(HBĐT) - Chẳng biết được hình thành tự bao giờ, chữ viết của người Tày cổ cứ thế lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại đến ngày nay. ở tỉnh ta, người Tày tập trung đông nhất ở huyện Đà Bắc, chiếm 40,75%. Tại nơi đây, những con người mang trong mình dòng máu của dân tộc Tày với lòng đam mê cùng nhiệt huyết và sự “thai nghén” đang từng ngày duy trì và phát huy giá trị của bộ chữ Tày cổ ấy.

 

Dành cả đời cho tình yêu với chữ Tày cổ

 

 “Trải qua thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi là một trong số những người biết đọc và viết chữ Tày cổ may mắn sống sót. Thời đó, hễ cứ ai biết đọc, biết viết chữ Tày là bị giặc Pháp xử tử. Tôi phải giấu mình, vờ như không biết đến bộ chữ ấy mới thoát được án tử” - cụ Sa Văn Mắn (91 tuổi), xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) chia sẻ. Cụ nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc và là người cao tuổi nhất còn đọc thông, viết thạo chữ Tày cổ hiện nay. ở tuổi xưa nay hiếm, đôi chân cụ không còn nhanh nhẹn như thời còn trẻ, thế nhưng sự minh mẫn và trí nhớ của cụ khiến chúng tôi thực sự ấn tượng. Những câu chuyện gắn liền với bộ chữ Tày cổ được kể tường tận không sót một chi tiết dù là nhỏ nhất, chốc chốc, cụ lại nhấp chén trà nóng như để “tưới” cho đôi môi khô cằn của tuổi tác. Năm 1979, cụ bắt đầu lưu giữ những cuốn sách bằng chữ Tày cổ như sách ghi chép ngày lành tháng tốt, sách kể các câu chuyện ngụ ngôn… Trong đó, quý giá nhất là những cuốn “Mộc sơn động Chiềng Đà” và cuốn gia phả các dòng họ người Tày ở Đà Bắc “Lịch sử dòng họ Xa Khăm”. Hàng chục năm trôi qua, sách được cụ bảo quản cẩn thận và nâng niu như một vật báu nên vẫn còn nguyên vẹn, rõ chữ. Theo cụ Mắn, giá trị văn hóa của người Tày được thể hiện rõ nét qua từng con chữ, vì vậy, ngay trong công việc gia đình hay việc chung của làng, xóm, cụ vẫn thường sử dụng nội dung của sách áp dụng vào thực tế. Chẳng hạn như trong việc cưới, việc tang, cụ thường chọn ngày, giờ đẹp thông qua nội dung trong sách ngày lành tháng tốt đã ghi; hay gần đây nhất, cụ dịch ra tiếng Kinh từ cuốn lịch sử vùng đất Mường Chiềng “Mộc sơn động Chiềng Đà” để phục vụ cho lễ hội Cầu Mường đang được khôi phục và dự kiến tổ chức vào dịp ra tết. Với cụ, sách không chỉ là bạn, là thầy, mà còn là giá trị văn hóa của cả một dân tộc.

 

 

 Ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc) giới thiệu với chúng tôi những cuốn sách quý được ghi chép bằng chữ Tày cổ mà ông đang lưu giữ.

 

Cùng chung quan điểm đó, ông Xa Văn Chấm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Chum (Đà Bắc), một trong số những người hiếm hoi ở xã đến nay còn đọc và viết thành thạo chữ Tày cổ, giới thiệu với chúng tôi về một cuốn sổ nhỏ chỉ bằng nửa gang tay người lớn, ông cho biết: “Đó là cuốn sổ tay được ghi chép bằng chữ Tày cổ nói về vận may năm mới, tiếng Tày gọi là “Siềng Trang”. Những nội dung ghi trong trang vừa đọc chính là điềm báo của năm mới”. Xuất phát từ niềm đam mê với chữ Tày cổ, ông Chấm đã học đọc, học viết từ năm 14, 15 tuổi từ các chú, bác trong gia đình. “Tôi luôn mong muốn phong trào học chữ ở con em dân tộc Tày được phát động mạnh mẽ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của người Tày ở Đà Bắc nói riêng và toàn tỉnh nói chung”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Chum gửi gắm.

 

Ngoài cụ Mắn, ông Chấm, ở Đồng Chum còn có ông Xa Văn Thế, ông Lường Đức Chôm ở xã Trung Thành… với niềm đam mê trên từng con chữ dành tâm huyết cả đời để bảo tồn, lưu giữ và truyền bá giá trị văn hóa quý báu này.

 

Truyền thụ và tiếp thu chữ Tày cổ - xuất phát từ đam mê

 

 “Dù làm bất kể việc gì cũng cần phải có đam mê và nhiệt huyết thì mới thành công, học chữ Tày cổ cũng vậy. Đây là loại chữ luận nên rất khó học, nếu không hết lòng vì cái chữ thì khó theo đuổi lắm, đặc biệt là người trẻ”, ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng (Đà Bắc) khẳng định. ông Hùng là con trai của Cụ Sa Văn Mắn, may mắn được tiếp thu tinh hoa chữ Tày cổ từ người cha năm 1987, ông luôn đau đáu trong lòng ước muốn được truyền bá rộng rãi chữ Tày đến đồng bào dân tộc Tày của địa phương. Chính vì vậy, từ năm 2013 đến nay, tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Mường Chiềng đã mở 6 lớp dạy chữ Tày cổ miễn phí cho 150 lượt người tham gia. “Người tham gia học chữ Tày cổ đều xuất phát từ đam mê với sự hấp dẫn trên từng con chữ, người dạy cũng mong muốn được truyền thụ tất cả những tinh túy chữ viết của dân tộc đến đồng bào mình. Vì vậy, cả thầy và trò chúng tôi đều hăng say, vui vẻ mỗi buổi lên lớp. Bất kể tuổi tác, người đăng ký học nhiều tuổi nhất đã 75 tuổi, người nhỏ nhất mới 11 tuổi. Thế nhưng lớp học bao giờ cũng rôm rả vì mọi người đều cùng chung suy nghĩ: học chữ mình để biết mà bảo vệ văn hóa dân tộc mình không bị mai một”, thầy Sa Đức Hoạt, người trực tiếp giảng dạy chia sẻ. Lớp học của thầy Hoạt thường sáng đèn vào buổi tối những ngày cuối tuần, trung bình 3 tháng là kết thúc một khóa học. “Qua giảng dạy trực tiếp, đến nay đã có khoảng 30 người có thể đọc viết chữ Tày cổ, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít thì dạy người chưa biết, điều này chính là động lực giúp những người làm thầy “miễn phí” như chúng tôi kiên trì theo đuổi ước mơ khôi phục và truyền bá rộng rãi chữ viết Tày cổ”, thầy Hoạt tâm sự.

 

Buổi học ban đêm của lớp học chữ Tày cổ được dạy miễn phí tại Nhà văn hoá xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng (Đà Bắc).

 

Cũng là một người thầy dạy chữ bằng lòng nhiệt huyết, ông Xa Văn Thế (85 tuổi), xóm Nhạp 2, xã Đồng Chum đã mở lớp học tương tự cho những người đam mê bộ chữ này vào năm 2006, khi đó có 25 người theo học. Không nói đâu xa, con trai ông là anh Lường Văn Thịnh, hiện là Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Đồng Chum cũng theo cha học chữ từ năm 2014.  Trước đó, anh học chữ Tày Thái rồi chuyển sang chữ Tày cổ, nay đã có thể đọc thông viết thạo cả hai loại chữ đó. Ngoài giờ học bổ ích, cũng có những thanh niên vì yêu thích chữ Tày cổ mà tự tìm thầy để học, như anh Xa Văn Liệng, Vì Văn Ngường (xóm Mới 1) đã chủ động tìm đến ông Xa Văn Chấm để theo học. Anh Lường Văn Thịnh chia sẻ: “Học chữ Tày cổ khó hơn hẳn chữ Tày Thái do chưa thống nhất được một bộ chữ chuẩn. Tuy nhiên, với mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc và suy nghĩ “là người Tày thì phải biết chữ Tày” đã thôi thúc tôi mày mò tìm tòi, học hỏi bằng được cách đọc, cách viết chữ Tày. Việc học chữ là cần thiết, cũng là cấp thiết trong thời kỳ hội nhập ngày nay để thế hệ trẻ như chúng tôi có thể hiểu và lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”.

 

                                                                              

                                                                      Thanh Sơn

 

 

 

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục