Sáng 10/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ...


Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 10/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này với phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.

Dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 5 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 28 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

[Quốc hội thảo luận Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế]

Nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân; phương thức hoạt động của chính quyền địa phương; cụ thể hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sau nội dung này, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 3 điều, đó là: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi 17 điều, khoản và bãi bỏ 03 khoản, điểm về đối tượng công chức, chính sách đối với người có tài năng, ngạch công chức, tuyển dụng công chức, phân loại, đánh giá và xử lý cán bộ công chức); Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức (sửa đổi 7 điều, khoản về tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, chế độ hợp đồng đối với viên chức, đánh giá viên chức, chế độ thôi việc và xử lý kỷ luật viên chức); Điều 3 về hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận./.

Theo Vietnamplus.vn

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục