(HBĐT) - Đất là người bạn tri kỷ luôn đồng hành suốt bao mùa vụ với người dân miền núi. Để đất nghỉ ngơi qua dịp Tết, tháng giêng đánh thức đất dậy trong mùa gieo hạt mới, gửi vào trong đất bao hỵ vọng của thời vụ làm đổi thay cuộc sống từng ngày.

 

Đất ở miền núi không mấy khi đất được bón phân, tưới tắm vì địa hình chênh vênh, hiểm trở. Nhưng bù lại có lớp mùn từ lá cây mục và tro than của các loài cây dại. Bởi thế, cứ ra Tết, dù quả còn vẫn muốn bay, rượu vẫn đầy trong vò, thịt lợn còn lủng lẳng gác bếp vẫn phải lên nương không để đất ngủ quên.

 

Năm nào, bố tôi cũng là người đi trước, ông ngắm nhìn đám cỏ mọc xanh um, ông lựa hướng gió, ngắm thế đất rồi nhanh tay phát cây, cuốc sợi tạo thành đường cản lửa. Đấy cũng là ranh giới giữa nương và rừng, là giới hạn gieo trồng. Mấy anh em tôi gom lá khô hùa cho ngọn lửa cháy đượm.

 

Mấy bữa sau, gặp mưa xuân, tro than đã hòa vào đất đai dấp dính. Những chú chim ướt cánh chỉ dám nấp trong tầng lá khoe tiếng hót, vậy mà người làm nương lại phải lặn lội leo những bậc đá trơn trượt lên tới đây cho kỳ được. Với cây gậy đã được vót nhọn, nhựa còn hăng, bố tôi đi trước chọc lỗ để chúng tôi đi sau gieo hạt. Có lần tôi hỏi, sao không đào bằng cuốc vừa nhanh, hạt ngô lại nhanh đội đất, bố chỉ tay về phía có tiếng gà rừng, đúng là chỉ có ẩn mình dưới lỗ sâu, hạt mầm mới đủ sức vươn lên chắc khỏe. Những nơi đá và đất chen lấn, bố tôi thuộc làu, chọc đủ lỗ mà cây không bị mau.

 

Những bắp ngô trổ ra ở đây ăn rất ngọt và dẻo như được tận hưởng một phép màu của đá. Người gieo hạt chẳng cần nhìn vào ếp, cứ thế nhón đủ số hạt, các ngón tay như chiếc phễu nhỏ thả hạt rơi đúng miệng lỗ nhỏ, bàn chân nhịp nhàng vùi lấp che dấu vết hạt mầm. Đợi tuần sau lên thăm lại sẽ tháy những thùy lá bé nhỏ vươn lên từ đất, chẳng mấy chúng lại thành màu ngô xanh biếc cả một khoảng rừng. Nhà ai chọn giống không tốt, đất không xốp, ngô lên chậm lại thấp thỏm lo âu. Người đi thăm nương cuối tháng giêng chỉ cần đứng trên mỏm đá có thể nhìn bao quát cả nương của mình.

 

Ở vùng đất quê tôi, người ta không được gieo cấy quanh năm bởi có khi phải nhường đất cho sương muối, lúc đó phải nương nhờ vào rau rừng, măng, nấm… nên mùa gieo hạt vừa vui như hội sau ngày Tết. Vui vì được thỏa sức trồng, cấy trên đất đai mênh mông dưới bầu trời, đi gieo hạt còn kết hợp đặt bẫy chim, hái rau dại…, những niềm vui luôn giấu kín trong lòng. Mùa gieo hạt tháng giêng, ai cũng lặng lẽ không hé một lời dù trong lòng đầy ắp những hy vọng. Có thể, đó là sự lặng lẽ thường thấy ở người miền núi nhưng biết đâu còn là một ý thức tâm linh để mong vụ mùa được mưa thuận, gió hòa, ngô đầy ắp góc sàn. Mùa gieo hạt qua nhanh nhưng luôn đọng mãi trong ký ức chúng tôi.

 

 

                                                                                Bùi Việt Phương

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục