(HBĐT) - Ngày 29/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang đã ký ban hành công điện khẩn số 03/CĐ-UBND về thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất gây ra. Nội dung chính công điện như sau:

 

Theo tin cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương từ ngày 29/7 đến ngày 2/8/2015 tại các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ sẽ có mưa to đến rất to; lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra khu vực miền núi, vùng đồng bằng, vùng thấp, đô thị có khả năng xảy ra ngập úng. Khu vực tỉnh Hòa Bình có thể còn có mưa to đến rất to trong vài ngày tới. Cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 2 đến cấp 3.

Thực hiện công điện số 11/CĐ-TW ngày 28/7/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Khẩn trương rà soát tất cả các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bằng mọi biện pháp phải cảnh báo thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để chủ động phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân ở những khu vực thấp, trũng, nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực khai thác khoáng sản đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có tình huống xảy ra;

2. Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, các sông, suối, ngầm các tuyến đường có nguy cơ bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảycác khu vực nguy hiểm khác;

3. Tăng cường công tác kiểm tra các công trình hồ chứa nước, thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, chỉ đạo các chủ hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi vận hành hồ đúng quy trình, đặc biệt là các hồ đã đầy nước, các hồ đang thi công. Thường xuyên kiểm tra các công trình đường dây điện cao áp; các tuyến đường giao thông trọng yếu trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có sự cố xảy ra;

4. Tổ chức kiểm tra hệ thống đê điều và công trình phòng lũ, sẵn sàng phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê theo cấp báo động, tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu;

5. Thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công  biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản;

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; phải bố trí lãnh đạo trực chỉ huy tại Văn phòng thường trực; tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ trên địa bàn; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn tr­ương triển khai thực hiện.

 

 

 

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục