(HBĐT) - Ngôi nhà ấy nằm sâu trong một ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo nối liền xóm Bờ với xóm Bai của làng quê. Mảnh vườn nằm lút trong vườn cây ăn quả um tùm nên lúc nào cũng mang vẻ u tịch và có phần xa cách cuộc sống bên ngoài.

 

Bà trẻ bây giờ xấp xỉ tuổi 60 vẫn còn dáng thon thả, nét đẹp thanh tao của cô gái vùng quê có ruộng vườn trù phù, lắm cây ăn quả và dòng sông, suối xanh mát quanh năm.

 

Chuyện kể trước đây có nhiều người mê bà lắm nhưng chẳng hiểu sao bà không ưng một người nào cả. Cả làng Nậm này vẫn tấm tắc khen vẻ đẹp thùy mị, nết ăn, nết ở và chăm chỉ công việc của bà. Bà sinh ra đã mang cái tên giản dị, nôm na mà nhẹ nhàng được mẹ cha đặt cho là cái Vừng ở làng Nậm. Trong đám trai làng đã có câu vè:

 

“Làng Nậm có cô tên Vừng

 

Gặp người đẹp ấy, ngập ngừng bước chân”.

 

Người già trong làng kể lại chuyện xưa - mẹ cô mang thai lúc lên nương tra vừng, kinh nghiệm nhà nông “đom đóm bay ra, hoa gạo rụng xuống là ta tra vừng”. Bà trở dạ sinh ra cô con gái kháu khỉnh được mang tên Vừng với ý nghĩa đó rồi lớn lên, cô càng đẹp, nước da trắng trẻo, khuôn mặt bầu bĩnh cùng với đứa em trai, thằng Lạc.

 

Bố mẹ mất, hai chị em chăm nuôi nhau rồi cũng nhờ mảnh vườn, ngôi nhà và mấy sào ruộng đỡ đần nên cũng học hành đến nơi, đến chốn. Cậu em tốt nghiệp ra trường, công tác một cơ quan trên tỉnh. Còn cô học xong cao đẳng sư phạm, về quê dạy học cho bọn trẻ. Cô lấy đó làm niềm vui, buổi sáng đến lớp dạy lũ trẻ tập đọc, tập viết, tập múa hát. Chiều ở nhà chăm sóc vườn cây ăn quả.

 

Cô sống nhân hậu, hay giúp đỡ mọi người xung quanh, có ai túng thiếu cần giúp là cô sẵn sàng, không ngần ngại. Vườn cây có quả chín, cô ngắt cho bọn trẻ trong xóm chúng thích lắm và luôn đến căn nhà cô chơi, vì vậy căn nhà luôn có tiếng cười, tiếng hát líu lo của trẻ con. Cô sống lặng lẽ, giấu kín chuyện đời tư, mãi về sau mới biết là chờ đợi một người lính đi kháng chiến chống Mỹ. Tận ngày thắng lợi, hòa bình đất nước, bạn bè nhập ngũ người về trước, người đi trại điều dưỡng, còn người  yêu của bà có giấy báo hy sinh. Cô cắn răng lầm lũi quyết định ở vậy một mình trong ngôi nhà có vườn cây của cha mẹ để lại.

 

Khi đến tuổi nghỉ hưu, bà giáo Vừng được bà con trong làng, trong xóm cùng bọn trẻ hằng ngày đi vào, đi ra gặp đều gọi bà là bà trẻ của thôn Nậm này thay vì gọi tên tục.

 

Ngôi nhà cha mẹ để lại nằm lọt thỏm trong khu vườn xum xuê cây trái, bà ở lại thay cậu em công tác trên tỉnh để khói hương ngày giỗ, ngày Tết. Sống ở nông thôn, bà quen công việc của người phụ nữ chân quê, đun nấu đã có lá cây và củi que từ những cành cây khô chặt tỉa trong vườn. Thực phẩm, gạo, nước, bà đã có đồng lương hưu của Nhà nước cấp. Thêm vào đó là khoản tiền thu được từ bán rau, trái vườn nhà nên cuộc sống không đến nỗi thiếu thốn.

 

Gian bếp nhỏ bé của bà lúc nào cũng thơm mùi lá, khói bếp thơm ngây ngất đến lạ lùng khiến trẻ con trong xóm Nậm hay chạy sang sưởi những buổi chiều đông lạnh giá. Bà rất yêu quý bọn trẻ. Bà quý, thương bọn trẻ như con cháu trong nhà. Vì vậy, sẵn bếp than đỏ, bà nướng cho chúng củ sắn, bắp ngô, ngồi bên bếp lửa, má đứa nào cũng đỏ hồng, tươi rói, ánh mắt long lanh, nụ cười hồn nhiên. Có đứa mặt lấm lem than bếp, nở nụ cười răng sứt mà sao thân thương đến vậy. Chúng nó vừa ăn, vừa cười rúc rích, vừa gọi, vừa khoe với bà trẻ:

 

- Sắn ngon bùi, ngô ròn thật bà trẻ ạ!

 

Bà trẻ nhìn lũ trẻ mà lòng lại thổn thức một nỗi niềm riêng tư ấp ủ trong lòng.

 

Bà con trong xóm vẫn nhớ mùi hương thơm mà bà thường đốt trên bàn thờ đặt trên trụ gạch xây đặt ngoài sân vườn. Bên cạnh cây hoa ngọc lan tự tay bà trồng phảng phất mùi thơm đậm chất linh thiêng, nơi cõi hư vô. Những buổi tối như vậy, bà thường bày ít hoa quả hái trong vườn đơn sơ mà thanh tịnh đầy ắp lòng thành. Ai hỏi bà việc thờ cúng, bà chậm rãi:

 

- Đấy là thờ dành cho người ở xa.

 

Bà thường đứng rất lâu trong gió lạnh giữa mùi trầm hương huyền hoặc. Bóng bà mờ nhạt trong vườn cây um tùm chiều đêm về nhạt nhòa tối thẫm dần trong màn đêm.

 

Hàng năm, bà trẻ nhớ về mỗi dịp ngày 27/7 (ngày thương binh - liệt sĩ), ngày 30/4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hay ngày rằm tháng 7, ngày “xá tội vong nhân”, bà trẻ lại trân trọng đặt lên bàn thờ trước sân đĩa hoa quả thêm ấm chè thơm và đặc biệt có gói thuốc lá, chiếc bật lửa. Trong tâm tư bà nghĩ, người ở xa có về thì vẫn thích nước chè và thuốc lá thơm rồi bà chắp tay miệng lầm rầm trong không gian tĩnh lặng của mảnh vườn, ngôi nhà nhỏ đầy ắp kỷ niệm quê hương.

 

Mãi về sau mới biết - bà giấu nỗi buồn sâu kín trong lòng bởi qua nhiều năm tìm kiếm vẫn không có tin tức gì về nấm mộ của người liệt sĩ hy sinh trong dịp tổng tấn công qua Xuân Lộc vào giải phóng Sài Gòn đã được chôn cất ở tận phương nào?

Thời gian trôi, bà trẻ ngày thêm già, bọn trẻ trong làng, trong xóm lớn lên, đứa đi học xa, đứa đi nghĩa vụ ra canh giữ biển khơi hay lên biên cương bảo vệ biên giới. Ngôi nhà vắng dần tiếng lũ trẻ rồi một buổi chiều đông lạnh sau một cơn đau đột ngột, bà đã ra đi với sự thương tiếc của người thân và bà con lối xóm. Bà về với tổ tiên, khuôn mặt  thanh thản.

 

Bà trẻ ra đi trong tâm   thế của người được về với những điều đã mất. Không hiểu sao, nhìn bà rồi nghĩ một nơi nào đó không xa có một người lính già đang chờ, đang đợi ở cuối con đường để dắt tay bà đi khi họ đã hẹn ước chờ nhau đến chân trời tâm linh chỉ có sự đợi chờ thủy chung.

 

                                                                   

                                                  Truyện ngắn của  Văn Song

 

 

 

 

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục