(HBĐT) - Trời đang nắng bỗng tối sầm. Mây đen từ đâu cuồn cuộn sà thấp xuống vườn mít mà lạ là không có gió. Cây cối cứ lặng thinh tròn mắt nhìn mây. Mùa hè quả là đỏng đảnh, thích nắng là nắng chói chang, thích mưa là kéo mây về ồn ã. Có một chú ve con lạc lối sà xuống trước mặt tôi, cánh nó xã, đôi mắt to tròn ngơ ngác. Chắc chú ta đang hoảng hốt lắm. Nằm gọn trong lòng bàn tay tôi rồi mà chú vẫn đập cánh xè xè muốn cất mình lên mà không nổi.

 

Lạ chưa kìa, vài phút trời lại quang quẻ. Mây kéo đi cả rồi. Trời oi quá! Vườn mít lặng im, lá mít xanh rì, bên những quả đã thành hình vẫn có những chùm dái mít, da mịn, xanh non. Chú ve không cất mình lên nổi nhưng bỗng ọ oẹ rồi kêu vang. Thế rồi như thể được bắt nhịp bởi một quản ca, nhạc trưởng, dàn đồng ca bắt đầu hoà tấu. Ve ve ve... Tôi nhón nhén đưa chú ve con ra vườn, chọn một vòm lá xoà xuống thấp để trả chú về với chúng bạn. Tôi đứng gần lắm, vòm lá chỉ cao hơn đầu tí chút mà mỏi mắt tìm không thấy bóng dáng chú ve nào mới lạ, trong khi dàn nhạc vẫn chơi, càng ngày càng sôi nổi. Trả chú ve về với vòm cong nhà hát lớn của chú, tôi về với những chú ve ký ức của tôi.

 

Chả nhớ tôi và tụi bạn biết đi bắt ve từ hồi mấy tuổi. Chỉ biết đã lâu lắm rồi. Hồi ấy, cứ hè đến là tụi nhỏ chúng tôi trốn ngủ trưa. Chị em tôi chờ cha tôi ngủ say, rón rén xuống giường, gắng bước đi thật khẽ. Tụi nhỏ túa ra từ các ngõ nhỏ có những chiếc cổng tre, túm tụm lại. Để bắt được ve (hồi đó chúng tôi gọi là cồ cộ, le ồ) có hai cách. Một là đầu một cây sào dài chúng tôi buộc một cái vợt nhỏ, những chú ve chủ quan sẽ bị úp, hoảng loạn và kêu rất to nên không thể bình tĩnh bay thoát ra khỏi miệng vợt. Cách thứ hai là dùng nhựa mít, nhựa lấy từ cuống quả mít dai, để hơi se se khô sẽ quánh đặc rất dính. Chú ve nào mải mê hút nhựa cây sẽ bị bọn trẻ tinh ranh dùng cây sào dài đầu buộc một chiếc que bé tẹo phết nhựa mít, bị dính rồi thì đừng hòng mong giẫy giụa mà thoát ra được. Ve cũng rất thích đàn đúm nhé. Vì thích chỗ đông vui, ưa ồn ào thế nên chúng hay bị dụ đến. Chúng tôi dụ le ồ đến bằng cách dùng ống bơ gõ liên hồi vừa gõ, vừa hát “le le ồ bay cao đậu thấp, le le ồ bay thấp, đậu cao”. Ham vui, le ồ bay đến rất nhiều, bay vòng vòng rồi tìm cây để đậu, không biết đó là cái bẫy của tụi trẻ con. Bắt được ve chẳng để làm gì mà sao đứa nào, đứa nấy vô cùng háo hức. Đa số các chú ve đều già mồm, cứ động vào là kêu inh ỏi. Tiếng kêu của le ồ trầm trầm nhưng vang lắm và các chú rất khoẻ, cánh cứng, cái bụng rỗng tuyếch nhìn được xuyên suốt mà sao tiếng thật to. Hình như những lúc ấy, các chú ta lấy hết sức bình sinh, dồn hơi từ trong bụng để kêu to nhất có thể. Nhễ nhại mồ hôi suốt cả buổi trưa hè, tụi trẻ mang những chú ve về. Chị em tôi rón rén, khe khẽ trèo lên giường, vò tóc cho rối để cha thức giấc tưởng mình vừa ngủ dậy. Nhưng mà bọn ve không hiểu, chỗ trong lồng chỉ chật một tí là chành choẹ nhau và đồng thanh kêu vang. Thế là lộ. Có hôm cha biết, ông lẳng lặng ra góc thềm ngồi hút thuốc lào, không nỡ mắng vì biết lũ trẻ con hàng xóm cũng thế. Những chú ve sau đó bị bắt ra vặt cánh bên trong để không còn bay được, cứ lầm lũi bò quanh, chạm phải là kêu rất to cho đến khi kiệt sức, khô rang. Nghỉ hè, gác chuyện sách đèn và chả có trò chơi nào thú hơn đi gọi và bắt ve giữa những trưa hè nồng nàn nắng, tuổi thơ chúng tôi lấy niềm vui từ việc làm tội lũ ve. Giờ nhớ lại thấy lòng mình nôn nao khó tả.

 

Tôi trả chú ve con về với chúng bạn. Chú về với vòm cong nhà hát lớn của chú nhé và hãy ca lên nhé ve ơi, khúc ca trong trẻo gọi ký ức tuổi thơ về trong tôi. Dìu dịu giữa những trưa hè oi ả.

 

 

                                                Tản văn của  Lê Thanh Hồng

 

 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục