Truyện ngắn của Bùi Huy

 

Nghe tôi thông báo nhà có khách, đang ngồi chơi hiên nhà hàng xóm cùng bà bạn già,  mẹ lập cập chống gậy về nhà. Trời ạ, mẹ vẫn nhận ra bác Quý. “Phải bác Quý đấy không?” - Dù mẹ hơn người đối diện gần 10 tuổi nhưng do thói quen, mẹ vẫn gọi như ngày nào. Bác Quý ôm bờ vai mẹ: “Vâng, em đây chị ơi”. Đôi mắt của cả 2 người rưng rưng lệ. Mái tóc xoăn bạc trắng của bác khẽ rung rung. Một người 80 tuổi và một người ngoài 70 tuổi chan chứa nước mắt khiến con cháu đứng vây quanh cũng rơm rớm lệ, dù ai cũng cười, nói. Việc đầu tiên, bác xin phép mẹ được thắp hương cho cậu tôi hy  sinh vào những năm 70 thế kỷ trước. Dịp bác về công tác cũng là những  ngày cậu chuẩn bị lên đường cùng thanh niên xóm, bản. Nhiều bài hát, bài thơ bác chép tặng cậu được thực hiện trong dịp này... Khói hương trầm ngan ngát khiến không gian như chùng xuống. Những vệt khói nhang bay lên như cầu nối để mẹ, bác Quý và chúng tôi tìm lại ngày ấy…

 

Bác Quý trước đây là cán bộ quân đội, từng về nhà tôi khá nhiều lần trong những năm miền Bắc đánh trả máy bay Mỹ phá hoại. Bố tôi là cán bộ xã đội nên cán bộ, bộ đội tỉnh, huyện về ăn, nghỉ là chuyện thường ngày. Tôi nhớ, chúng tôi còn bé hay đi ngủ sớm, nhiều lần sáng ra, sau hồi kẻng của dân quân báo giờ đi tập, nhỏm dậy đã thấy mấy người khách đang gấp chăn màn hoặc phía bờ giếng, các anh lính trẻ vừa đánh răng, rửa mặt vừa xôn xao cười nói...

 

Thời đó có nhiều chuyện xảy ra ở xóm, bản nhưng tôi nhớ nhất là chuyện những đêm chạy máy bay. “12 ngày đêm”, phía Hà Nội đỏ rực đạn, pháo, tên lửa. Ngọn đồi bên làng (cạnh chiếc cầu sắt) nối trên quốc lộ cũng đỏ rực những luồng đạn trung liên của dân quân bắn máy bay. Buổi sáng, mấy anh, chị em, người xách ống nước, người khuân túi cơm nắm, người ôm chiếu lũ lượt đi vào hang núi tránh bom. Gọi là đi sơ tán. Đến chiều, khi bóng nắng tắt dần đến gốc gạo đầu xóm, chúng tôi lại lốc nhốc từ các hang trở  về nhà. Chuyện nữa là xóm, làng luôn có cán bộ, bộ đội về làng (trú quân,   tập luyện, làm công tác dân vận). Bác Quý trong số những người như thế. Bố tôi đi suốt ngày, mọi việc ở nhà như chuẩn bị đồ cho các con đi sơ tán, nấu cơm, nước cho khách mẹ làm tất. Đã thế còn kham luôn cả việc tập dân quân, công tác phụ nữ nữa. Để có gạo nấu, mẹ hì hục lên gác bếp dỡ các búi lúa vàng thui xuống tuốt, xay và tối lại thì thụi giã gạo.

 

Bác Quý và 2 chú nữa, cứ biết mẹ lấy vồ giã lại dành lấy việc này. “Chị giần, sàng đi, để đấy cho em”. Bữa khoai trộn cơm thời đó cũng chẳng đủ no đâu nhưng chẳng ai kêu ca. Tôi biết, có bữa, mẹ chỉ lót dạ mấy củ khoai sọ mà miệng vẫn tươi cười đi chia tay các anh bộ đội chuẩn bị lên đường. Thời đó, không ai kêu ca đói khổ, mệt mỏi gì cả. Tất cả hướng ra tiền tuyến...

 

Nhà chỉ có 4 chị em, 2 bác đi lấy chồng chỉ có mẹ và cậu út ở với bà ngoại. ông thì mất từ hồi cậu còn bé nên tình cảm của mẹ, của bà dành cho cậu thật nhiều. Được yêu chiều nhưng cậu không bao giờ ỷ lại. Những việc của người đàn ông trong nhà cần phải làm như cày, bừa, đan rổ, đan đó, thậm chí làm nỏ, rèn dao đều được cậu làm gọn ghẽ, điệu nghệ. Năm 19 tuổi, trước khi lên đường, cậu đã dành mấy ngày làm bộ ghế gỗ ăn cơm cho cả nhà. Còn riêng tôi, cậu làm cho mấy con cù bằng gỗ nghiến thật đẹp, quay tít nhất đám trẻ trong làng bản. Từ ngày cậu đi khám tuyển, mẹ đã tranh thủ các buổi trưa để tết cho cậu bộ dây màn rất đẹp, có tua rua trắng, đỏ như những trái còn nhỏ. Cảnh chia ly thời chiến thật muôn vẻ. Bà và các chị thì khóc như thôi rồi. Bố còn bận công tác tổ chức cho buổi lễ, chỉ lúc chuẩn bị lên xe, bố mới chạy tới ôm cậu và nói: Em cứ yên tâm lên đường, ở nhà anh chị lo mọi chuyện. Thật lạ, mẹ không khóc chút nào, tiễn em, mẹ vừa ở vai người chị, vừa vai   cán bộ hội phụ nữ nên chủ yếu bắt tay, cười nói, dặn dò. Chiếc áo xanh xi lâm rười rượi của mẹ mặc hôm đó khiến cuộc chia tay bớt đi những bi lụy. Mẹ  ôm bờ vai từng em một. Khi đoàn xe đi rồi, những người phụ nữ còn lại ở sân kho đã ôm chầm lấy nhau như để an ủi, chia sẻ và cầu mong những người em, người con của mình ra trận “chân cứng đá mềm”.

 

Chúng tôi còn bé nên không hiểu bố, mẹ và những người đưa tiễn nghĩ gì, nhưng khi trở về căn nhà sàn bé nhỏ của ông bà ngoại, nhìn những đồ vật mà cậu út làm tặng, chị em chúng tôi lặng người đi vì nhớ. Chiến trường muôn nẻo, chỉ mong cậu trở về để còn chơi với chúng tôi nữa chứ. Thấy bà buồn, chúng tôi trầm lắng, mẹ khẽ nói: “Cả làng, cả nước đi bộ đội mà bà. Bà khóc thế, cậu nóng ruột đi bị vấp đấy... Mấy bữa nữa, là có thư cậu gửi về thôi mà”. Lại chờ đợi những lá thư thời chiến vậy. Bà ngoại thì không được như mẹ. Bà ngồi bên cửa voóng nhìn xa xăm về phía cánh rừng, lau nước mắt liên tục. Một đêm, cả nhà nháo nhác cả lên vì không thấy bà ngoại đâu. Mọi người đèn đuốc sáng trưng đi tìm. Chúng tôi cùng mẹ ra phía bờ suối Khụ ở chân núi, nơi ngày trước cậu hay đánh lưới, đánh đó  bắt cá. ôi bà đây rồi. Bà ngồi như pho tượng bên suối. “Bà ơi, bà về thôi...” - các chị tôi khóc toáng lên. Mẹ khẽ đến bên, đặt tay lên vai bà khẽ xoa mà không nói gì. Hú hồn, vì cũng tìm được bà. Nhưng... 3 buổi sáng sau đó, sáng nào cũng thấy mẹ mang gối ra phơi khi lũ chúng tôi còn ngủ say mèm. Đến đêm thứ 3, khoảng tang tảng sáng, không biết mẹ đi đưa nước sớm cho dân quân tập hay sao nên thức giấc, tôi với tay về phía mẹ. Gối không người và sao đẫm nước thế này... Một đứa trẻ như tôi chợt bừng và hiểu vì sao mỗi sáng mẹ dậy thật sớm để phơi gối. Mẹ đã không dám khóc trong ngày tiễn cậu lên đường cũng chỉ để cho người ra đi an lòng...

 

Bà đã dựa vào mẹ để không gục ngã cho đến ngày nhận được tin cậu hy sinh. Sau đó, bà không thể đứng vững nữa vì đau buồn, vì tuổi già. Bố mẹ tôi già đi hàng chục tuổi kể từ ngày nhận được tin cậu hy sinh và thêm suy sụp vì bà mất. Chúng tôi mới lớn, ngơ ngác và cũng biết đớn đau vì những mất mát thật lớn đó. Hình ảnh bác Quý trang nghiêm trong bộ quân phục, đeo súng lục; những người bạn của cậu, người chủ lễ và những bát hương khá lớn bùng bùng cháy trong buổi lễ truy điệu khiến chúng tôi nhớ mãi đến giờ. Mẹ đã khóc như mưa trước mặt mọi người mà không phải thầm, lén. Hình ảnh bác Quý cúi xuống đỡ mẹ vì quỵ ngã hằn lên trái tim non trẻ của chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi cảm nhận bác Quý đã như người em của mẹ, là cậu tôi trong cuộc sống này mà không còn như bao người khách, người lính từng ngủ dưới mái nhà của cha mẹ tôi...

 

Chúng tôi cũng phải lớn lên và bước vào cuộc đời rộng lớn này. Mẹ đã lên chức bà nội, bà ngoại. Cuộc sống vẫn vận hành và chúng tôi luôn thấy cậu như ở bên mình. Vì suốt từ đó đến nay, câu chuyện nào của mẹ khi nói về “ngày ấy” đều được mẹ nhắc đến cậu út. “Cậu chúng mày thế này, cậu chúng mày thế khác. Nếu không hy sinh, cậu đã có con, có cháu. Con chúng mày phải gọi cậu là ông... Mẹ nói nhẹ nhàng nhưng lại như vết khứa vào lòng chúng tôi. Hôm nay, bác Quý về thăm, mẹ lại lôi từ chái nhà một hòm gỗ nhỏ cũ kỹ (thường được mẹ dùng làm giá để chăn phà, gối thổ cẩm). Bác Quý và chúng tôi quây quanh mẹ như để nhận được quà hay điều gì đó kỳ thú. Tách... hòm bật mở. Những đồ đạc của cậu như sách, vở thời đi học; chiếc áo mặc; những tấm huân huy chương, thư cậu gửi từ chiến trường. Và nữa... những con cù, que chuyền que chắt cậu làm cho chị em chúng tôi trước ngày lên đường cũng được mẹ giữ gìn mà khi bắt đầu lớn, chúng tôi không chơi những đồ đó nữa. ôi mẹ, trước mắt chúng tôi như thấy hình ảnh cậu và mẹ ngày trẻ - ngày cậu lên đường đánh Mỹ. Ngày đó, nắng rạng ngời và nụ cười của mẹ, của cậu sáng bừng trong ngày chia tay có nhiều nước mắt...

 

 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục