(HBĐT) - Ngày 20/3, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp thường kỳ tháng 3 năm 2019. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự hội nghị có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, Công an tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, Sở TNMT, UBND huyện Mai Châu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Sở KH&ĐT báo cáo tiến độ Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế tạo vùng nguyên liệu tập trung tại xã Cun Pheo và xã Piềng Vế do Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình làm chủ đầu tư và nghe báo cáo công tác quản lý tình hình xâm canh, xâm cư của các hộ dân di cư tự do trái phép từ tỉnh Sơn La, tỉnh Yên Bái và các hộ dân xã Hang Kia tại khu vực Suối rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu).

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế tạo vùng nguyên liệu tập trung tại xã Cun Pheo và xã Piềng Vế do Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 16/1/2012. Mục tiêu của dự án là trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế tạo vùng nguyên liệu tập trung nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, kết hợp cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến hàng thủ công mỹ nghệ của công ty; tạoviệc làm ổn định cho lao động địa phương và các vùng lân cận, đóng góp cho ngân sách địa phương, cải thiện môi trường sinh thái. Diện tích sử dụng đất 1.665 ha. Quy mô đầu tư: Trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế 1.605 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ 51,05 ha; xây dựng nhà làm việc, khu trung tâm đào tạo nghề, nhà kho0,3 ha; xây dựng vườn ươm giống khoảng 7,79 ha; xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đường giao thông…



Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Đến nay, Công ty mới trồng rừng phòng hộ hơn 325/1.605 ha; khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng tự nhiên 61,38/200 ha, đạt 30,69% so với đăng ký được duyệt; xây dựng 1 nhà điều hành; xây dựng vườn ươm giống 0,7/7.79% so với đăng ký được duyệt.

Về tình hình xâm canh xâm cư khu vực Suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, hiện có 18 hộ người Mông với 106 khẩu thuộc 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái đã dựng nhà kiên cố và có ý định đinh cư lâu dài tại đây. Ngoài ra, có 28 hộ người Mông với 178 nhân khẩu xã Hang Kia, huyện Mai Châu đã cư trú ổn định ở đây từ nhiều năm trước. Các hộ thường xuyên đến khu vực này phá rừng, làm nương rẫy.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm tình hình thực hiện dự án của Công ty TNHH Mai Bình và vấn đề xâm canh, xâm cư khu vực xóm Táu Nà, xã Cun Pheo.

Lãnh đạo Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra nội dung trình kỳ họp thứ 8 (bất thường) do UBND tỉnh trình và thống nhất một số nội dung kỳ họp thứ 8 (bất thường) của HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phát biểu kết luận kỳ họp, đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: Các ngành liên quan rà soát lại dự án của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình, làm rõ diện tích, nguồn vốn và năng lực của nhà đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ để dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hạn chế tình trạng người dân tự ý vào khu vực đất dự án canh tác. Về vấn đề xâm canh, xâm cư của 46 hộ dân khu vực Suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị khẩn trương báo cáo với Trung ương và làm việc với 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái để phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ dân người Mông trở về địa phương. Đối với các hộ dân thuộc xã Hang Kia, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Mai Châu, các cấp,ngành làm việc với cấp ủy xã Hang Kia, chính quyền thôn, xóm vận động nhân dân trở về địa phương. Đối với những hộ đã sinh sống nhiều đời ở khu vực này, tìm giải pháp hỗ trợ để họ tái định cư tại địa bàn phù hợp, tập trung. Đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh trật tự khu vực Suối Rằm, trước mắt cần đề phòng tình trạng cháy rừng do tập quán canh tác của người Mông là đốt nương làm rẫy.

* Cùng ngày, tại HĐND tỉnh đã diễn ra hội nghị ký kết quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 -2021. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạocác Ban của HĐND tỉnh và một số sở, ngành hữu quan.



Lãnh đạo HĐND tỉnh và UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại hội nghị, sau khi thảo luận, các đại biểu đã thống nhất ký kết quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh phối hợp công tác để cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp chặt chẽ, thống nhất, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế này để phát huy hiệu quả chức năng, vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan. Nội dung phối hợp bao gồm công tác xây dựng, triển khai và sửa đổi bổ sung Nghị quyết của HĐND tỉnh. Chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh. Hoạt động giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh; thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh. Tiếp xúc cử tri và trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri. Tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân. Giải quyết những nội dung giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh và các nội dung phối hợp công tác khác.

Quy chế cũng đã quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan trong 7 nội dung phối hợp và các điều khoản thi hành, tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp.

Đinh Hòa

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục