(HBĐT) - Thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) “đứng ngồi trên lửa” khi ớt đã vào thời điểm chín rộ mà việc thu mua của công ty không đều. ớt chín đỏ rụng đầy ruộng. Nhiều hộ đành ngậm ngùi nhổ ớt để đầy gầm nhà sàn. Có hộ thì chất đống bờ rào để lấy đất cấy lúa. Tiền thu được theo tính toán của một số hộ không bõ công trồng và chăm sóc.

 

Đỏ mắt ngóng người mua ớt

 

Vốn là xã thuần nông, quỹ đất sản xuất hạn chế (bình quân mỗi khẩu  khoảng 300 - 400 m2), vì vậy, ngoài 2 vụ cấy lúa chính, nông dân xã Liên Vũ đều tận dụng đưa các loại rau, đậu, ngô, bí, dưa... vào canh tác. Vụ đông 2016, doanh nghiệp tư nhân xuất nhập khẩu nông sản Phú Sĩ, địa chỉ tại thôn Làng Sen, xã Định Bình, huyện Yên Định (Thanh Hoá) đã ký hợp đồng với UBND xã Liên Vũ đưa cây ớt vào trồng và thu mua. Theo sự vận động của xã, gần 100 hộ ở 5 xóm: Chiềng, Cả, Cháy, Côm và Beo đã trồng hơn 4 ha.

 

Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, doanh nghiệp (DN) sẽ đầu tư ứng trước vật tư gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng thời điểm sâu bệnh; phối hợp với xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi kết thúc thời vụ thu hoạch và quan trọng nhất là công ty chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích hơn 4 ha với giá tối thiểu 5.000 đồng/1 kg, cao điểm 8.000 đồng/kg. Công ty cũng cam kết đây là giá ổn định trong suốt thời vụ sản xuất kể cả giá thị trường có xuống thấp.

 

 

Chờ không có người đến thu mua, gia đình anh Bùi Văn Khải, xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) phải nhổ ớt về chất ở sân nhà để lấy đất cấy lúa kịp thời vụ.

 

Theo phản ảnh của các hộ trồng ớt, từ ngày 12/12/2016, nông dân xã Liên Vũ bắt đầu vào vụ thu hoạch ớt. Trong tháng 12, DN đến thu mua được 3 đợt ớt xanh với giá 8.000 đồng/kg nhưng chỉ đợt 1 được trả tiền. Suốt tháng 1/2017, ớt chín đỏ nhưng DN không đến thu mua. Vì gần vào thời điểm cấy vụ chiêm xuân, bà con trong xã hoang mang không biết nên giữ lại ớt chờ bán hay nhổ đi để làm đất cấy lúa.

 

Xóm Chiềng có 6 hộ tham gia trồng ớt với diện tích gần 1 ha. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng ớt chín đỏ, ông Bùi Văn Ninh, trưởng xóm Chiềng không khỏi bức xúc: Cứ tưởng được xã đứng ra định hướng trồng, đấu mối, ký hợp đồng với DN, lại được đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm là “chắc ăn”, nhiều nhà đã bỏ ngô trồng ớt. Khi ớt  chín rộ, với giá thu mua 8.000 đồng/ kg, nếu DN thu mua đều thì so với trồng lúa hay trồng ngô sẽ không lỗ. Nhưng không hiểu sao suốt tháng 1, DN ngừng thu mua coi như chúng tôi “công cốc”.

 

Lật giở từng trang sổ ghi chép theo dõi việc trồng ớt, ông Ninh cho biết: Nhà tôi tham gia trồng 700 m2 ớt ở đất bãi với khoảng 2.000 gốc, tiền giống và phân hết khoảng 1,6 triệu đồng. Đợt 1 và đợt 2 nhà tôi bán 269 kg được 1,4 triệu đồng, chưa đủ tiền giống và phân. Đợt 3 và đợt 4 bán 136 kg nhưng công ty không trực tiếp lên thu mua mà nhờ người ở xã Tân Mỹ lên mua và chưa trả tiền. Lý do đưa ra là số lượng ít nên DN nhờ thương lái thu gom hộ. Với cách thu mua như này không biết bao giờ DN trả tiền nên chúng tôi không dám hái bán. Giờ DN không thu mua, lời đâu chẳng thấy, có muốn thu hồi tiền vốn bỏ ra cũng khó.

 

Cùng chung tâm trạng như ông Ninh, ông Bùi Văn Vị, hộ trồng ớt xóm Chiềng chia sẻ: “Mọi năm vụ đông gia đình tôi trồng ngô cũng thu được vài triệu. Nhưng theo vận động của xã và tính toán của DN trồng ớt cho lợi nhuận hơn nên gia đình tôi trồng hơn 500 m2. Bán 2 lần đầu được gần 100 kg nhưng không được trả tiền, nên gia đình tôi không bán nữa mà nhổ bỏ chất đầy ngoài hàng rào để lấy đất trồng ngô vụ xuân”. Hộ anh Bùi Văn Khải trồng hơn 9.000 cây ớt trên diện tích ruộng 3.000 m2. Vì không thấy DN đến thu mua, gia đình anh phải nhổ bỏ để lấy đất cấy lúa cho kịp thời vụ.

 

Doanh nghiệp trả lời: Vẫn tiếp tục thu mua

 

Trao đổi với ông Bùi Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Liên Vũ được biết: Theo hợp đồng đã ký giữa UBND xã với DN tư nhân xuất - nhập khẩu nông sản Phú Sĩ thì DN sẽ đầu tư giống và phân bón cho nhân dân với giá trị hợp đồng 50 triệu đồng và thu mua liên tục hết tháng 2 với giá tối thiểu 5.000 đồng/kg, kể cả khi giá thị trường xuống thấp 2.000 - 3.000 đồng/kg. Những đợt đầu, để khuyến khích bà con, DN thu mua với giá 8.000 đồng/kg và trả tiền nghiêm túc. Nhưng trên thực tế, do nhiều cây chết, năng suất sản lượng không đạt như mong muốn, DN mới thu mua được khoảng 30 triệu đồng tính theo giá trị hợp đồng vẫn chưa đủ nên DN chưa trả tiền. Hiện, DN vẫn nhờ người trung gian thu mua ớt cho bà con với giá 5.000 đồng/kg.

 

Đem những bức xúc của nông dân trồng ớt xã Liên Vũ chia sẻ với đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn, được biết: Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết tiêu thụ nông sản giữa DN với nông dân được huyện khuyến khích. Việc liên kết trồng ớt ở Liên Vũ huyện có nắm được thông tin nhưng DN trực tiếp ký hợp đồng với xã nên huyện chỉ tư vấn với xã khi ký hợp đồng phải có những điều khoản chặt chẽ bảo vệ quyền lợi của bà con, tránh trường hợp DN có những mánh khoé gây thất thiệt cho người nông dân.

 

Trước những ý kiến của người dân, ông Nguyễn Văn Sĩ, Giám đốc DN cho biết: Trên thực tế, DN có thông báo thu mua ớt theo từng đợt ớt xanh và ớt chín nhưng người dân không hợp tác. Vì chúng tôi ký hợp đồng làm việc với xã chứ không phải làm việc với từng hộ dân, nên chỉ có trách nhiệm thanh toán với xã. Đến nay, DN mới thu mua được gần 10 tấn ớt, chưa đủ sản lượng theo giá trị đầu tư trong hợp đồng. Quan điểm của DN là vẫn tiếp tục thu mua ớt cho người dân kể cả ớt chín đã nhổ với giá 5.000 đồng/kg.

 

Thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa có lợi cho cả hai phía: hộ nông dân và doanh nghiệp. Đối với nông dân, đây là lời giải cho đầu ra của sản phẩm nông sản với giá cả ổn định và được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong sản xuất. Mong rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp và nông dân cần “bắt tay” thật chặt trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Thế nhưng, việc ký hợp đồng rồi thu mua đứt quãng của DN gây khó khăn cho người dân trồng ớt xã Liên Vũ. Vòng sinh trưởng của cây ớt chỉ hơn 4 tháng, nếu một đợt quả chín rộ không kịp thu mua thì coi như bao nhiêu công sức, lời lãi của bà con mất hết... những thất thiệt của người nông dân là điều khó tránh khỏi.

 

Người nông dân vùng thuần nông đã quen với sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên khi vận động chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa không hề dễ. Một khi thiệt hại đến thu nhập, mất lòng tin của người dân thì khi có một loại cây trồng muốn phát triển thành cây hàng hóa, việc vận động bà con chuyển đổi sẽ rất khó. Đấy cũng là sự trăn trở của đội ngũ lãnh đạo xã Liên Vũ.

 

                                                                              Đinh Thắng

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục