Đồng chí Trương Tấn Sang, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong buổi duyệt Văn kiện và Phương án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với đoàn công tác lãnh đạo tỉnh ta tại Văn phòng T.Ư Đảng (ngày 23/7/2015).

Đồng chí Trương Tấn Sang, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong buổi duyệt Văn kiện và Phương án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với đoàn công tác lãnh đạo tỉnh ta tại Văn phòng T.Ư Đảng (ngày 23/7/2015).

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Trong nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề đã tác động bất lợi đến việc thực hiện các mục tiêu Đại hội đề ra.

 

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả NQĐH XI của Đảng, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, giành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với NQĐH đề ra (3/15 chỉ tiêu không so sánh được do T.Ư thay đổi tiêu chí đánh giá). Kết quả đó tạo nền tảng để tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

 

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân hằng năm đạt 9,1%, cao hơn 0,2% so với mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, CN-XD; đến hết năm 2015, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 19,4%, CN-XD chiếm 54%, dịch vụ chiếm 26,6%. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 36, 5 triệu đồng, cao hơn 1, 5 triệu đồng so với mục tiêu đề ra.

 

Ngành NN &PTNT phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 4,1%. Sản xuất nông nghiệp từng bước gắn chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhiều giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao được ứng dụng vào sản xuất. Diện tích gieo trồng cây lương thực bình quân 5 năm đạt 77,6 nghìn ha, sản lượng lương thực cây có hạt năm 2015 đạt 36, 2 vạn tấn. Diện tích cây ăn quả phát triển nhanh, đã hình thành vùng tập trung và mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác quản lý, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, nâng độ che phủ rừng năm 2015 lên 48,96% vượt 2,96% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Chương trình xây dựng NTM đạt được kết quả quan trọng, đến cuối năm 2015 có 16,2% xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu Nghị quyết.

 

 CN-XD tăng trưởng khá, tốc độ bình quân 5 năm đạt 11%/năm (không tính Công ty Thủy điện đạt 15,38%). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành công nghiệp phụ trợ bước đầu phát triển. Các KCN trên địa bàn đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trong giai đoạn 2011 - 2015 thu hút được 25 dự án đầu tư. Đến nay, các KCN có 60 dự án, trong đó gần 70% dự án đã đưa vào sản xuất.

 

Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng, bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu phát triển KT -XH cùng đời sống, sinh hoạt của người dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6%. Hoạt động liên kết du lịch được tập trung chỉ đạo và có hiệu quả. Trong 5 năm có khoảng 9, 26 triệu lượt khách thăm quan, du lịch, tăng 0,5% so với mục tiêu đề ra.

 

Thu NSNN đạt kết quả quan trọng, bình quân hằng năm tăng 13,9%, vượt 1,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết; chi thường xuyên bình quân hằng năm tăng 33,4%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm tăng 30,5%, nhập khẩu tăng 24,6%. Các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp được khuyến khích phát triển, trong 5 năm đã thu hút được 145 dự án đầu tư (riêng FDI là 18 dự án) với tổng vốn đăng ký khoảng 25.000 tỷ đồng và 385 triệu USD. Có 1.100 doanh nghiệp và 74 HTX thành lập mới.

 

Lĩnh vực VH -XH ngày càng tiến bộ và có bước phát triển mới. Các chỉ tiêu xã hội đạt được kết quả tích cực, lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao tiếp tục phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được bảo đảm. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên, đạt kết quả theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ QP -QSĐP, triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. ANCT  tiếp tục được giữ vững ổn định, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Lãnh đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế các loại tội phạm, TNXH.

 

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể không ngừng được quan tâm, tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần NQT.Ư 4 (khoá XI) gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao cho chất lượng và hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy đã góp phần quan trọng trong lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

 

Cùng với những thành tựu đã đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, năng suất, chất lượng hiệu quả thấp, không đồng đều giữa các vùng. Quy mô sản phẩm công nghiệp còn nhỏ. Cải cách thủ tục hành chính còn thiếu quyết liệt, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Chất lượng GD &ĐT giữa các vùng chưa đồng đều;  thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động ở một số đơn vị sử dụng lao động chưa đảm bảo. Nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, giảm nghèo chưa bền vững...

 

Với mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; huy động mọi nguồn lực để phát triển KT -XH nhanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước..., Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,5% - 9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm bằng khoảng 35% GRDP. Thu NSNN tăng 17%/năm. Đến năm 2020: GRDP bình quân đầu người đạt 60 - 65 triệu đồng; cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn: CN-XD 57,8%, dịch vụ 26,4%, nông nghiệp 15,8%; số doanh nghiệp, HTX thành lập, hoạt động có hiệu quả tăng gấp 2 lần so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3, 5 lần so với năm 2015; tỷ lệ đô thị hóa đạt 25%; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 40% trở lên. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 55% - 60%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 20% - 22%; tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân: 8,5; tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân: 25; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 85% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,0%/năm. 95% dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 95% chất thải nguy hại, 90% - 100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng trên 50%. Hằng năm, tỷ lệ TCCS Đảng TS -VM đạt 50%. Theo đó, Đảng bộ tỉnh sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế, tập trung tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế.

 

Hai là, phát triển nôngnghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững gắn với xây dựng NTM. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. áp dụng tiến bộ KH -KT và tổ chức lại sản xuất. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá giá trị gia tăng cao. Huy động các nguồn vốn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng KT -XH nông thôn.

 

Ba là, tiếp tục phát triển công nghiệp với vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ có lợi thế với giá trị gia tăng cao để trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh. Xây dựng Chiến lược phát triển mạnh ngành du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh lĩnh vực này. Khuyến khích các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh vào các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao. Quan tâm phát triển và củng cố, nuôi dưỡng nguồn thu. Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

 

Bốn là, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tăng cường đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao, chú trọng việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình. Phát triển, nâng cao chất lượng GD &ĐT. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Năm là, quan tâm phát triển khoa học, công nghệ. Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục quan tâm phát triển KT -XH nâng cao đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo.

 

Sáu là, tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ ANTT, giữ vững ổn định ANCT - TTATXH trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo đối với các ngành trong khối nội chính, chủ động phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Tập trung quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đối ngoại.

 

Bảy là, tập trung chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị TS -VM, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện NQT.ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH -HĐH. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng giám sát của HĐND và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp. Tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình cải cách hành chính. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương, cơ sở.

 

Với tinh thần trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, kế thừa thành tựu 30 năm đổi mới của đất nước và 25 năm tái lập tỉnh, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, huy động mọi nguồn lực để phát triển KT -XH nhanh, bền vững, xây dựng tỉnh Hòa Bình giàu đẹp, văn minh, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH -HĐH vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

 

 

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục