(HBĐT) - Tàu sắt trọng tải 25 tấn chở chúng tôi cập bến bản Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Bà con người Dao ào ra bến đón chúng tôi, đông nhất là trẻ nhỏ. Các cháu bồng bế, dắt díu nhau cứ sàn sàn như trứng gà, trứng vịt. Cụ Triệu Văn Đờn, 75 tuổi mái đầu bạc phơ nhưng còn rất khỏe. Nắm tay tôi, cụ bảo: “Vào nhà đi”.

 

Nhà cụ rộng thênh thang, thoáng mát, sạch sẽ. 8 chiếc ghế mây óng ánh màu cánh dán đặt đều đặn, ngay ngắn chung quanh bếp. Nhìn cung cách sắp xếp chỗ ngồi, tôi có cảm giác ở đây vừa diễn ra một cuộc đàm đạo gì đó nghiêm chỉnh lắm. Cảm giác mà hơn 20 ngày sau đã được diễn ra ở lễ đọc thánh thư trong lễ đặt tên, một lễ hội văn hóa dân tộc rất thiêng liêng, đặc sắc mà chúng tôi đã tận mắt trông thấy và ghi chép được.

 

Bốn người đàn ông có trình độ học vấn cao nhất, họ được coi là những bậc “thâm nho - thánh sư” ngồi ngay ngắn, trầm ngâm chung quanh chiếc bàn làm lễ nhập đàn rồi giở từng trang thánh thư vừa đọc, vừa bình và suy ngẫm về đạo trời, đạo làm người nơi trần thế. Cuốn thánh thư dày 200 trang với 360 câu thơ, viết bằng Hán tự nhưng lại được đọc bằng Nôm Dao. Đây là một trong những nội dung, hành động của lễ đặt tên mà cũng là một hiện tượng văn hóa hiếm thấy ở xứ ta.

 

Nhà cụ Đờn cột kê, thưng ván gỗ tốt còn mới, đỏ au. Tủ, giường, xa lông đều làm từ gỗ lát. Trên tủ đặt một chiếc tivi Samsung không bắt màu. Sát vách phía bếp xếp một đống lúa, lúa bó từng cụm, đống lúa cao tới gần 2 m.

 

Vừa từ phố thị ồn ã, xe cộ tấp nập, mua bán, ăn uống qua cảng Bích Hạ quán lều tạm bợ, đến bản Phủ, người Dao hiền lành, chất phác, chúng tôi cảm nhận được một chút vững dạ yên bình. Để đảm bảo chắc chắn là những cảm nhận và những điều tai nghe mắt thấy tại nhà cụ Đờn, không phải là một cảm nhận riêng biệt. Chúng tôi theo cụ Triệu đến thăm nhà anh Triệu Văn Toàn, 38 tuổi; anh Triệu Thu, 37 tuổi; ông Triệu Văn Dương, 64 tuổi. Gia đình anh Triệu Văn Toàn còn mua cả màn hình màu hãng Sony để xem video và hát karaoke.

 

Nhà nào cũng khá dần lên như nhà cụ Triệu. Chúng tôi càng tin vào cuộc sống của nhân dân vùng ven hồ hôm nay đã khác xa dăm, bảy năm trước. Lúc đó có đoàn khách hơn 40 người  tận bên Pháp đến đây du ngoạn cảnh quan ven hồ. 10 h ngày hôm sau lại có thêm một đoàn hơn 60 du khách người Pháp đến đây thăm quan.

 

Tôi tự lục vấn mình: Bản Phủ ven hồ có gì hấp dẫn để người ở cách xa ngàn dặm tận kinh đô ánh sáng Pari nước Pháp đến đây thăm viếng, tìm hiểu?

Cách đây không lâu, người Dao bản Phủ và cộng đồng dân cư ở hai bờ sông Đà đã bị mặt nước dâng lên, đẩy lên sườn đồi, đỉnh núi, thực hiện một cuộc đại chuyển cư, nhường lại vườn tược, ao chuôm, đất đai làm hồ chứa nước đổ vào tuabin nhà máy thủy điện của CNH-HĐH đất nước. Nhà máy điện đặt sừng sững ngay ở Hòa Bình.

 

Bản Phủ có 62 hộ với 362 nhân khẩu. Mỗi hộ được giao sử dụng 50 ha đất rừng. Mấy năm lại đây, nhân dân bản Phủ sống nhờ chủ yếu vào cây ngô và cây gừng tía trồng xen canh với cây phòng hộ. Từ hạt ngô xuôi nội, củ gừng xuất ngoại để đổi ra muối, gạo, quần áo, tivi, thuốc trị bệnh đảm bảo nâng cao dần cuộc sống thời đổi mới, phát triển, 52 hộ trong bản tạm no đủ, 6 hộ khá giả, còn thì vẫn nghèo. Sĩ số học sinh trường tiểu học và THCS mỗi ngày một tăng. Hai thanh niên đã thành bác sĩ, một là kỹ sư và hàng chục người theo học cao đẳng  sư phạm.

 

Cách đây 2 năm, một ông tiến sĩ người Mường đã nói: “ở miền xuôi chỉ cần đưa vốn và công nghệ mới vào là sản xuất, đời sống phát triển. Còn ở miền núi nếu trước hết không nâng cao trình độ con người, không đào tạo được cán bộ thì càng đổ tiền vào xóa đói, giảm nghèo dân lại càng nghèo thêm”. Thế mới biết, người dân bản Phủ biết nhìn xa, trông rộng. Sự hấp dẫn khách đến thăm bản Phủ không chỉ có thế mà thử nhìn xa ra độ mười tầm tay là rừng cây xanh mướt, là hồ nước mênh mang và nhớ lại 15 năm trước người dân bản Phủ ở đây còn là những người “chặt cây ăn ngọn”. “No nhìn xuống suối, đói nhìn lên rừng” quanh năm săn bắn, hái lượm, sợ sông nước hơn con sơn dương sợ nước.

Thế mà hôm nay họ đã mua thuyền trọng tải 25 tấn dọc ngang sông nước lên tận Tạ Bú (Sơn La) chở hàng về cảng bán buôn làm giàu và đêm đêm thả lưới xuống hồ bắt cá. Nhìn những chiếc thuyền độc mộc hình cánh hoa mộc lan dài khoảng 2 m, rộng 1 m, những tay chèo tay lái là các cháu người Dao, tuổi độ 9, 10, hàng ngày dọc ngang mặt hồ đi học, đi chơi mà phục.

 

Sự hấp dẫn của người Dao bản Phủ còn mạnh mẽ, sâu đậm hơn bởi họ luôn luôn đứng vững trên nền tảng truyền thống, giữ vững bản sắc dân tộc của mình. Quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện mục tiêu quê hương giàu mạnh.

 

 

                                                    NSƯT Bùi Chí Thanh

                                  (SN 117, tổ 1, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình)

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục