của ngày toàn thắng, thống nhất đất nước mà còn là mốc son sáng chói của quân và dân địa phương đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

 

Theo sự chỉ dẫn của đồng chí Chủ tịch UBND xã và sự dẫn đường của cán bộ LĐ-TB&XH xã Hà Văn Cốt, chúng tôi tìm đến nhà cụ Xa Văn ăng. Căn nhà sàn nằm chênh chếch sườn đồi ở cuối xóm Bản Hạ từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của giới trẻ ở Mường Chiềng và những xã lân cận. Bởi trong ngôi nhà sàn này, cụ Xa Văn ăng luôn là người “thắp lửa” cho lớp trẻ nghe về chiến công “vô tiền, khoáng hậu” của dân quân du kích xã Mường Chiềng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước: bắn rơi máy bay phản lực hiện đại nhất của không quân Mỹ lúc bấy giờ chỉ bằng một loạt đạn súng trường. Theo giới thiệu của anh Hà Văn Cốt, hiện nay, cụ ăng đã ngoài 90 tuổi, là người duy nhất trong tổ du kích bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Mường Chiềng còn sống. Cụ ăng chính là người trực tiếp nổ súng làm chiếc máy bay phản lực F4H của địch bốc cháy như một bó đuốc trên bầu trời Mường Chiềng.

 

Ngoài 90 tuổi, cụ ăng yếu rồi nhưng khi gợi lại ký ức về trận đánh năm xưa, trong mắt cụ dường như có lửa. Ngồi quây quần bên bếp lửa, cụ ăng kể: Tôi còn nhớ, hôm đấy là ngày 30/4/1967, tổ dân quân du kích xóm Bản Hạ gồm có 5 anh em vừa lên trực chiến tại trận địa đồi Ranh thì xuất hiện một tốp máy bay địch gồm 3 chiếc vừa đi ném bom Hà Nội về. Chúng cứ lừng lững như con trâu mộng gầm rú, nối nhau bay theo sườn núi để trở về căn cứ, trong đó có 1 chiếc bị lưới lửa phòng không của ta bắn bị thương. Khi phát hiện thì máy bay địch vẫn còn ở khoảng cách xa. Ngay lập tức anh em vào vị trí chiến đấu. Lúc đầu những chiếc máy bay chỉ là chấm nhỏ, rồi chúng lớn dần bằng con chim, con mèo. Đợi đến khi chúng “to” bằng con mèo thì chúng tôi nổ súng. Ngắm vào chiếc đi đầu nhưng loạt đạn súng trường của tổ dân quân du kích đã bắn trúng chiếc đi thứ 2. Trúng đạn, trong tích tắc chiếc máy bay bốc cháy. Cái đi đầu và cái đi sau hoảng sợ, vọt lên cao rồi  bỏ chạy. Ngay sau khi máy bay rơi, chúng tôi về báo cáo với lãnh đạo địa phương và tổ chức truy bắt giặc lái. Giữa rừng núi hoang vu, rậm rạp, phải mất 2 ngày mới lần tìm theo dấu vết, vừa phải chiến đấu chống lại những chiếc máy bay địch quần thảo trên bầu trời để giải cứu phi công, chúng tôi mới bắt được tên giặc lái khi đang lẩn trốn trong hốc cây cổ thụ.

 

 Kể lại chiến công bắn rơi chiếc máy bay F4H trên bầu trời Mường Chiềng năm xưa, cụ Xa Văn ăng như phấn khích hẳn lên: Ngày ấy nghe thấy tiếng máy bay mình cũng sợ lắm nhưng mình vẫn phải đánh vì nó đến cướp nước thì mình phải đánh lại.

Chẳng biết về sau có phải do sợ lưới lửa phòng không tầm thấp của lực lượng dân quân du kích xã Mường Chiềng mà sau mỗi lần đi ném bom trên đường trở về, máy bay Mỹ thường bay vút cao lên bầu trời, tránh xa lưới lửa phòng không tầm thấp. “Sau lần ấy, chúng nó sợ không dám bay thấp nữa. Đồng chí Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả xã có 60 người con ưu tú lên đường ra trận. Trong đó có 9 liệt sỹ, 6 thương, bệnh binh và nhiều người bị nhiễm chất độc hoá học. Đáng nói, trong 9 liệt sỹ có con trai của cụ ăng là liệt sỹ Xa Văn Hạc, hy sinh năm 1977 tại mặt trận phía Nam. Ngoài ra, trong  60 người con của Mường Chiềng vào Nam chiến đấu cũng có nhiều người được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Phát huy tinh thần đó, liên tục trong những năm qua, Mường Chiềng luôn là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong thực hiện, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, đảm bảo 100% chỉ tiêu giao quân, có chất lượng tốt. Những CCB năm xưa luôn phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền ở cơ sở, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Xã xuất hiện những tấm gương làm kinh tế giỏi như CCB Xa Văn Tôn ở xóm Nà Mười, CCB Vì Văn Rón ở xóm Chum Nưa...

 

 

                                                                    Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục