(HBĐT) - Nhà hàng nọ bữa nay đông khách hơn ngày thường. Các chị, các em phục vụ cứ gọi là chạy tít mù, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại. Quãng gần 11h30, một đoàn khách đến. Trông long lanh, sáng ngời và tốt mã. Anh MM nay là “khổ chủ” của bữa tiệc khao đãi khách quý, bạn hữu gần xa vì mới “gặt hái” được một số thành quả. Anh vừa xuất ngoại một chuyến nên thỉnh thoảng chen một chút tiếng Hàn, tiếng Anh cho thêm gia vị. Hôm nay, anh mặc chiếc áo kiểu dáng In-đô. Vừa đến, anh đã nhướn mắt hỏi bà chủ nhà hàng:

 

- Xong chưa, các thím, khách tôi rất đặc biệt, phải đúng giờ.

- Xin lỗi anh, các món khác xong rồi, duy chỉ món độc anh hay dùng vẫn chưa xong

Anh nói như quát:

- Lần sau là tôi chả thèm đến nữa đâu nhá. Đã bảo là phải chu đáo khi có tôi ở đây. Tôi mà không đến, liệu mà đóng cửa...

- Dạ, em đã nghe rõ lời anh dạy - Bà chủ nhà hàng thẽ thọt đáp lời...

“Trời đánh, tránh miếng ăn”, có lẽ vì thế mà mọi chuyện đã diễn ra theo đúng kịch bản. 2 bàn, 20 người rôm rả ăn uống, chan chan, gắp gắp, nâng cốc chúc tụng. Nhà hàng đã biết lỗi rồi làm căng ích gì? Căn phòng mát lạnh giờ “ấm” dần lên nhờ bia, rượu... Những lời xung tụng, những lời có cánh đưa nhau lên xa dần mặt đất... Đang đà hưng phấn, mọi người lại giật nảy mình khi nghe tiếng quát:

- Con kia, sao mày không đóng cửa... Nóng bỏ bố thế này. Ra vào phải đóng chứ. Không biết ai ngồi đây à?

Mọi người dừng nói, dừng đũa, dừng nhai, dùng uống và trố mắt nhìn anh. Gì thế?

Cô gái bưng bê nhà hàng thèn thẹn:

- Cháu đóng luôn bây giờ ạ. Tại 2 tay bê nặng quá, cháu phải lấy chân đẩy cửa nên nó mới toang ra đấy ạ...

- Thôi đừng “ôn nghèo, kể khổ”, lạ gì chúng mày ấy...

Thấy “phán” thế, gương mặt cô gái hết tái xanh đến ửng đỏ. Nhiều người tỏ vẻ ái ngại cho cô bé. Ngày hôm nay, cô đi lại các tầng khéo đến mấy chục km, chân như muốn khụy. Gương mặt đỏ ửng, bết mồ hôi...

Có người can:

- Chưa có gì nghiêm trọng, bỏ qua cho cháu nó.

- Mình bỏ tiền ra, nó phải phục vụ cho chu đáo chứ...

Mọi người như thấy nghèn nghẹn trong cổ. Tính anh ấy, cả đơn vị ai lạ nhưng vẫn không “nuốt trôi” được vì khó chịu. Đấy như tuần trước, cũng đi ăn uống, anh ấy chẳng “đuổi” thẳng cổ cấp phó vì “dám” lên ngồi chung mâm: ông sang mâm kia, “tuổi gì” mà ngồi ở đây. Anh kia mặt như mèo cắt tai, mất vía. Cả bữa ăn, anh chỉ đụng đũa vài lần. Còn chưa khổ bằng cô bé làm tạp vụ, chỉ vì trong lúc bê đồ cho bữa ăn của nhóm “Víp”, dám giẫm nhẹ lên chân của anh và suýt nữa làm đổ bát nước canh lên giày. “Con này, mày dám làm ăn thế à. Tao là tao “cách chức” đấy”. Trời, cách chức cô tạp vụ, chuyện như bỡn? Cô ngượng quá và các thực khách cũng tím tái người vì cách “phun châu, nhả ngọc” của anh. Còn sơ kết 6 tháng năm ngoái, bác trưởng phòng, thịt lợn cắp nách, làm hỏng món tiết canh sở trường mà “hứng” hẳn một bài 15 phút đấy. Khổ thân bác, có tuổi rồi mà vẫn bị anh nói xơi xơi. Cả đơn vị thất kinh... Nói trộm vía sau lưng anh chứ kiểu ấy người ta gọi là thô tục quá, chả nhã gì cả. Vợ con, bạn thân cũng đôi lần xa gần góp ý rồi đấy chứ. Nhưng cứ xảy ra chuyện tương tự là “pháo nổ” thôi... Chỉ tội cho ai là đối tượng nhận những cơn nóng thất thường   đó. Cũng đã có người bóng gió xa   xôi: Kiểu hách dịch ấy rồi cũng có    lúc “chết” không kịp ngáp. Không   biết vì thế mà có ai phải chết không. Chờ xem...

 

 

                                                                  

 

                                                                  Bùi Văn

 

 

 

 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục