(HBĐT) - Chiều nay em lên lớp về muộn, con gái Sùng Y My ngồi ở góc sân chờ mẹ. Nước mắt con bé vẫn còn đọng trên bờ mi cong vút, hai tay áo con quyệt ngang mặt cũng ướt đẫm. Em hỏi con:

 

- Sùng Y My, sao con lại khóc ?

 Con gái đứng lên, vội ôm lấy chân mẹ. Một cử chỉ rất ít thấy ở Y My từ ngày đi học lớp 2 đến giờ. Con gái ôm thật chặt vào gấu váy, vào thắt lưng em, nấc không ra tiếng. Thương con, em để chiếc cặp xuống thềm nhà, bế Y My và ghì vào má con. Giọng em cũng bị nghẹn như nói trong gió thổi ven rừng:

- Nào Y My, nói cho mẹ biết vì sao con lại nức nở đến thế. Bạn nào bắt nạt con?

- Không bạn nào đánh, bắt nạt mà chúng nó chỉ nói thôi!

- Các bạn con nói gì, kể mẹ nghe?

- Các bạn bảo con bố Khang không về bản được nữa đâu vì ngoài biển sóng to, nước dâng suốt đêm ngày. Có thật thế không mẹ?

- Sùng Y My à, các bạn chỉ đúng một nửa thôi. Mẹ con mình đang ở trong căn nhà bố đã dựng trước khi khoác ba lô lên đường nhập ngũ để đợi bố về mà. Bố đi bộ đội chứ có đi đâu xa hẳn, khi nào được trên cho nghỉ bố lại về. Bố là chiến sỹ biên phòng  bảo vệ  hải đảo chứ có bỏ mẹ con mình đâu mà sợ. Các bạn trêu con đấy !

 

Không biết tại lời nói của em hay bởi Y My đã thấy không phải đứng một mình ở góc sân trong giá rét nữa nên im thin thít. Tiếng nấc của con cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Em rửa mặt cho con và lau cả những giọt nước mắt của mình còn vương trên má. Sùng A Khang ơi, em làm vợ anh, làm dâu họ Sùng bản Tìa Sung đã 7 năm rồi. Em quên sao được ngày anh về phép “bắt”  em làm vợ. Đêm ấy trăng suông phải không anh. Em vừa mới đến trường được nửa năm trời. Trong chuyến đi về bản Pa Háng ở trung tâm xã nhận lớp, nhận học sinh em đã gặp anh, người con trai da trắng hồng như thoa phấn dắt giúp em chiếc xe chở hòm sắt đựng đồ đạc vượt dốc Tìa Sung. Lúc chia tay nhau ở ngã ba đỉnh dốc, anh hỏi em:

- Con gái người Mông Vân Hồ có ai xinh đẹp hơn em không? Em như bông hoa chuông nở sớm mai, như nụ đào chúm chím đợi xuân về... Em ưng làm dâu đất Tìa Sung anh nhé?...

Em vừa sợ, vừa ngượng nên cứ cúi đầu bước trên con đường về bản. Khi nghe anh hỏi: “Mỗi người sắp đi một ngả rồi, sao không nói tên để anh còn gọi khi gặp?”, em mới giật mình. Anh biết không, lúc ấy em cảm nhận được niềm vui rất lạ. Em chưa được ai khen như anh khen em đâu. Em chỉ vội nói thật nhỏ, cố nói thật nhỏ: Hàng Y Mua. Không biết anh có nghe được tiếng em trong cơn gió núi ào qua không. Vậy mà  mấy tháng sau, anh vẫn không quên và đến trường em, anh lại gọi đúng Hàng Y Mua. Em quên làm sao được khi anh mặc bộ quần áo con trai người Mông, tay cầm chiếc nỏ và đứng ở cây đào đầu lớp học. Anh đặt vội chiếc nỏ xuống cạnh chân em. Chiếc nỏ đổ vào chân em, em đưa tay đỡ. Anh cũng đưa tay ra, hai bàn tay chúng mình gặp nhau. Anh kẹp chiếc lá non vừa bứt trên cành cây si bên cạnh, đưa lên miệng và tiếng sáo vút lên giữa màn đêm tĩnh lặng của núi rừng. Em đắm đuối, mơ màng nghe tiếng réo rắt của bản tình ca. Bỗng tiếng kèn lá từ môi anh lặng im, anh đưa bàn tay thô ráp tìm tay em. Em như bị cơn gió đẩy ngả vào lòng anh và em nghe thấy tiếng núi thì thào bên tai:

- Y Mua à, về làm vợ anh nhé. Em về làm dâu đất Tìa Sung nhé!

 

Em ngẩng mặt lên và anh đã bất ngờ đặt nụ hôn trên má người con gái vừa mới vào tuổi 22. Em yêu anh từ ngày ấy. Đêm ấy và mấy đêm sau của mùa thu, núi Tìa Sung trắng sương nhưng vẫn không ngăn được chúng mình gặp nhau trong say đắm. Hôm em bị “bắt” sẽ là ngày không bao giờ quên trong cuộc đời người con gái. Em theo mấy bà mẹ  xuống chợ xa. Hôm ấy, mọi người đi chợ sớm lắm, mặt trăng chưa lặn qua khỏi ngọn núi. Đến đúng ngã ba chỗ ngày nào chúng mình chia tay thì em giật mình, hoảng hốt khi anh và mấy người bạn đón đường. Anh bước đến thật nhanh nắm lấy tay em. Anh nhấc bổng em lên đặt vào yên xe, bạn anh cho xe chạy rất nhanh và em bị anh “bắt” mang về bảnTìa Sung. Khi anh đặt em ngồi xuống chiếc giường còn thơm mùi sáp của đệm, của chăn, của gối vẫn chưa hết bàng hoàng pha chút hãnh diện, sung sướng. Em biết mình đã thành vợ người bộ đội biên phòng từ lúc ấy... Gần 8 năm làm vợ, em được ăn Tết với chồng 2 lần, được anh đưa đi chợ huyện 4 lần. Chỉ có thế thôi còn đâu thời gian chơi nữa. Em mang bầu Y My thì anh đã được điều ra miền hải đảo cách nhà gần 4 ngày đi ngựa. Em sinh Y My chỉ có bạn bè, bố mẹ anh cùng hai cô em gái thôi. Em khóc ở bệnh viện. Em khóc khi ôm con về nhà. Em khóc trong những đêm gió thổi ù ù trên đỉnh núi Sài Lung. Vắng anh, không có anh, em phải đến lớp, vẫn chăm con. Buổi chợ phiên em vẫn mang cạp váy, chỉ thêu, thổ cẩm xuống chợ. Bao nhiêu đêm về,  khi Y My của chúng mình ngủ, em chỉ biết gửi nỗi nhớ chồng vào trang nhật ký. Anh có biết em vui mừng như thế nào khi mỗi lần nhận được thư anh. Em đọc cho con gái bé bỏng cùng nghe biết bao lần. Đến khi con vào lớp 1 thì thư anh từ nơi hải đảo xa xôi gửi về không cần em đọc nữa. Con đã đọc được những dòng anh viết, em sung sướng và hạnh phúc biết bao khi con gái chúng mình đọc thư của bố: “Vợ Y Mua và con gái Y My rất yêu của anh...

Chiều qua khi nhận được thư của anh, em lại gọi con:

- Y Mua à, có thư bố về đây con!

Con bé nhảy cẫng lên, vứt vội cuộn chỉ thêu lên bàn học chìa tay đón. Con bóc lá thư rất nhanh và nhìn mẹ :

- Mẹ à, thư bố A Khang viết lần này dài lắm. Con đọc cho mẹ nghe nhé!

…Nơi đảo xa xôi ngày 20 tháng 12

Vợ anh và con gái yêu thương!

 

Anh ở nơi hải đảo xa nghe tiếng sóng lặng biết là đã cuối mùa đông. Chỉ còn mấy ngày nữa đến Tết người Mông ta rồi. Năm nay Tìa Sung quê mình chắc là chơi Tết vui lắm. Hoa đào, hoa mận vườn nhà, trong bản đã nở chưa em? Anh phải cùng đồng đội chắc tay súng gác biển quê hương. Thế là đã 3 Tết liền anh không về quê giã bánh dày cho mẹ con em rồi đấy. Có giận, có hờn, có bực mình với anh không? Tết này em có may váy đẹp cho con chứ. Em cũng phải mặc đẹp để đi chơi Tết nhé. Chỉ hơi buồn khi không có anh đi cùng phải không? Anh không về để thổi khèn cho mẹ con em nghe được. Đừng buồn con gái Y My của bố. Bố vẫn cùng đồng đội đứng vững giữa sóng trùng khơi canh giữ biển trời Tổ quốc. Con vui lên và động viên mẹ cho bố nhé. Năm sau anh sẽ về đón Tết, vui xuân với em và con, với bản Tìa Sung quê nhà. Đồng đội bảo anh rằng Hàng A Khang ơi, bao giờ cho chúng mình về Tìa Sung ngắm rừng đào, vườn mận nhà bạn ra hoa nhé. Các bạn anh còn bảo rằng em là bông hoa của núi đấy

- Tại sao mẹ Y Mua lại khóc. Con ứ đọc nữa đâu!

Anh ơi, em xúc động quá. Anh ở tận nơi xa vẫn gửi thương, gửi nhớ về cho mẹ con em. Anh vẫn không quên bản nhỏ, không quên cái Tết của người Mông mình. Em không buồn đâu. Em yêu anh, em đã là vợ A Khang 7 mùa hoa đào rồi đấy. Em không quên câu nói của bố khi em về làm dâu: “Con trai người Mông dù ở đâu, lúc nào cũng phải như cây trai, cây nghiến trên rừng. Con gái người Mông phải như con ong của núi. Con dâu người Mông lòng phải trong như nước suối nguồn, nghĩa tình sâu nặng, thắm bền như chỉ thêu váy áo”... Năm nay nắng nhiều hơn mưa. Con suối đầu nguồn nước không về nhiều nữa nhưng tình em dành cho anh vẫn ắp đầy. Em vẫn lên lớp, vẫn là cô giáo dạy giỏi, vẫn chăm con, vẫn thêu váy đem xuống chợ phiên để bán và may áo váy mới cho con gái để đón mùa xuân mới. Hoa đào năm nay đã bắt đầu nở, hoa mận đã lấm chấm trắng đầu cành. Xa anh, Y Mua nhớ anh lắm, thương anh nhiều như con chim nhớ bạn, như con ong nhớ đàn. Anh ơi, dù hoa đào bản mình màu có nhạt phai nhưng tình yêu của em dành cho anh, cho người chiến sĩ biên phòng nơi đảo xa thì không bao giờ phai nhạt. Đến xuân này là 8 mùa hoa đào nở, 8 năm Y Mua là vợ của Hàng A Khang. Là hơn hai ngàn ngày em vời vợi nhớ mong và đợi chờ. Sao em nỡ giận, nỡ hờn với người chiến sĩ vì sự bình yên của quê nhà mà phải xa bố mẹ, vợ con, xa núi rừng Pà Cò những ngày xuân. Anh nhớ về núi Tìa Sung nhiều thì mẹ con em cũng gửi nhớ thương về nơi hải đảo xa xôi. Chúng mình mãi mãi yêu nhau như hoa đào bản làng Tìa Sung mãi mãi thắm tươi.  Xa anh, em chỉ biết gửi niềm thương, nỗi nhớ anh vào từng mũi chỉ, đường kim trong từng ngày, từng tháng và từng đêm. Chỉ cầu mong ở nơi hải đảo xa xôi anh và các đồng đội vững tay súng để giữ cho mùa xuân của Tổ quốc được mãi mãi thanh bình. Gửi đến anh niềm thương nỗi nhớ từ bản nhỏ nơi non cao, núi thẳm, sương giăng bốn mùa. Mẹ con em mãi mãi đợi anh như hoa đào đợi mùa xuân.

 

                                                               

 

 

                                                                  Bút ký của Huy Định

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục