(HBĐT) - Không biết từ thời điểm nào mà quán nước chè của bà H. béo lại trở thành điểm dừng chân của khá nhiều khách (người qua đường, bà con cùng dãy phố, thực khách của các quán ăn gần đó...). Sáng, trưa, chiều tối lúc nào cũng có người túm tụm. Có thể vì bà chủ hoạt ngôn, phúc hậu và nữa là chè của bà ngon có tiếng cùng các câu chuyện thế sự không dứt... Hôm nay, bà bạn ở cuối dãy phố rảnh rang nên 2 bà có dịp uống chè đá, cắn hạt hướng dương. Đừng tưởng người già ngồi một chỗ là hết chuyện và không biết gì… Vừa thấy một anh còn khá trẻ ăn mặc tề chỉnh phóng xe lướt qua, bà H. béo đánh mắt và hỏi bà bạn:

 

- Chị có biết anh ấy là ai không? Làm ở ngành X. đó, cán bộ công chức Nhà nước đàng hoàng, ăn mặc chỉn chu, đúng mực mà chẳng bao giờ thấy đội cái mũ bảo hiểm vào đầu...

 

 - Thì vội chứ sao? Cán bộ người ta là hay bận rộn, vội vàng... Vả lại, chuyện cái mũ bảo hiểm có gì ghê gớm đâu bà?

 

- Vội gì, ngày nào cũng thế đấy nên tôi lấy làm lạ. Ai chả biết, làm cán bộ là bận nhưng đã đi xe máy là phải đội mũ bảo hiểm chứ... đằng này. Tôi còn để ý thấy một vài anh ở các ngành khác nữa cũng cứ bất chấp tênh tênh phóng xe trên đường thành phố. Bà nói cũng phải, cái mũ bảo hiểm chả là gì nhưng người dân nhìn vào đó...

 

- Nhưng nghe nói, công an họ làm nghiêm lắm mà…?

- Làm nghiêm ở đâu chẳng biết chứ đường nội thị vẫn có người chẳng thèm đội đấy thôi. Tôi là tôi nghĩ đến 2 tình huống: một là các chú công an nể các chú, các anh cán bộ đấy và lại là chỗ quen biết nên lờ đi. Còn thứ 2 là mấy anh cán bộ đó cho rằng mình có cái quyền không phải đội mũ bảo hiểm khi đang lưu thông trên đường Cứ khệnh khạng phóng xe chả cần biết đến ai nữa.

 

 Nhưng mà cũng là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các ngành đó nữa chứ. Cán bộ sai thì phải chấn chỉnh chứ - Tiếng bà bạn như phân trần, trách móc.

 

 - Tôi thấy bà nói cũng có phần đúng. Nhưng đã là cán bộ là phải tự giác thực thi chính sách, pháp luật Nhà nước, phải làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo chứ. Đấy như thằng cu Tũn nhà tôi, hôm qua đi học bằng xe máy điện, nhắc đội mũ bảo hiểm nó chẳng dài môi ra, các chú đi xe máy còn chẳng đội nữa là…

 

Thấy mấy bác, mấy anh ngồi gần góp thêm chuyện được “động viên”, 2 bà xoay sang một số câu chuyện tế nhị khác liên quan đến cánh cán bộ Nhà nước nhà ta. Nào là nghe nói ở một số nơi dưới huyện, xã việc cán bộ ăn sáng ngồi đồng, trễ giờ đi  làm là chuyện không hiếm đâu. Đã thế còn “tửu sớm, trà trưa”, không say sưa nhưng cũng đỏ mặt, phảng phất mùi rượu khiến đối tác đến làm việc khó xử. Vào quán xá là chém gió, cứ cho mình là số 1 ấy. Rồi mọi chuyện cơ quan, đơn vị cứ phơi ra cho thiên hạ biết. Giờ làm  việc thì bắn game, xem phim  trên mạng, “phây phiếc” tung hoành; tính toán nát óc nay nó về con gì?”, hiệu suất công việc giảm, ảnh hưởng đến hình ảnh. Những việc đó, chi bộ Đảng, cơ quan sử dụng lao động biết chứ? Họ biết và họ vẫn nhắc chứ lại không nhưng nếu để diễn ra quá mức cũng cần phải xử lý quyết liệt hơn.

 

Nói chán chuyện, 2 bà lại kể về câu chuyện hôm nọ trên mạng nào đấy, cô cán bộ ngành y buôn điện thoại khiến bệnh nhân chờ đợi, gây phản cảm  dẫn đến sự bực bội từ chính những người xung quanh. Câu chốt của bà H. béo cuối buổi bàn luận: Nếu không tự sửa mình, họ sẽ là “đối tượng” được tính trong chuyện “tinh giản biên chế” đấy bà nhỉ? Nói vậy thôi, cũng khó đấy.

            

 

 

                                                                    Bùi Huy  

 

 

 

 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục