(HBĐT) - Chiều 12/4, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã làm việc với Sở Công thương về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017; mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018 và tình hình thực hiện các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và BTV Tỉnh uỷ về phát triển CN-TTCN giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và phát triển thương mại giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Cùng dự có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.


Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Tỉnh kết luận buổi làm việc.

 

Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2017 sản xuất công nghiệp đạt 27.523 tỷ đồng, tăng 17,22% so với cùng kỳ, đạt 102,5% kế hoạch. Chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,% so với năm 2016. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 22.395 tỷ đồng, tăng 20,97% so với cùng kỳ, đạt 101,7% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 510 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 428 triệu USD. Chỉ số tiêu dùng không có biến động lớn, bình quân cả năm tăng 3,54% so với cùng kỳ năm 2016.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 3 đề án, 1 chương trình và 7 kế hoạch phát triển CN-TTCN và thương mại cũng như các quy hoạch thuộc lĩnh vực công thương. Tổ chức công bố kịp thời các quy hoạch sau khi được phê duyệt góp phần vào việc định hướng phát triển cho các địa phương, tổ chức kinh tế, xã hội, làm căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và các huyện, thành phố.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm có số lượng tăng vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17,37%/năm cao hơn 2,37% so với mục tiêu Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân 2 năm 2016, 2017 tăng 9,59%/năm, chưa đạt so với Nghị quyết. Trong 2 năm có 78 dự án đầu tư đăng ký trong lĩnh vực công nghiệp. Theo đó toàn tỉnh hiện có 328 dự án về công nghiệp, chiếm 65,6% tổng số dự án của toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 10 làng nghề truyền thống được công nhận, vượt 2 làng nghề so với mục tiêu Nghị quyết. Tỷ lệ hộ sử dụng điện từ điện lưới quốc gia năm 2017 đạt 99,6%, hệ thống lưới điện quốc gia được phủ kín 100% số xã, phường trên toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 369,07 ha, nhìn chung các CCN chưa được đầu tư hạ tầng nên việc thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn…

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của BTV Tỉnh uỷ, tốc độ tăng trưởng về tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bình quân 2 năm tăng 20,04%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa 13 chợ; phát triển thêm 1 siêu thị, 14 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 37 cửa hàng kinh doanh dầu mỏ hoá lỏng, tổ chức thi công Trung tâm hội chợ và triển lãm tỉnh mang tính liên kết vùng tại TP Hoà Bình và nhiều dự án xây dựng trung tâm thương mại…Hiện toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, theo hướng gia công, lắp ráp; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá còn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI; hạ tầng thương mại xuống cấp; công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật CCN chưa thực sự được quan tâm. Thương mại chưa khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp…

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, gồm: tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bất cập về điều kiện hạ tầng, thủ tục hành chính, chất lượng nguồn lực, nhất là cơ chế, chính sách trong GPMB, hỗ trợ tái định cư. Vì vậy phải điều chỉnh giá đất và kế hoạch đầu tư trung hạn để dành nguồn lực cho phát triển CN-TTCN và tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, tăng xuất khẩu hàng hóa. Cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng một số khu công nghiệp. Cố gắng lấp đầy KCN Bờ trái và KCN Lương Sơn. Đẩy nhanh công tác GPMB và xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN Lạc Thịnh, Mông Hóa, mở rộng KCN Yên Quang. Xác định lại vị trí các CCN để có cơ chế đầu tư hạ tầng. Tiết kiệm kinh phí trong quy hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng các KCN-CCN nhưng phải đáp ứng yêu cầu khoa học và hiện đại. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đầy SX-KD. Vận động các doanh nghiệp đưa công nghiệp may về nông thôn để giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Nghiên cứu thị trường để kêu gọi đầu tư và phát triển các ngành nghề mới như lắp ráp ô tô, xe máy, rượu, bia, nước giải khát để tạo nguồn lực cho tỉnh.

Nghiên cứu tìm kiếm thị trường để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch. Tổ chức tốt Hội chợ thương mại năm 2018 để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản. Các ngành phối hợp tổ chức tốt hội nghị xúc tiến đầu tư về nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” . Đồng chí yêu cầu Sở Công thương đi đầu trong tổ chức bộ máy để thực hiện hiệu quả NQ T.Ư 6, khóa XII; quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại. Cố gắng xây dựng sàn giao dịch điện tử để đáp ứng yêu cầu phát triển. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của ngành, đặc biệt chú trọng đảm bảo lực lượng, phương tiện cho công tác quản lý thị trường để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

 

Đức Phượng

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục