(HBĐT) - Tỉnh ta có điều kiện tiểu khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để canh tác. Có cơ chế khuyến khích sản xuất và mở rộng quy mô. Có môi trường thuận lợi để tiếp cận các quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Đặc biệt, sản phẩm luôn có lợi thế cạnh tranh cao khi đưa ra thị trường... Mặc dù đã có nền tảng vững chắc như vậy để phát triển nhưng đến nay, sản xuất rau an toàn (RAT) của tỉnh không những chưa thực hiện được bước đột phá mà còn "dậm chân tại chỗ”, thậm chí còn có bước thụt lùi đáng tiếc so với thời điểm 3 - 4 năm trước đây.



Các sản phẩm rau an toàn của HTX rau an toàn Quyết Chiến (Tân Lạc) được người tiêu dùng đánh giá cao vì có chất lượng tốt, được chứng nhận đảm bảo ATTP và có thể truy xuất nguồn gốc khi cung ứng ra thị trường.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT về kết quả áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên diện tích canh tác rau của tỉnh: Năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 30 ha sản xuất RAT tập trung của HTX nông nghiệp Dân Chủ, thành phố Hòa Bình được chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 25 ha liên kết sản xuất bí xanh tại huyện Yên Thủy được chứng nhận đảm bảo quy trình sản xuất RAT; 3,9 ha sản xuất rau hữu cơ (tại huyện Lương Sơn) được chứng nhận GPS; 20 ha trồng su su lấy ngọn của HTX RAT Quyết Chiến, huyện Tân Lạc được chứng nhận đảm bảo quy trình sản xuất RAT, trong đó 9,9 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Như vậy, tại thời điểm này, toàn tỉnh đã có 78,9 ha sản xuất rau các loại được áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Đây là kết quả thể hiện bước phát triển đáng ghi nhận so với những năm 2013 trở về trước. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, con số này giảm còn 26,59 ha, bao gồm 10,05 ha của liên nhóm hữu cơ Lương Sơn được chứng nhận ATTP và GPS; 11,5 ha của HTX nông nghiệp Dân Chủ được chứng nhận ATTP; 4,5 ha của HTX RAT Quyết Chiến được chứng nhận ATTP; còn lại là diện tích được chứng nhận VietGAP của hai doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là Công ty CP nấm và dược liệu thiên nhiên (0,04 ha) và Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP (0,5 ha).

Bên cạnh "bước lùi” đáng tiếc về diện tích canh tác rau được chứng nhận áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, năng suất và sản lượng rau cũng "dậm chân tại chỗ” sau 4 năm: Năm 2014, tổng diện tích rau các loại 11.054 ha, năng suất 136,1 tạ/ha, sản lượng 150.485 tấn. Đến 2017, diện tích tăng nhẹ lên mức 12.139 ha, năng suất giảm nhẹ 135,5 tạ/ha, sản lượng đạt 164.583 tấn.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT: Hiện nay, tuy diện tích gieo trồng rau hàng năm của tỉnh trên 11 ngàn ha nhưng trong đó, diện tích sản xuất đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, GPS và VietGAP còn khiêm tốn. Thêm vào đó, hiệu quả kinh tế của các cơ sở được cấp chứng nhận chưa bền vững, hầu hết các mô hình RAT đều dựa vào sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước hay các chương trình, dự án để duy trì hoạt động mà chưa hoạch định được hướng đi lâu dài, độc lập. Đây được xem là "nút thắt” quan trọng làm tắc nghẽn sự phát triển của sản xuất RAT.

Đồng chí Phùng Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện kiêm Trưởng liên nhóm nông nghiệp hữu cơ huyện Lương Sơn cho biết: Hiện nay, Lương Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh đã xây dựng được và duy trì khá hiệu quả mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm mũi nhọn là RAT áp dụng hệ thống PGS. Đây là hệ thống giám sát có sự tham gia của tổ chức cộng đồng, giúp liên kết các hộ sản xuất quy mô nhỏ tiếp cận quy trình sản xuất rau an toàn và bền vững, từ đó cung ứng ra thị trường những sản phẩm RAT đảm bảo chất lượng ATTP. Được thành lập từ tháng 3/2009, đến nay, liên nhóm nông nghiệp hữu cơ huyện Lương Sơn có 16 nhóm sản xuất, hoạt động lồng ghép trong tổ chức Hội Nông dân huyện và chịu sự giám sát của Hội. Hàng năm, sản lượng rau hữu cơ PGS được tiêu thụ thông qua các hợp đồng đạt khoảng 60-80 tấn, chưa kể một phần sản lượng không nhỏ được cung ứng cho thị trường bán lẻ trong và ngoài huyện. Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, liên nhóm đã được tạo môi trường thuận lợi để phát triển và có những hoạt động đúng hướng, mang lại hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những điểm hạn chế như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ canh tác RAT chưa cao, khó tạo thành vùng chuyên canh để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chưa khai thác được các thị trường mang tính chuyên nghiệp và bền vững...

Đó cũng chính là những điểm hạn chế đang chi phối hiệu quả sản xuất RAT của toàn tỉnh hiện nay. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT về kết quả sản xuất RAT 5 năm trở lại đây (2013 – 2017), có 5 "nút thắt” cần được tháo gỡ để tạo bước đột phá cho sản xuất RAT thời gian tới, bao gồm: Mở rộng diện tích canh tác để đáp ứng yêu cầu về sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao trình độ canh tác của người sản xuất đồng thời thay đổi phương thức sản xuất để áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch; tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đầu tư nguồn lực và cơ sở hạ tầng để đáp ứng các yêu cầu về canh tác rau ứng dụng công nghệ cao; áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất tạo thành các sản phẩm có giá trị thương phẩm và lợi thế cạnh tranh cao khi đưa ra thị trường. Chắc chắn khi tháo gỡ được những "nút thắt” quan trọng này, sự phát triển của RAT sẽ tạo thành giá trị cốt lõi góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Thu Trang


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục