(HBĐT) - Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn xoay quanh các vấn đề cử tri quan tâm. Đại diện các sở, ngành đã trả lời đầy đủ, đúng trọng tâm các câu hỏi đại biểu nêu. Dưới đây Báo Hòa Bình điện tử trích đăng một số ý kiến trả lời chất vấn của thủ trưởng các sở, ngành. 


* Chưa có kinh phí nên việc chi trả tiền đền bù GPMB tuyến đường 12B chưa thực hiện được

Đại biểu hỏi: Dự án cải tạo, nâng cấp đường 12B đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tháng 6 năm 2013, với tổng kinh phí chi trả cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng là 81,6 tỷ đồng; năm 2013 và năm 2014 đã tiến hành chi trả được 24 tỷ đồng, còn thiếu 57,6 tỷ đồng chưa có kinh phí đền bù cho dân. Huyện Kim Bôi đã có nhiều Văn bản gửi đến các cơ quan đề nghị xem xét. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy bổ sung kinh phí để chi trả cho người dân. Xin hỏi số kinh phí còn lại khi nào có nguồn chi trả cho nhân dân?

Trả lời câu hỏi này của đại biểu, đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Số kinh phí còn thiếu để chi trả phần GPMB cho nhân dân huyện Kim Bôi khi thi công tuyến đường 12B qua địa bàn huyện trách nhiệm thuộc Bộ GTVT. Bởi vì Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền Quyết định đầu tư. Tuy nhiên Bộ GTVT lại phụ thuộc vào Chính phủ mà việc bố trí nguồn vốn thì Chính phủ lại phải thông qua UBTVQH. Theo đó, để có nguồn vốn để chi trả cho nhân dân, thời gian qua, Sở GTVT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các Bộ, ban, ngành trung ương, Chính phủ và UBTVQH nhằm sớm bố trí bổ sung nguồn vốn này để tổ chức chi trả cho nhân dân. Hiện nay, Chính phủ cũng đã có tờ trình UBTVQH xem xét cấp bổ sung nguồn vốn còn thiếu cho các công trình dự án được thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016. Dự án cải tạo, nâng cấp đường 12B được thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015, như vậy dự án này sẽ được cấp kinh phí bổ sung sau khi UBTVQH thông qua và Chính phủ phân bổ về địa phương sẽ tổ chức chi trả cho người dân đúng quy định.


Đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT.

*Dự án tỉnh lộ 433 chậm tiến độ là do còn vướng mắc về nguồn vốn và công tác GPMB

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hảo, tổ đại biểu Thành phố Hoà Bình hỏi: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 433 từ thành phố Hòa Bình đi Đà Bắc được khởi công từ năm 2012, do BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư; công trình hiện vẫn dở dang, bừa bộn, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đi lại. UBND tỉnh có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường 433?

Trả lời vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT nêu rõ: Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 433 từ km0 đến km23 là một dự án rất lớn, quan trọng góp phần phát triển KTXH, thu hút đầu tư, phục vụ nhiệm vụ QPAN nếu dự án hoàn thành tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc đi lại cho bà con nhân dân và phát triển KTXH địa phương. Tuy nhiên, là dự án lớn, nguồn vốn đầu tư có hạn, công tác GPMB phức tạp, khó khăn cho nên tiến độ dự án này chậm. Dự kiến tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, dự án này đã bị chậm. Sau khi điều chỉnh tiến độ đến tháng 6/2018 phải hoàn thành. Dù vậy, đến nay dự án này vẫn chưa đảm bảo tiến độ, vẫn còn ngổn ngang, bừa bộn. Nguyên nhân là do tổng mức đầu tư của dự án là gần 988 tỷ đồng. Cho đến nay, dự án mới chỉ được giao 447,5 tỷ đồng. UBND tỉnh sau khi xem xét đề xuất của Sở GTVT và Sở KH&ĐT đã có tờ trình trình HĐND tỉnh xem xét thông qua việc bổ sung đủ vốn đầu tư cho dự án này cho giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn thành dự án này. Theo đó, sau khi được cấp đủ vốn, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Dù vậy, hiện nay, địa phận thuộc thành phố Hoà Bình vẫn còn vướng mắc trong công tác GPMB với 670m chưa được GPMB. Trong đó có 230m là của các hộ dân chưa thống nhất phương án đền bù, còn 440m nữa là do nhân dân đã nhận tiền đền bù rồi nhưng chưa có khu tái định cư. Đó là những vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do vậy, về phía Sở GTVT cũng đã có kiến nghị với UBND tỉnh, đồng thời đốc thúc các đơn vị nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.


Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT

* Thu hồi 1,4 ha đất bổ sung vào dự án Khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm

Đại biểu hỏi: Khi thi công dự án Khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm đã lấp toàn bộ hệ thống kênh dẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông ngiệp của 23 hộ dân xóm Đằm, xã Dân Chủ (TPHB) với diện tích 1,4 ha đã qua 4-5 vụ, nay không canh tác được. Vậy, tỉnh có chủ trương thu hồi 1,4 ha này bổ sung vào dự án không, nếu có thì dự kiến bao giờ thu hồi? Tỉnh có phương án, chính sách hỗ trợ các hộ dân có diện tích đất không canh tác được không?

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời:

Tại văn bản số 300 ngày 22/3/2017 về chủ trương thu hồi đất giao Ban quản lý xây dựng cơ bản tỉnh về việc mở rộng giai đoạn 2 khu trung tâm đa chức năng, UBND tỉnh đồng ý chủ trương thu hồi 1,4 ha đất tại xã Dân Chủ (TPHB) để giao Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng tỉnh thực hiện giai đoạn 2 và mở rộng khu đa chức năng đê Quỳnh Lâm. Hiện, đang mắc về giá đền bù thu hồi đất, do có sự chênh lệch về giá đền bù giữa hai giai đoạn nên người dân chưa đồng ý.

Hàng năm, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thành phố chống hạn và diện tích bị thiếu nước. Đối với thành phố Hoà Bình, năm 2017 được phân bổ 937 triệu đồng tại Quyết định số 243 UBND tỉnh ngày 27/2/2017, năm 2018 phân bổ 811,833 triệu đồng tại Quyết định số 295 UBND tỉnh ngày 31/1/2018. Như vậy, việc hỗ trợ đã được thực hiện và thực hiện kịp thời.

* Việc đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất thu hồi vườn quốc gia Ba Vì, thời gian tiếp tục dự án kè sông Đà

Đại biểu hỏi: Đề nghị cho biết hướng giải quyết đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất đối với diện tích đất canh tác của người dân nằm trong đất quy hoạch vườn quốc gia Ba Vì như thế nào? Dự án kè bờ sông Đà qua các xã Dân Hạ, Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) ngừng thi công đã lâu làm ảnh hưởng đến đường dân sinh và đời sống, sinh hoạt của người dân khi nào tiếp tục được thi công?

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời: Vườn quốc gia Ba Vì được Thủ tướng Chính phủ giao điều chỉnh tại Quyết định số 2732 ngày 26/12/2014. Ngày 22/2/2017, Sở NN&PTNT có báo cáo số 136 báo cáo UBND tỉnh về việc tham mưu thực hiện Quyết định trên. Ngày 9/3/2017 UBND tỉnh có văn bản số 238 gửi Bộ NN&PTNT đề nghị bố trí cơ quan liên quan về tổ chức thực hiện, cùng với địa phương, Sở đánh giá tài sản trên đất thu hồi, có cơ chế hỗ trợ cho các gia đình nhận khoán. Ngày 22/11/2017, Sở có báo cáo UBND tỉnh số 1604 về việc giao mốc thực địa và xem xét bồi thường tài sản trên đất cho các hộ dân. Sở đã hoàn thành phần việc thuộc chức năng là bàn giao mốc ngoài thực địa vào tháng 12/2015. Ngày 1/12/2017, UBND tỉnh có văn bản số 6485 giao Sở TN-MT phối hợp UBND huyện Kỳ Sơn thực hiện và báo cáo UBND tỉnh vào ngày 12/12/2017. Hiện phần việc còn lại là thực hiện văn bản số 6485 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp làm việc với Sở TN-MT. Còn 2 nội dung Sở TN-MT làm việc với huyện là cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ nhận khoán và hoàn thành hồ sơ tài sản trên đất để thực hiện việc giao đất.

Đối với dự án kè sông Đà qua các xã Dân Hạ, Hợp Thành, Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) thi công dở dang, đây là dự án thuộc danh mục đình hoãn theo Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ. UBND tỉnh đã có Quyết định số 201 ngày 25/2/2014 về việc đồng ý cho đình hoãn dự án. Để tiếp tục triển khai đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn xem lại Quyết định số 201 của UBND tỉnh, phối hợp với Ban quản lý xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp để báo cáo UBND tỉnh vì theo Quyết định 201 nội dung đình hoãn có những dự án cho tiếp tục triển khai nhưng phụ thuộc thời gian, có những dự án không cho làm tiếp.

 

Đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ.

*Việc giao chỉ tiêu biên chế hàng năm nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào các cơ quan trung ương

Đại biểu Phạm Thanh Bình, tổ đại biểu thành phố Hoà Bình hỏi: Sở Nội vụ với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và quyết định giao chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua (2017, 2018) việc giao chỉ tiêu biên chế bị chậm? giải pháp nào để khắc phục việc chậm giao biên chế này trong năm 2019 và những năm tiếp theo?

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết: Theo Quy định của Nghị định số 21-NĐ/CP và Nghị định số 41-NĐ/CP của Chính phủ thì HĐND cấp tỉnh quyết định biên chế các cơ quan trong tỉnh, trong biên chế công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh giao. Trong 2 năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao biên chế chậm, nên Bộ Nội vụ cũng triển khai việc này về đến các địa phương bị chậm hơn so với mọi năm. Do vậy, Sở Nội vụ không có căn cứ để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm. Ví như năm 2018, ngày 2/2/2018, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 172-QĐ/TTg để giao biên chế cho các Bộ, Ban, ngành và các địa phương. Như vậy, đã qua các kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh để giao biên chế năm 2018. Tuy vậy, ngay sau khi có thông báo chỉ tiêu biên chế năm 2018, Sở Nội vụ đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Tỉnh uỷ. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh uỷ thì UBND tỉnh mới căn cứ vào đó để trình HĐND tỉnh để ban hành Nghị quyết. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định giao chỉ tiêu biên chế cụ thể cho các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Như vậy, có thể nói Sở Nội vụ đã triển khai thực hiện sớm nhất có thể việc giao chỉ tiêu biên chế theo quy định. Ở đây công tác tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ công chức phụ thuộc vào các cơ quan trung ương từ Chính phủ đến Bộ Nội vụ cho nên khi không có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông báo của Bộ Nội vụ thì chúng ta không thể làm được. Chính vì thế, trong 2 năm qua việc giao biên chế của tỉnh bị chậm.

Giải pháp để khắc phục việc này là Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản để báo cáo với Bộ Nội vụ và Thủ tướng Chính phủ sớm giao biên chế trong quý 3 năm trước để làm cơ sở cho việc lập dự toán ngân sách cũng như lập dự toán phát triển KTXH năm sau. Tiếp đó là sau khi có thông báo của Bộ Nội vụ về chỉ tiêu biên chế Chính phủ giao, chúng tôi sẽ báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Biên chế của tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh uỷ thông qua để tổ chức thực hiện.

*Trách nhiệm để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất không đúng quy định, giải pháp khắc phục

Đại biểu hỏi: Đề nghị cho biết để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất (đất ở, đất vườn, đất rừng chuyển sang đất trồng cây ăn quả...) không thực hiện các thủ tục theo quy định tại cơ quan nhà nước thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị nào? Trách nhiệm của ngành TN-MT trong vấn đề này ra sao? Giải pháp để khắc phục tình trạng trên?

Đồng chí Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TN-MT trả lời:

Luật Đất đai 2013, tại Điều 208 quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật và trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Theo quy định, nếu địa phương nào có tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai thì theo phân cấp theo Luật đất đai, Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị 15 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành năm 2015 về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh trách nhiệm thuộc về cấp xã, cấp huyện. Để xảy ra hiện tượng chuyển mục đích sử dụng đất không thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm của các cấp, ngành, có trách nhiệm của ngành TN-MT là đôn đốc, kiểm tra.


Đồng chí Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TN&MT.

Qua công tác kiểm tra cho thấy có rất nhiều vấn đề về công tác tham mưu, triển khai, thực hiện và thực hiện theo phân cấp có khi làm trái, vượt quá thẩm quyền, thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất ở... chưa đúng quy định. Khắc phục tồn tại trên, thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, ngày 27/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 89 về triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, trong kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung thực hiện cụ thể trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, vai trò tổ chức thực hiện là Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố, các ngành liên quan như TN-MT, Bộ CHQS tỉnh, Thanh tra tỉnh, KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT, TT-TT, Tư pháp với các nhóm giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai phù hợp với từng địa phương, đối tượng sử dụng đất, tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định; kiểm sát chặt chẽ việc thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ dân cư; tập trung làm tốt công tác định giá đất, xác định quỹ đất để thực hiện đấu giá; đẩy mạnh đăng ký đất đai, biến động ở các địa phương; giải quyết dứt điểm những vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định...

* Giao UBND huyện Cao Phong thực hiện việc trích đo, cấp GCNQSDĐ cho các hộ tái định cư ở xóm Mừng

Đại biểu Bùi Đăng Khoa (Cao Phong) hỏi: Dự án Khu TĐC xóm Mừng, xã Xuân Phong (Cao Phong) được thực hiện từ năm 2011, do Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc, thuộc Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Đến năm 2016, dự án hoàn thành và ổn định cuộc sống cho 30 hộ dân ở xóm Mừng. Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân chưa được trích đo và cấp giấy CNQSDĐ. Vậy, tại sao khi lập dự án trình phê duyệt lại không tính toán đến kinh phí trích đo và cấp GCNQSDĐ cho các hộ TĐC. Về vấn đề này, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan nào sẽ làm thủ tục trích đo và cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ? Thời gian hoàn thành?

                               

Đồng chí Hoàng Quang Minh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời: Theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS, giai đoạn 2007 – 2010 và Thông tư số 99/2007/TT-BTC, ngày 10/8/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện công tác định canh, định cư đối với đồng bào DTTS theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ thì việc lập dự án trình phê duyệt không có hướng dẫn về phần kinh phí trích đo và cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân. Theo thông tư số 03/2007/TT-UBDT ngày 08/6/2007 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS, giai đoạn 2007 – 2010, thì việc thực hiện trích đo và cấp giấy chứng nhận do ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện.

Ngày 28/6/2018, Ban Dân tộc tỉnh đã có buổi làm việc với UBND huyện Cao Phong về vấn đề trên. Theo đó, các bên thống nhất báo cáo UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí từ ngân sách địa phương. Giao UBND huyện Cao Phong thực hiện việc trích đo, cấp giấy CNQSDĐ và thực hiện một số hạng mục còn lại mà dự án chưa thực hiện, ngay sau khi được UBND tỉnh cấp kinh phí.



                                      Đồng chí Bùi Văn Đức, Giám đốc Sở Tài chính.

* Cơ sở pháp lý để không ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí không thường xuyên cho các hoạt động của cơ quan tư pháp

Đại biểu Quách Thanh Hải, Tổ đại biểu huyện Tân Lạc hỏi: Cơ sở pháp lý nào để Giám đốc Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh không ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí không thường xuyên cho các hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong khi hầu hết các tỉnh trong cả nước đã làm việc này?

Đồng chí Bùi Văn Đức, Giám đốc Sở Tài chính trả lời:

Tại điểm a, điểm b, Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã quy định về hỗ trợ cho các đơn vị thuộc ngân sách cấp trên. Điểm a: Ngân sách cấp dưới hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong trường hợp cần khẩn trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp cần thiết khác để bảo đảm ổn định KT-XT, ANTT, ATXH trên địa phương. Điểm b: Các đơn vị cấp trên quản lý trên địa bàn khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, kết hợp thực hiện một số nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp dưới. Ngày 5/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26 về quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương để ổn định ngân sách năm 2017 – 2020. Tại điều 14, định mức phân bổ chi thường xuyên khác, có nêu: Căn cứ vào khả năng ngân sách và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện bố trí kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị trung ương trên địa bàn. Ngoài ra, tại các công văn liên bộ của Bộ Tài chính với các cơ quan tư pháp (công văn số 16.587, số 16.588 và số 17.558) không yêu cầu cơ quan tài chính báo cáo cơ quan cấp trên để xây dựng Nghị quyết.




Nhóm P.V

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục