(HBĐT) - Sống ở thành phố bên sông Đà và hưởng lợi từ công trình thế kỷ - thủy điện Hòa Bình, tôi những mong một ngày được ngược dòng sông Đà lên Tây Bắc để tận mắt ngắm cỗ máy bê tông, cốt thép thứ 2 đặt ở bến Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - Nhà máy thủy điện Sơn La và rồi tôi đã được thỏa nguyện. Đứng trên mặt đập thủy điện Sơn La, ngắm mặt hồ mênh mông sóng nước, nghĩ về sông Đà với tầm vóc mới, sứ mệnh mới…, tôi cảm nhận rõ hơn sức mạnh từ bàn tay, khối óc của con người.

 

Dòng sông năng lượng  

Sông Đà vốn là con sông hung dữ, hiểm ác, nói như nhà văn Nguyễn Tuân: “… Người ở ven sông, ven suối Tây Bắc là người lành nhưng con  sông Đà thì nhiều vực xoáy, nhiều luồng chết, nhiều đá ghềnh, nhiều dòng thác. Lụt sông Đà, xác hươu nai cùng với gỗ trò vẩy, gỗ trò hoa ầm ầm lao trên dòng trôi. Con sông đã ác như dì ghẻ, chúa đất chia bến, ngăn sông càng làm cho sông Đà ác thêm. Đế quốc đóng đồn bốt ven sông, tính dữ ác của con sông lại tăng thêm mấy tầng…”. Bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với tổng chiều dài hơn 910 km có tên gọi Lý Tiên Giang, sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km được ví như là con sông mẹ ở khu vực Tây Bắc. Lưu lượng nước lớn, bởi vậy, sông Đà sớm được coi như “nguồn vàng trắng” của đất nước để sau này bằng bàn tay, khối óc của con người đã trị thủy để kiến tạo thành dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam với hàng loạt hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...  

Thủy điện Hòa Bình, công trình đầu tiên biến dòng sông Đà hung dữ thành dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam.

 

Được khởi công xây dựng vào tháng 11/1979, khánh thành đưa vào sử dụng tháng 12/1994, Nhà máy thủy điện Hòa Bình với 8 tổ máy,  tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, được biết đến là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất nước, là “nhạc trưởng” của hệ thống lưới điện Việt Nam. Từ đó, thủy điện Hòa Bình đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định hệ thống lưới điện quốc gia. Hơn 10 năm sau đó, tháng 12/2005, Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng tại bến Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Sau 8 năm xây dựng, đến tháng 12/2012, công trình đã hoàn thiện tổ máy cuối cùng, khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhà máy thủy điện Sơn La có 6 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, cho sản lượng điện bình quân 10 tỉ kWh. Hiện tại, Thủy điện Sơn La đang giữ vị thế là nhà máy điện có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Đúng vào giai đoạn Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành những phần việc cuối cùng, vào đầu năm 2011, Thủy điện Lai Châu được khởi công xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Nặm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của Thủy điện Sơn La. Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670, 8 triệu kWh. Công trình đã phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2015 và tháng 6/2016 phát điện tổ máy số 2. Được con người kiến tạo dòng chảy đặt cho tên gọi mới, “Dòng sông năng lượng”, “Dòng sông ánh sáng”… và mang trên mình sứ mệnh mới, sông Đà bớt hẳn vẻ dữ dằn, hung ác như xưa mà đã khoác lên mình diện mạo mới êm đềm, thơ mộng.

 

Nguồn sống sinh xôi

 

Vẫn dòng nước ấy, xanh màu ngọc bích vào mùa xuân và đỏ lừ vào mùa hạ, nhưng nay dòng sông Đà trở thành nguồn “vàng trắng” của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT -XH, của 3 tỉnh, tạo động lực cho vùng Tây Bắc từng bước xóa đói - giảm nghèo và cung cấp nguồn lợi cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bởi, việc trị thủy hoàn toàn dòng sông Đà hung dữ để các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, không chỉ để cung cấp nguồn điện năng mà còn góp phần điều tiết, khai thác tối đa lợi ích của nguồn nước ngọt phục vụ cắt lũ mùa mưa, tưới tiêu vào mùa khô và cung cấp nước sạch cho Thủ đô Hà Nội. Trong đó, Thủy điện Hòa Bình ngoài nhiệm vụ tham gia chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ với tần suất trung bình mỗi năm từ 5 đến 7 trận lũ còn đảm bảo chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ với gần 834.000 ha đất nông nghiệp vụ đông xuân.

 

Việc đắp đập, ngăn sông để xây dựng các công trình thủy điện cũng đã kiến tạo nên vùng lòng hồ đẹp, thơ mộng, tiềm năng để phát triển kinh tế.  Hồ Hòa Bình trên công trình Thủy điện Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Với tiềm năng, lợi thế đặc thù, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, đặt mục tiêu: Đến năm 2020, khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1/12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

 

Năm nào tôi cũng có đôi lần được du ngoạn, khám phá du lịch vùng lòng và chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán mà luôn có cảm giác như lần đầu được chiêm ngưỡng cảnh sắc nơi đây vậy. Bởi, hồ Hòa Bình  như bức tranh thủy mặc, được ví là Hạ Long thứ 2. Núi tiếp núi hùng vĩ, rừng thăm thẳm hoang sơ. Ven hồ là những hang động kỳ thú, trầm tích ngàn năm. Hai bên là núi trùng điệp, rừng bạt ngàn. Các đảo lớn, nhỏ: đảo Ngọc, đảo Dừa, đảo Robinson… và những hang động kỳ thú động Thác Bờ, động Hoa Tiên… luôn tạo cảm hứng cho những du khách thích du lịch khám phá. Điểm nhấn trong tuyến du lịch  vùng Lòng Hồ là di tích lịch sử, văn hóa đền Thác Bờ, mỗi năm đón hàng vạn du khách thập phương.

 

Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được quy hoạch trên địa bàn 17 xã thuộc các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Diện tích vùng trung tâm được xác định khoảng 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước) thuộc các xã nằm trong khu vực từ đảo Sung - Thung Nai - Ngòi Hoa. Về xây dựng các sản phẩm du lịch, quy hoạch xác định ưu tiên phát triển loại hình lưu trú homestay tại các bản du lịch cộng đồng, phát triển loại hình nghỉ dưỡng cao cấp khách sạn 3 - 5 sao, nghỉ dưỡng nổi. Phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực, khai thác món ăn truyền thống, đặc sản của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số trong vùng. Phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng cao cấp tại một số phân khu...

 

Chung một dòng sông, những công trình điện thế kỷ  được bàn tay, khối óc con người kiến tạo nên trên dòng sông Đà đã trở thành biểu tượng sinh động cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Tạo mạch nguồn, sức sống cho người dân vùng Tây Bắc hôm nay.

 

                                                                         Thúy Hằng 

 

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục