(HBĐT) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp Ủy ban thường kỳ tháng 7 diễn ra sáng ngày 31/7. Dự hội nghị còn có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, thủ trưởng một số ban, ngành của tỉnh. Hội nghị đã cho ý kiến vào 1 dự thảo Quyết định, 3 dự thảo Báo cáo và thảo luận về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh đến ngày 15/7/2017.


Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Ngoại vụ đã trình bày tờ trình và dự thảo Quyết định ban hành Quy định về công tác lễ tân trong việc đón, tiếp khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình. Dự kiến quy định sẽ có 7 chương, quy định rõ về các vấn đề như: nghi lễ đón tiếp; nghi lễ đối ngoại; trang phục tiếp khách, tặng hoa, tặng phẩm; trách nhiệm của các cơ quan đơn vị và điều khoản thi hành. Quy định được ban hành là rất cần thiết và để kịp thời đáp ứng yêu cầu cho hoạt động đối ngoại.

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình bày dự thảo Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Chỉ thị số 37 – CT/TU ngày 26/8/2014 của BTV Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, cấp thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc diện ngân sách Nhà nước đảm bảo trên địa bàn”. 3 năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt đến năm 2016, đã có 100% người cận nghèo trong toàn tỉnh được cấp thẻ BHYT. Từ năm 2014 đến hết tháng 6/2017, ngân sách nhà nước đã chi hơn 1.287 tỷ đồng để đóng và hỗ trợ đóng mua gần 2,5 triệu thẻ BHYT.

Dự thảo Báo cáo chương trình giải quyết việc làm tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 – 2020 do lãnh đạo Sở Lao động – Thương bình và Xã hội trình bày đã nêu bật một số mục tiêu cụ thể như: mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 16.000 lao động. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 60%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 3,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 55 – 60%, trong đó có chứng chỉ đạt khoảng 20 – 22%. Dự thảo cũng đã trình bày rõ những chính sách, giải pháp cần triển khai thực hiện và dự trù kinh phí thực hiện khoảng 137 tỷ đồng.

Tiếp theo, lãnh đạo Sở Nội vụ đã trình bày dự thảo Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 18/8/2014 của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục đối mới công tác thi đua khen thưởng. Dự thảo báo cáo đã nêu rõ những kết quả đổi mới của phong trào thi đua yêu nước, công tác bồi dưỡng mô hình và nhân điển hình và kết quả công tác khen thưởng thời gian qua. Dự thảo cũng đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân các hạn chế trong 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị.

Đóng góp ý kiến vào các tờ trình, dự thảo, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, thủ trưởng các ban, ngành tỉnh cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của các dự thảo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị các dự thảo báo cáo cần chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân, từ đó có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; số liệu trong các báo cáo cần được rà soát, kiểm tra đảm bảo tính chính xác, hợp lý; những dự thảo Báo cáo hiện đang có dung lượng lên đến 17 trang cần sắp xếp và rút gọn. Riêng đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định về công tác lễ tân trong việc đón, tiếp khách nước ngoài đến thăm, làm việc tại tỉnh Hòa Bình còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, đầy đủ; do đó các đại biểu đề nghị Sở Ngoại vụ cần chỉnh sửa đảm bảo cụ thể và chính xác, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh ký thông qua.

Tại hội nghị, các đại biểu đã giành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 15/7/2017. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 15/7/2017, tổng số vốn đầu tư công năm 2017 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao gần 1.597 tỷ. Tỉnh đã giải ngân được 810 tỷ (đạt 51% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao), đạt trung bình so với cả nước. Tuy nhiên, đáng lưu ý là vốn chương trình mục tiêu Quốc gia mới chỉ giải ngân được 15.681 triệu (đạt 5%). Trong đó chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giải ngân 15.681 triệu (đạt 11%) và chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững chưa giải ngân được. Phát biểu ý kiến về vấn đề này, các đại biểu đã trình bày, làm rõ nhiều vướng mắc khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn chương trình mục tiêu Quốc gia chưa đảm bảo kế hoạch.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, rà soát số liệu, chỉnh sửa ngôn ngữ văn bản, tham mưu đề xuất các giải pháp hiệu quả, hoàn thiện các dự thảo quyết định, dự thảo báo cáo đảm bảo chất lượng, chính xác.

Riêng đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc giải ngân vốn đầu tư công tuy đạt mức trung bình của cả nước nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, hạn chế nhất là đối với việc giải ngân vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia. Do đó, thời gian tới phải tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để hoàn thành việc giải ngân vốn cho chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và nông thôn mới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan họp bàn tháo gỡ vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời có giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn. Đồng chí cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành nêu cao ý thức trách nhiệm người đứng đầu, phối hợp giải quyết hiệu quả những vấn đề còn hạn chế trong quản lý nhà nước để đảm bảo việc phát triển KT – XH, đảm bảo AN- QP đạt kế hoạch đề ra.


                                                                                               Dương Liễu


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục