(HBĐT) - Theo QL6, đến khu vực chợ Lồ, xã Phong Phú (Tân Lạc) hỏi ông Trần Văn Thành, người trồng thanh long ở xóm Mận, chúng tôi nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình và những lời có cánh dành cho mô hình mới mẻ này. Cách QL6 chừng 300 m, vườn thanh long 3 năm tuổi của gia đình ông Thành xanh tốt với sắc đỏ, xanh của thân và quả.

 

 

Gia đình ông Trần Văn Thành, xóm Mận, xã Phong Phú (Tân Lạc) đang gặt hái được những thành công nhờ chuyển đổi diện tích đất vườn từ trồng mía sang trồng thanh long ruột đỏ.

 

Ông Thành cho hay: “Trước đây, gia đình trồng mía, dù đầu tư, chăm sóc rất vất vả nhưng đầu ra quá bấp bênh, nhiều vụ thua lỗ. Tôi hay theo dõi các mô hình kinh tế tiêu biểu trên tivi, trong đó có mô hình trồng thanh long khá phù hợp với NCT. Có lần, tôi về Thanh Hóa thăm gia đình một người bạn, được bạn đưa đi thăm một mô hình trồng thanh long ruột đỏ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua so sánh chất đất, tôi nhận thấy đất của gia đình mình có khi còn tốt hơn. Thêm nữa, một số hộ trong xóm đã trồng thanh long dọc bờ rào mà chẳng chăm sóc gì, mỗi năm vẫn thu được vài chục quả nên nếu mình trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật chắc chắn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”.

 

Nghĩ là làm, ông Thành đã gọi điện cho người bạn ở Thanh Hóa để học hỏi những kiến thức cơ bản về trồng và chăm sóc thanh long cũng như đặt cây giống về trồng. Trên diện tích 5.000 m2 đất vườn  của gia đình, ông Thành trồng được gần 500 gốc với vốn đầu tư ban đầu bình quân 120.000 đồng/gốc (mua giống và đổ cột  bê tông cho cây leo). Ngày ra vườn chăm bón, tối lại mở tivi, vừa xem, vừa ghi chép tỉ mỉ lại những kiến thức liên quan đến thanh long. Sau một thời gian, ông đã tích lũy được những kiến thức đủ để có một vườn thanh long phát triển tươi tốt như   hiện nay.

 

“Thanh long trồng, chăm sóc không vất vả, nếu không muốn nói là dễ nếu chúng ta nắm bắt được những kiến thức cơ bản về bón phân, trị sâu, bệnh hại cho cây. Chỉ sau 1 năm, vườn đã bắt đầu bói quả, năm ngoái cho thu hoạch trên 1 tấn. Tính từ đầu vụ đến nay, gia đình đã thu được trên 3 tấn quả, dự tính, đến hết vụ thu được khoảng 5 tấn”, ông Thành cho biết. Theo giá bán bình quân từ 25 - 30.000 đồng/kg loại quả to và trên 15.000 đồng/kg loại quả vừa, sau 3 năm trồng, gia đình ông Thành không những thu hồi vốn đầu tư mà đã có được nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

 

Đi tham quan vườn của gia đình ông Thành có thể thấy, vườn phát triển rất đều. Xung quanh vườn, ông Thành trồng xen đu đủ, mít, chanh và cam. Như ông nói: “Để khi thanh long hết vụ, mình vẫn có trái cây sạch sử dụng và bán cho bà con”. Được ông mời thưởng thức, chúng tôi phải thừa nhận, giống thanh long Long Định (nguồn gốc từ miền Nam) mà gia đình ông trồng cho quả có vị ngọt mát, đậm đà. “Cũng chẳng có bí quyết gì ghê gớm, chủ yếu là mình chọn được giống tốt, chăm sóc cho cây khỏe mạnh, bón phân đúng thời điểm thì đẹp mã và ngọt như vậy thôi”, ông Thành chia sẻ.

 

Không chỉ làm giàu cho chính mình, ông Thành còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp giống cho bà con lân cận với giá 10.000 đồng/cây giống. Hiện cũng đã có một số hộ chuyển diện tích đất trồng mía sang trồng thanh long và phát triển tốt. Với những hiệu quả như hiện nay, ông Thành muốn mở rộng diện tích trồng vì “giờ thì một mình làm cũng khá nhàn nhã vì thanh long ít bị sâu, bệnh, chủ yếu bắt sên vào buổi tối”. Thế nhưng trước mắt, ông cho biết sẽ tập trung chăm sóc để cây cho quả ngọt, mẫu mã đẹp và năng suất cao hơn trong những năm sắp tới.

 

 

                                                                             Viết Đào

 

 

 

Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục