(HBĐT) - Sáng 3/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2017 với tất cả các địa phương trên cả nước. Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh.


Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương đánh giá sâu sát những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 và tồn tại, hạn chế, cần phải chỉ rõ đâu là nguyên nhân; đưa ra những chủ trương, biện pháp quyết liệt đồng bộ để chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đề cao trách nhiệm, đóng góp các ý kiến thiết thực, cụ thể, mạnh mẽ, nhằm ban hành Nghị quyết của Chính phủ với định hướng, chỉ đạo phù hợp, sát với tình hình thực tế.


Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận Báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017.

Theo báo cáo tại phiên họp, 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng GDP ước tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện đạt khoảng 674,8 nghìn tỷ đồng, bằng 32,8% GDP, tăng 10,5%. Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước ước thực hiện đạt khoảng 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 582,965 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 41,9% dự toán năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 100,47 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, thu hút một lượng lớn du khách du lịch trong nước đến thăm quan, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6,2 triệu lượt khách, tăng 30,2%.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã đánh giá: Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2017 có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Các Bộ, ngành đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 và nhất quán quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá; tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững.

Trên cơ sở đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và dự báo cuối năm 2017, trong 6 tháng cuối năm 2017, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện 05 nhóm giải pháp lớn như: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các ngành, lĩnh vực; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước, kiểm soát nhập khẩu phù hợp tiến tới cân bằng thương mại bền vững; huy động các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI); tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.

* Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017, chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2017 với các địa phương. Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh.

 

Phiên họp đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Trong đó nêu bật kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những thách thức đặt ra và kiến nghị nhiều giải pháp xác đáng như: Cải cách thể chế gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường và lợi thế Việt Nam; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế; cải cách thủ tục hành chính cần gắn với văn hóa công sở. Theo đánh giá của Chính phủ, phát biểu của các đại biểu tại phiên họp đã làm rõ những diễn biến quan trọng trong tình hình KT-XH hiện nay và tạo thêm cơ sở thực tế để Chính phủ chỉ đạo giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xuyên suốt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Để đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương trong 6 tháng cuối năm 2017 cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ và các Nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tạo chuyển biến rõ nét trong các tháng còn lại của năm 2017. Đồng thời chủ động họp bàn, thống nhất để cụ thể hóa những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, từng sản phẩm; triển khai quyết liệt các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung vào các nhóm công tác như: Tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tích cực cải cách thể chế gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng, đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động; ưu tiên thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế như nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh xuất khẩu, chủ động nghiên cứu những giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát hàng rào kỹ thuật, bảo đảm nhu cầu và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với cam kết quốc tế; chủ động rà soát các nhiệm vụ chi, thực hành tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và dự toán được giao./. 


                                                                                            Bùi Minh



Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục