(HBĐT) - Chỉ có 2 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác cát lòng sông Đà tại xã Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, “cát tặc”, “sỏi tặc” vẫn cắm vòi hút xuống các lòng sông từ huyện Kim Bôi, Mai Châu đến TP Hòa Bình... Điều này không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường, giao thông đường thủy, sạt lở bờ sông.

 

Tàu cuốc neo đậu ở phía bờ sông Đà thuộc xã Trung Minh (TP Hòa Bình).ảnh chụp ngày 23/3/2017.

 

Đến nay, có Công ty TNHH Hùng Yến và Công ty CP Khai thác khoáng sản Sahara được tỉnh cấp phép khai thác cát lòng sông Đà tại huyện Kỳ Sơn trong 24 năm, mức sâu + 4 m. Trong đó, Công ty Hùng Yến được phép khai thác cát tại xã Hợp Thành bắt đầu từ năm 2014, công suất 27.000 m3/năm, diện tích 20 ha. Công ty Sahara được khai thác cát tại xóm Thông, xã Hợp Thịnh bắt đầu từ năm 2015, công suất 230.000 m3/năm, diện tích 75 ha. Khu vực khai thác có tọa độ xác định cụ thể, được thể hiện trên bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tỷ lệ 1:5.000. Doanh nghiệp phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông tại huyện Kim Bôi, Mai Châu, TP Hòa Bình...  đã và đang diễn ra bất chấp sự vào cuộc của lực lượng chức năng.

 

 Từ đầu năm đến ngày 15/3, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 3 vụ khai thác cát, sỏi trái phép. Cụ thể, ngày 15/3, tổ công tác phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp bắt quả tang liên tiếp 2 vụ khai thác cát trên sông Bôi, địa phận xóm Mỵ, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) do Quách Công Bằng và Quách Công Văn làm chủ nhóm, thu giữ 1 ô tô tải, 2 máy nổ, 1 máy xúc. Ngày 9/1, tổ công tác phòng Cảnh sát Kinh tế bắt quả tang Nguyễn Thành Chung khai thác cát trái phép tại hạ lưu sông Đà, địa phận xã Yên Mông (TP Hòa Bình), chuyển Sở TN&MT xử phạt 30 triệu đồng. Trước đó, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã bắt quả tang nhiều vụ. Điển hình như ngày 23/12/2016, tổ công tác phòng Cảnh sát Kinh tế bắt quả tang Nguyễn Văn Lập khai thác cát trái phép trên sông Mã thuộc xã Vạn Mai (Mai Châu), đối tượng bị xử phạt 30 triệu đồng. Trong tháng 4/2016, một tàu khai thác cát trái phép tại xã Yên Mông bị bắt và UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng. 

 

Từ năm 2016 đến nay, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực hạ lưu sông Đà địa phận TP Hòa Bình vẫn diễn biến phức tạp. Dù khu vực này cơ quan chức năng không cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khai thác nhưng tàu cuốc vẫn cắm vòi hút xuống lòng sông. Trong suốt tháng 8 - 9/2016, phóng viên trực tiếp ghi được hình ảnh, video 2 tàu khai thác sỏi tại khu vực giáp ranh giữa phường Thịnh Lang và Tân Hòa. Hoạt động khai thác chủ yếu diễn ra từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau. Khi Báo Hòa Bình và một số phương tiện thông tin đại chúng đăng thông tin, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng vào cuộc. Sau đó, tình trạng khai thác sỏi trái phép chấm dứt. Tuy nhiên, theo nắm bắt thực tế của phóng viên, đến ngày 23/11/2016, hai tàu cuốc hoạt động trái phép trở lại tại khu vực trên. Theo phản ánh của người dân phường Thịnh Lang và Tân Hòa, tàu hút sỏi hoạt động từ đó đến thời điểm giữa tháng 3/2017 thì tạm ngừng. Quan sát của phóng viên ngày 23/3, khu vực hạ lưu sông Đà địa phận giáp ranh giữa 2 phường trên có 3 tàu cuốc đang neo đậu ở phía bờ sông thuộc xã Trung Minh. Nhiều người dân cho rằng, mỗi khi có đợt ra quân hay chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, các chủ tàu tạm ngừng hoạt động, “nằm” chờ cơ hội khi lực lượng chức năng “chùng” xuống lại tiếp tục.

 

Lãnh đạo thành phố, huyện, tỉnh đã nắm được tình trạng và có các biện pháp chỉ đạo ngăn chặn. Ngày 31/10/năm, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1432 về việc “giải tỏa, ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông Đà”. Yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND TP Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ tàu, thuyền, phương tiện hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép. Kiên quyết giải tỏa việc neo đậu trái phép các tàu cuốc, xà lan tại khu vực hạ lưu đập thủy điện nếu không đủ điều kiện theo quy định. Đặc biệt, xử lý chấm dứt việc các phương tiện neo đậu trên lòng sông gây cản trở giao thông đường thủy, lợi dụng để có cơ hội khai thác cát, sỏi trái phép.

 

Sở TN&MT liên tiếp trong tháng 6, 10, 11/2016 ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp luật. Yêu cầu 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đúng theo giấy phép. Sở đã công bố số điện thoại đường dây nóng 0888.363.866 để cán bộ, nhân dân biết, phản ánh. Qua cuộc gọi của nhân dân đã tổ chức phối hợp kiểm tra, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết. Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, tàu thuyền neo đậu gây cản trở giao thông, ngày 23/11/2016, Sở đã ban hành văn bản gửi UBND TP Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, xã, phường kiểm tra, giải tỏa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Sở cũng đã ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2017. Trong đó, khai thác khoáng sản sẽ kiểm tra thường xuyên, kết hợp kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc qua đơn thư, đường dây nóng.

           

 Ông Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Thành phố đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc quản lý, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi. Khuyến khích các hộ dân sống hai bên bờ sông Đà báo tin cho tổ công tác, trực tiếp là số điện thoại của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố ngay khi phát hiện vi phạm.

           

Qua trao đổi với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đều nêu khó: đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép thường hoạt động về đêm, sẵn sàng dùng các mánh khóe để đối phó. Cảnh sát môi trường, Công an TP Hòa Bình không có phương tiện; tàu chuyên dụng của CSGT có tiếng động lớn khi đến gần đối tượng biết, dừng hoạt động… Không có hiện tượng bảo kê?!

ông Đặng Văn Khoa, Phó phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho rằng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đều đầy đủ, vấn đề là khâu phối hợp tổ chức thực hiện nhịp nhàng, quyết liệt.

 

Thực tế, dù đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều đó đòi hỏi cần tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn cho vấn đề theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh.

                                                                

Ngày 7/3, kết luận cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu lực lượng chức năng toàn quốc không được bó tay trước “cát tặc”, mở đợt đấu tranh cao điểm từ ngày 15/3 - 1/6. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung.

 

                                                                                    Cẩm Lệ        

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục