(HBĐT)-Ngày 22/8, các đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy thường kỳ tháng 8 cho ý kiến một số vấn đề quan trọng của tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; đại diện các Ban xây dựng Đảng T.Ư; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.


 Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận và thống nhất thông qua Tờ trình của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về ban hành các văn bản của BTV Tỉnh ủy quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo Quy định số 04-QĐ/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy. Theo đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối, gắn với vị trí việc làm và thực hiện tốt tinh giản biên chế. Đồng thời, sớm hoàn thành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế quản lý chi tiêu, quản lý tài sản của các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy để từ 1/10/2018 tổ chức hoạt động theo mô hình tổ chức bộ máy mới.

Về Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo, xin chủ trương của BTV Tỉnh ủy về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hội nghị thống nhất đánh giá Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013 có một số vị trí quy hoạch chưa phù hợp, không được sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực quy hoạch, khi triển khai dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số quy hoạch chiến lược liên quan đến tỉnh đã được điều chỉnh và lập mới, như: quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến 2050; quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình; quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2030…Do vậy, việc quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình được hội nghị xác định thời điểm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phê duyệt để triển khai thực hiện Đồ án là hết sức cần thiết để làm cơ sở ban hành các kế hoạch quản lý chất thải rắn gắn liền với phát triển KT-XH và là căn cứ để lựa chọn dự án ưu tiên, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, gồm: Nhất quán việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo Quy định số 04-QĐ/TW, ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, giải quyết tốt chế độ, chính sách cho CBCCVC. Theo đó, Văn phòng Tỉnh uỷ từ 7 phòng, giảm xuống còn 5 phòng; Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và UBKT Tỉnh uỷ từ 5 phòng giảm xuống còn 3 phòng; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ từ 6 phòng giảm xuống còn 3 phòng; Ban Dân vận Tỉnh uỷ từ 4 phòng giảm xuống còn 2 phòng; Ban Nội chính Tỉnh uỷ từ 3 phòng giảm xuống còn 2 phòng. Quá trình sắp xếp giữ nguyên 15 đồng chí cấp Phó Ban, Phó Chủ nhiệm và Phó Văn phòng, đảm bảo nguyên tắc 1 phòng chuyên môn có 5 CBCCVC trở lên, trên cơ sở vị trí việc làm, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Thường trực Tỉnh uỷ sẽ ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản đảm bảo chặt chẽ và phát huy trách nhiệm của các cơ quan quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng. Trước 10/9, hoàn chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị trình BTV Tỉnh uỷ phê duyệt và bàn giao cán bộ cùng các nội dung liên quan đến hoạt động của Văn phòng Tỉnh uỷ để bắt đầu thực hiện theo mô hình mới từ 1/10/2018. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn để sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các Huyện, Thành uỷ, MTTQ và các tổ chức CT-XH đảm bảo kịp thời, đồng bộ.

Về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát để áp dụng thời điểm từ 2030, tầm nhìn đến 2050. Rà soát để có dự báo về khối lượng chất thải rắn, gắn với xử lý khí thải, nước thải. Không đưa ra việc xử lý rác thải đối với các tỉnh, thành phố lân cận và đến năm 2025 không còn tình trạng chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch xử lý chất thải rắn theo đơn vị hành chính và theo vùng, gắn với ứng dụng tiến bộ KH-KT và việc thu gom rác thải. Quản lý chặt chẽ tác động môi trường của quy hoạch xử lý chất thải rắn. Đánh giá lại việc tổ chức thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn trước đây, những nội dung không còn phù hợp thì kết thúc, điều chỉnh. Ban hành cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa trong xử lý môi trường. Quản lý chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định về môi trường đối với các điểm đang hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, tiến tới phân loại và xử lý rác thải tại gốc.

                                                                         

 

                          Đức Phượng

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục